Lưu ý khi sử dụng dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ” ở Việt Nam

07:15 | 01/08/2017;
Dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ” xuất hiện tại Việt Nam trong khoảng gần 10 năm nay và các giao dịch đang có chiều hướng ngày một sôi động. Tuy nhiên, đây là một loại hình dịch vụ có những khái niệm khá phức tạp cùng với nhiều khoảng trống pháp lý.
Sở hữu kỳ nghỉ (Timeshare) là mô hình không mới trên thế giới nhưng lại mới ở Việt Nam. Mô hình này ra đời để đáp ứng nhu cầu lưu trú của những người có thói quen đi du lịch. Bên cung ứng sản phẩm sở hữu kỳ nghỉ là bên tiến hành hoạt động du lịch, cụ thể là dịch vụ lưu trú.

Vì thế, về bản chất, sở hữu kỳ nghỉ không phải là sở hữu bất động sản, kể cả bất động sản nghỉ dưỡng, mà nó chỉ là “sản phẩm kỳ nghỉ” hay quyền lưu trú, tương tự như dịch vụ cho thuê phòng của khách sạn.

dich-vu-gd-30.jpg
Dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ” xuất hiện tại Việt Nam trong khoảng gần 10 năm nay và các giao dịch đang có chiều hướng ngày một sôi động  (Ảnh minh họa)


Điểm khác biệt là bên cung ứng kỳ nghỉ cho phép khách hàng đặt phòng cả một thời gian dài. Còn bên mua kỳ nghỉ phải trả đầy đủ phí cho quyền được lưu trú với tất cả các yêu cầu, lựa chọn được đưa ra.

Hình thức dịch vụ phổ biến tại Việt Nam thường là quyền được lưu trú theo tuần và áp dụng cho đến hết vòng đời của dự án (tuần khác trong năm sẽ được người khác mua và sử dụng). Khách hàng lựa chọn loại phòng, căn hộ và chọn 1 tuần nào đó trong năm. Ngoài mức giá cố định để sở hữu tuần nghỉ, khách hàng thường được yêu cầu phải trả thêm khoản phí bảo trì phòng/căn hộ và duy trì chất lượng phục vụ, dịch vụ.
 
Tuy nhiên, sự hấp dẫn của loại hình dịch vụ này là bên cung ứng sản phẩm thường tạo điều kiện để bên mua có thể kinh doanh lại quyền lưu trú mà họ đã mua, bằng cách chấp nhận các quyết định bán lại kỳ nghỉ, cho thuê kỳ nghỉ, tặng cho kỳ nghỉ hay thậm chí được chuyển giao thừa kế kỳ nghỉ cho người khác.

Trong đó, điều hấp dẫn nhất là cơ hội được trao đổi kỳ nghỉ. Có nghĩa, 1 người có thể đổi quyền được lưu trú của mình ở nơi này để lấy 1 nơi lưu trú khác, có thể ở trong cùng hệ thống lẫn ngoài hệ thống của bên cung ứng, kể cả trong nước lẫn nước ngoài.

ky20ngi.jpg
Khi có ý định mua sản phẩm này cần phải hiểu rõ bản chất của giao dịch cũng như tư thế của người kinh doanh sản phẩm để đưa ra quyết định phù hợp  (Ảnh minh họa)


Qua nghiên cứu thực tế, có thể thấy chi phí để sở hữu kỳ nghỉ theo hình thức nói trên không hề rẻ. Nó có thể đắt gấp vài chục lần so với giá thuê phòng khách sạn - phổ biến từ 400 triệu đến hàng tỉ đồng cho 1 “sản phẩm” tương đương chất lượng khách sạn 4-5 sao.

Vì thế, dịch vụ này không dành cho những người có thu nhập từ trung bình trở xuống. Hơn nữa, với các điều khoản phức tạp trong hợp đồng, khách hàng còn có thể bị nhầm lẫn giữa một mớ các “khái niệm” mà nhà tư vấn của chủ sở hữu có thể “phù phép” để tăng tính hấp dẫn của dịch vụ, nhất là với các lợi ích, lợi nhuận kỳ vọng, mà nhiều khi chỉ có ở “thì tương lai”, có thể có mà cũng có thể là không.

Cơ quan chức năng cho biết, hiện ở Việt Nam chưa có một văn bản cụ thể nào quy định về hợp đồng mua bán kỳ nghỉ. Vì thế, khi có ý định mua dịch vụ này, khách hàng cần sự tư vấn độc lập của luật sư (do tự mình thuê) hoặc của những người am hiểu sâu sắc về dịch vụ này.

Không riêng gì Việt Nam mà ở nhiều nước phát triển, dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ” cũng “có vấn đề”, khi ngay chính tên gọi cũng đã tạo sự mơ hồ đối với lợi ích khách hàng, với nguy cơ “mắc kẹt” trong những điều khoản không công bằng bị buộc phải thực hiện trong thời gian dài là rất cao.

Vì thế, vấn đề quan trọng nhất là người có ý định mua sản phẩm này cần phải hiểu rõ bản chất của giao dịch cũng như tư thế của người kinh doanh sản phẩm để đưa ra quyết định phù hợp.


ĐỊA CHỈ CHO BẠN

- Dreamholidays coporation, số 92H-92G Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, Q.Bình Thạnh, TPHCM; Hotline: 028.71082222.

- Ninhvan Bay Hollyday Club, Lầu 6, số 259A Hai Bà Trưng, phường 6, Q.3, TPHCM; ĐT: 028.62668686; Hotline: 0168.6434434.

- Sea Link City, Km9 đường Nguyễn Thông, Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn