Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu: Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội; Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng; Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, có chung nội dung quan tâm, nêu câu hỏi chất vấn liên quan tới vấn đề thuộc ngành văn hoá, thể thao và du lịch; đặc biệt là về việc đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nghệ thuật trên toàn quốc đang bị thu hẹp về quy mô, giảm về chất lượng. Vấn đề phát huy giá trị văn hoá đặc sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thúc đẩy du lịch, nâng cao đời sống của người dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Liên quan đến nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, cơ quan quản lý Nhà nước đã nhiều lần báo cáo trước Quốc hội, nếu không có các giải pháp quyết liệt thì có thể sẽ có một số bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ "khép lại". Chính phủ đã có các quy định để khuyến khích, động viên như giảm học phí, có chế độ ưu đãi khi học các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang triển khai trên cả nước, không chỉ trong các trường của Bộ.
Về giải pháp lâu dài, căn cơ Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần phải có nhiều giải pháp để người dân yêu văn hóa Việt Nam, coi nghệ thuật truyền thống văn hóa Việt Nam là hồn cốt cần phải giữ, lưu truyền.
Về lưu giữ, phát triển văn hoá truyền thống vùng dân tộc thiểu số miền núi nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết: Du lịch phát triển sẽ hỗ trợ cho văn hoá; ngược lại văn hoá phát triển sẽ làm du lịch thăng hoa. Chiến lược phát triển du lịch và văn hoá đều lưu ý sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hoá. Vì vậy, khi khách quốc tế đến với Việt Nam đều dựa trên nguồn tại nguyên văn hoá đặc sắc, đa dạng, nhất là vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Bộ trưởng cho rằng, cần tập trung khai thác, phát huy giá trị văn hoá bản địa, truyền thống, từ đó thu hút được khách du lịch. Cách làm này nhiều địa phương đã làm rất tốt, có thể thấy điểm du lịch ở tỉnh Hoà Bình có yếu tố văn hoá dân tộc Mường; hay ở Mường Ẳng (Điện Biên), bắt đầu từ văn hoá ẩm thực để phát triển du lịch… Không hiểu đơn giản là khai thác tối ưu lợi thế văn hoá trở thành tài nguyên du lịch, mà cần phát huy giá trị văn hoá để tạo sức hấp dẫn, thu hút khách. Cách này cho thấy thành công và trở thành dòng sản phẩm du lịch chính.
Về sản phẩm du lịch đêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề án khuyến khích các địa phương nghiên cứu, dựa trên yếu tố quy hoạch để đánh giá, phát triển các sản phẩm du lịch đêm. Phấn đấu "mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc mang tính cạnh tranh cao".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn