Quá trình học từ ‘tiếp thu tự nhiên’ trở thành ‘tiếp nhận vì kết quả’
Khi trẻ tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên sẽ tự mang lại cho mình một kết quả nhất định. Các bé còn chưa chính thức đi học sẽ không bị ảnh hưởng bởi vấn đề học nhanh hay học chậm, học tốt hay không tốt. Do đó trong độ tuổi học mẫu giáo bé không có khái niệm học vì kết quả, cũng không mang tâm lý khủng hoảng hay ngại khó.
Một điều đáng tiếc là các bậc phụ huynh thường áp cho trẻ những “định hướng kết quả”, buộc các bé dần có ý thức rằng: học cần phải nhanh, cần có thành tích tốt hơn người khác, nếu không thì sẽ trở thành thua kém, sẽ bị trách mắng... Đối với những trẻ có thể học nhanh, học tốt như kỳ vọng của bố mẹ sẽ nhận được những lời khen, khích lệ. Còn những trẻ chưa thể đáp ứng theo “định hướng kết quả” người lớn đặt ra, thì việc học vốn là một niềm vui đơn thuần sẽ dần trở thành gánh nặng, hứng thú học hỏi, tiếp nhận kiến thức cũng dần “biến mất”.
Khi học tập không còn là niềm vui, mà là một áp lực
Việc khiến trẻ thấy áp lực không chỉ có vấn đề tiếp nhận kiến thức hay kết quả học tập, nhiều phụ huynh còn mang lại cho con những áp lực hữu hình và vô hình khác. Một số cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày thường dùng lời nói hay hành động để “nhắc nhở” trẻ biết rằng, họ đã tốn rất nhiều công sức, tiền của, cũng hy sinh nhiều thứ, chỉ để con cái học hành thật tốt.
Khi trẻ nhận được thông điệp như vậy từ bố mẹ sẽ cảm thấy áp lực hơn rất nhiều. Trẻ học tốt có thể coi như gánh vác được trách nhiệm học tập này, trẻ không dễ dàng đạt được kết quả cao trong học tập sẽ lấy trách nhiệm với việc học, với bố mẹ để làm động lực học hành. Sự hiếu học vốn có của trẻ không được phát huy hay sử dụng trong những trường hợp như thế này nên sẽ dần mất đi.
Việc học từ vô điều kiện trở thành có điều kiện
Khi trẻ nhận ra rằng việc học có thể mang lại cho bản thân phần thưởng, lời khen ngợi, hoặc khiến bản thân phải chịu trách phạt, thì khi ấy học hành đã trở thành một việc có điều kiện: nếu học tốt thì như thế này, nếu học không tốt thì như thế kia. Trên thực tế, trẻ học hỏi và tiếp thu kiến thức tốt nhất là khi học một cách tự phát, tức là chuyên tâm vào học mà không có bất cứ tác động nào ảnh hưởng đến ý thức học của trẻ. Học có điều kiện không phải học một cách tự nhiên mà trẻ muốn, chỉ là vì phần thưởng hay vì không bị trách mắng mà cố gắng học, điều này cũng làm mất đi niềm vui, hào hứng khi học của trẻ.