Lưu ý 7 thay đổi lạ của cơ thể khi mang thai

22:00 | 08/03/2017;
Khi mang thai, cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi lạ. Dưới đây là 7 điều mà chị em cần lưu tâm để mình không bỡ ngỡ trước sự xuất hiện của thiên thần bé nhỏ.
Thể tích máu tăng lên: Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể người mẹ tăng khoảng 50% để giúp hỗ trợ tử cung. Theo đó, lượng máu mà tim bơm đi cũng tăng lên. Vào cuối của thai kỳ, tử cung của người mẹ nhận được lượng máu bằng 1/5 lượng máu có trước khi mang thai.

Rạng rỡ: Nếu bạn thấy mình tươi tắn và rạng rỡ trong suốt thai kỳ, đó không chỉ là vì bạn đang tràn đầy niềm kiêu hãnh khi sắp được làm mẹ, mà điều này còn có nguyên nhân sinh lý. Tuần hoàn máu gia tăng khi mang thai khiến gương mặt của bà bầu trở nên bừng sáng. Theo Hội thai nghén Mỹ, vì cơ thể người mẹ sản xuất nhiều hormone, các tuyến nhờn có thể tăng hoạt động nên khuôn mặt sáng đẹp hơn.
 
 
Khi thai nghén, cơ thể người mẹ sản xuất nhiều hormone, các tuyến nhờn có thể tăng hoạt động nên khuôn mặt sáng đẹp, rạng rỡ hơn
Một cơ quan mới hình thành: Khi mang thai, cơ thể người mẹ phát triển một cơ quan hoàn toàn mới - bánh nhau. Cơ quan này phát triển trong tử cung và cung cấp oxy, chất dinh dưỡng cho em bé, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong loại bỏ chất cặn bã. Bánh nhau thường phát triển ở phần trên của tử cung và nối với em bé bằng dây rốn. Sau khi em bé chào đời và nhiệm vụ của bánh nhau hoàn thành, nó sẽ bị “trục xuất” ra ngoài.

Cơ thể “lỏng lẻo”: Thời kỳ mang thai, nội tiết tố (đặc biệt là relaxin) sẽ làm mềm các dây chằng nối các xương với nhau và xương chậu bắt đầu dịch chuyển để phù hợp cho việc sinh em bé. Đôi khi, điều này có thể gây ra một chút đau đớn và khó chịu (nếu nghiêm trọng, bạn nên đến gặp bác sĩ). Tuy nhiên, khi em bé được sinh ra, các khớp của bạn sẽ săn chắc trở lại.
Trong thời kỳ mang thai, sự thay đổi của cơ thể đôi khi cũng khiến thai phụ không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi, khó chịu.


Hết rụng tóc: Thông thường, trong thời gian mang thai, bạn sẽ không bị rụng tóc ở tốc độ bình thường. Lí do là khi mang thai, nồng độ estrogen cao hơn, giúp tóc chắc khỏe và dày mượt. Tuy nhiên sau khi sinh em bé, mái tóc dày mượt này sẽ rụng nhiều hơn.

Hơi thở khác đi: Không hiếm gặp trường hợp người mẹ mang thai cảm thấy khó thở, đặc biệt là vào cuối thai kỳ, khi tử cung phát triển và bắt đầu chèn ép vào cơ hoành. Hơi thở thay đổi còn vì lượng hormone progesteron cao trong cơ thể, báo hiệu cho não giảm mức độ CO2 trong máu. Điều này giúp hỗ trợ và phục vụ cho em bé đang lớn lên.

Ham muốn nhiều hơn: Lưu lượng máu đến vùng “nhạy cảm” tăng lên, cộng với sự gia tăng của những hormone ảnh hưởng đến ham muốn, có thể khiến nhiều bà bầu cảm thấy thích “chuyện ấy” hơn. Những thay đổi này cũng có thể làm tăng sự nhạy cảm, khiến bà bầu dễ “lên đỉnh” hơn. Tuy nhiên, một số phụ nữ lại không nghĩ tới “chuyện ấy” khi mang thai. 
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn