Lương thấp chỉ lo tiết kiệm mua nhà thì bao giờ cho đủ?

13:30 | 02/12/2022;
Một số người trẻ không muốn bỏ tiền mua nhà an cư lạc nghiệp quá sớm. Vậy nên thay vì bỏ tiền để mua nhà, họ bỏ tiền ra để mua trải nghiệm, sống hưởng thụ tuổi trẻ nhiều hơn.

"Mình có tiền tiết kiệm, đủ khả năng tài chính để có thể mua nhà trả góp ở thành phố lớn. Hay đủ tiền trong ngân hàng để có thể mua 1 chiếc xe sang. Nhưng mình vẫn lựa chọn đi chiếc xe máy cà tàng, sống trong nhà thuê và du lịch trải nghiệm hàng tháng. Mình không đam mê nhà cao cửa rộng theo kiểu truyền thống "an cư lạc nghiệp". Mà thay vào đó, mình dành tuổi trẻ để tích lũy kinh nghiệm và tiền bạc, hướng đến mục tiêu dài hạn hơn trong tương lai.” Minh Đức (28 tuổi, Hải Phòng) chia sẻ về quan điểm của mình, rằng việc mua nhà khi còn trẻ không phải mục tiêu mà anh chàng hướng đến. 

Cùng quan điểm với Đức, Khánh Việt (1995, nhân viên công nghệ thông tin) cho biết: "Có lẽ thế hệ 9x như mình được tiếp xúc nhiều hơn với mạng xã hội, với văn hóa nước ngoài, nên tư tưởng có phần thoáng hơn, thích trải nghiệm hơn là ổn định ở 1 chỗ. Mình chưa có suy nghĩ muốn sống cố định ở 1 thành phố duy nhất, vì thế việc tiết kiệm và đầu tư cho tương lai vẫn có, nhưng mua nhà hay xe thì không. Với mình, làm cho tiền đẻ ra tiền mới là quan trọng nhất, còn mua nhà hay mua xe đều sẽ rất dễ trở thành tiêu sản nếu như chúng ta không biết lựa chọn "sản phẩm" biết sinh lời trong tương lai."

Lương thấp mà chỉ lo tiết kiệm để mua nhà, thì có khi đến già cũng gom không đủ

Minh Đức dù sở hữu số tiền tiết kiệm kha khá, nhưng Đức rất sợ dính đến những khoản nợ dai dẳng nếu mua nhà: "Trong tình trạng kinh tế hiện nay, bão giá lại tăng cao khiến mình lo lắng về khả năng kiếm tiền trong 1 vài năm tới. Không hẳn là chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mua nhà, nhưng khả năng hiện tại của mình chỉ đủ để mua trả góp. Mình rất sợ những khoản nợ kéo dài trong tương lai như thế. Thời điểm này, mình không đánh liều để bỏ ra 1 số tiền lớn mua nhà, rồi chông chênh trong việc gom góp từng đồng cho chi tiêu và trả nợ hàng tháng."

Lương thấp chỉ lo tiết kiệm mua nhà thì bao giờ cho đủ? - Ảnh 1.

Minh Đức - Ảnh NVCC

Tuy nợ khiến nhiều người e dè, nhưng không hẳn là lý do chính khiến cho Khánh Việt không muốn mua nhà. Việt có quan điểm rằng, ở độ tuổi còn trẻ thì có nhiều giá trị để theo đuổi hơn: "Mình không quá tôn sùng những của cải thấy được, sờ được, chụp ảnh được. Với mình, định nghĩa thành công không phải cứ mua được nhà đẹp xe sang. Thay vào đó, thứ mình mua là trải nghiệm, sức khỏe, hoặc các dự án khởi nghiệp riêng để bản thân tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn. Mình luôn theo đuổi lối sống tối giản nhất, có thể không thịnh vượng nhưng tự do về tài chính, tận hưởng thứ mình muốn và du lịch đó đây.

Mình luôn đặt ra câu hỏi: Nếu mua nhà ở đó thì mình sống được trong bao lâu? Và bản tính ghét bị trói buộc cho mình câu trả lời: Nhỡ đâu 1-2 năm tới, mình có khả năng chuyển chỗ làm việc, sang tỉnh thành khác, thì việc thuê nhà hoàn toàn có lợi hơn. Chính vì không thể ở cố định 1 chỗ quá lâu, nên mình ở nhà thuê thay vì mua để tiết kiệm, dành tiền đầu tư vào các loại tài sản khác."

Khánh Việt còn chia sẻ thêm rằng, nếu như số tiền hiện tại kiếm được quá ít, thì đừng chỉ tiết kiệm quá nhiều, bạn có thể thay đổi thói quen chi tiêu. Ví dụ như việc lương 5-6 triệu, thì thay vì chi tiêu dè sẻn để lại chút ít tiền tiết kiệm, bạn có thể đầu tư vào 1 vài chuyến du lịch, hay khóa học nào đó không phải là ý kiến tồi. Việc có nhiều trải nghiệm thực tế trong cuộc sống giúp chúng ta mở ra những cơ hội kiếm nhiều tiền hơn trong tương lai. Nếu không, việc lương đã thấp rồi mà chỉ lo tiết kiệm để mua nhà, mua xe thì chắc tới già có khi cũng không đủ. 

Không bao giờ tiêu lậm vào khoản tiết kiệm tương lai

Tuy chi tiêu nhiều hơn cho trải nghiệm, nhưng Khánh Việt không bao giờ chi tiêu quá số tiền cho phép: “Mình thấy, đa số bạn bè mình đều rất thông minh và biết cách tiêu tiền. Mọi người đều "văn minh" trong cách tiêu tiền, dùng tiền để mua trải nghiệm của tuổi trẻ. Họ có đi du lịch, có hưởng thụ cuộc sống, nhưng số tiền chi tiêu cho các khoản đó đều được phân chia rõ ràng, không hề tiêu "lậm" vào các khoản tiền tiết kiệm cho tương lai. Quan điểm của mình cũng luôn rõ ràng: Mua trải nghiệm để kiếm thêm tiền trong tương lai, tiết kiệm cũng thế!

Mình luôn song hành 2 việc đầu tư và tiết kiệm. Tuy không có ý định mua nhà khi còn trẻ, nhưng dấu mốc năm 30 tuổi sở hữu bất động sản là mục tiêu của mình, vì đây vẫn luôn là kênh đầu tư hấp dẫn. Để thực hiện được mục tiêu này, việc quản lý tài chính cá nhân, phân bổ dòng tiền rõ ràng cực kỳ quan trọng. 

Mình luôn phân định rõ ràng mức chi tiêu tối thiểu cho những thứ mình muốn. Đây là những khoản chi nếu như không có, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu sống còn như ăn, ở, đi lại, trải nghiệm cá nhân. Đặt riêng khoản tiền này sang 1 góc và không để chúng làm phiền đến khoản tiền tiết kiệm kia. Việc phân chia các khoản thu nhập - chi tiêu - tiết kiệm và đầu tư của mỗi người sẽ mỗi khác. Nhưng về cơ bản, mọi loại nhu cầu đều xuất phát từ những mục này thôi."

Lương thấp chỉ lo tiết kiệm mua nhà thì bao giờ cho đủ? - Ảnh 2.

Khánh Việt - Ảnh NVCC

Cũng như Việt, Minh Đức cho biết khi bước sang năm 30 tuổi, kinh tế ổn định hơn, thì việc vay nợ mua nhà có lẽ sẽ không còn là nỗi sợ. Để chuẩn bị cho tài khoản tiết kiệm ngày càng tăng lên, Đức luôn áp dụng quy tắc 50-30-20. Tùy từng thời điểm, các con số này sẽ được chia theo tỷ lệ khác nhau, nhưng về cơ bản thì vẫn đi theo các nguyên tắc phân chia tiền này. Sau khi phân bổ tỷ lệ hợp lý, ngay khi nhận lương, Đức sẽ chuyển tiền vào từng khoản, và nhất quyết không đụng đến những khoản tiết kiệm cố định. Và việc nâng cao nguồn thu nhập cũng được Đức thực hiện thường xuyên, bằng cách làm thêm những dự án ngoài, đầu tư vào nâng cấp năng lực bản thân. 

Đức tổng kết lại rằng: "Dù không đặt mục tiêu mua nhà khi còn trẻ, nhưng mình luôn có sự chuẩn bị tài chính cho tương lai. Ít nhất, là nếu như có vay nợ để mua nhà, mình vẫn có đủ khả năng tài chính để chi trả cho những khoản nợ mới phát sinh." 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn