Lý do khiến tuyển sinh sư phạm ở cảnh “chuột chạy cùng sào”

19:40 | 07/08/2017;
Trước tình trạng ngành sư phạm đang bị thí sinh quay lưng, chuyên gia giáo dục và thầy cô giáo lo ngại chất lượng của một thế hệ giáo viên mới đang bị đe dọa sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho cải cách giáo dục.

Khi nhà giáo không sống được bằng lương

Đó là cách mà TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội ví von về bức tranh tuyển sinh ảm đạm của ngành sư phạm năm nay. Ông không tỏ ra bất ngờ về điều này, thậm chí cho rằng, đây là quy luật tất yếu.

“Sao mà hút được thí sinh khi sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều. Muốn có công việc thì phải mất tiền chạy việc rất tiêu cực, các em lấy đâu ra tiền? Mà không xin việc được trong ngành giáo dục, các em cũng không biết xin việc nào khác, chỉ quanh quẩn trong ngành thôi chứ không có cơ hội mở rộng công việc” - ông phân tích.

Nghề giáo những năm gần đây thiếu hẳn sức hút, nếu không muốn nói là bị "thất sủng" do nhiều lý do. Ảnh minh họa 

Một điều nữa khiến thí sinh thờ ơ với ngành này là chính sách hỗ trợ đã không còn đủ sức hấp dẫn. "Chúng ta cứ nói giáo dục là quốc sách hàng đầu, thế nhưng chế độ đãi ngộ giáo viên không tương xứng. Nói cách khác, cách trả lương cho giáo viên ở nước ta đã quá lạc hậu, không khuyến khích được người tài phát triển” - TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Đây cũng là điều mà TS Giáp Văn Dương, Giám đốc trường học trực tuyến Giapschool trăn trở khi ông cho rằng, nếu không thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục, nếu nhà giáo không sống được bằng lương, thì mọi cải cách giáo dục trước sau gì cũng sẽ thất bại.

“Lực cản lớn nhất với đổi mới giáo dục hiện giờ không phải là từ phía nhà quản lý mà lại từ chính các nhà giáo. Chất lượng giáo viên đang ở mức báo động. Lẽ ra, giáo viên phải là những người giỏi nhất, tự hào về bản thân và nghề nghiệp của mình, thì ở ta rất nhiều giáo viên lại đang bị đánh giá là những người thất bại”.

Theo ông, nếu các trường sư phạm cứ chạy theo thành tích tuyển sinh, hạ điểm chuẩn miễn sao đủ chỉ tiêu, thì không chỉ tạo ra những lứa giáo viên kém chất lượng, gây ảnh hưởng kéo dài hàng chục năm, mà còn tiếp tay cho tình trạng thừa thầy thiếu thợ mà xã hội đang kêu ca.

Có đủ sức “hút” thí sinh bằng nội lực?

TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, sư phạm là nghề “biết 10, dạy 1”. Tuy nhiên, với các sinh viên có điểm đầu vào thấp, điều đó không đơn giản khi sinh viên đó thiếu hụt lượng kiến thức phổ thông lớn. Lượng kiến thức cần bổ sung quá nhiều, bạn sinh viên đó khó có thể tiếp thu kịp thời những vấn đề ở ĐH. Các giảng viên vì thế cũng gặp khó khăn. 

Tất nhiên, điều này cũng sẽ đồng nghĩa với việc, chất lượng đầu ra của sinh viên đó, khi trở thành thầy-cô cũng sẽ hạn chế so với các bạn có đầu vào cao hơn.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, sự đột phá phải bắt đầu bằng chính nội lực của các trường. 

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, cách duy nhất để có thể cứu ngành sư phạm chuyển mình trong giai đoạn khó khăn hiện nay là bản thân các trường phải thay đổi đồng bộ ở tất cả các khâu: Đào tạo - bồi dưỡng; sử dụng - tuyển chọn - đãi ngộ.

“Sử dụng mà không tuyển chọn hoặc tuyển chọn tiêu cực thì bất ổn. Đồng lương được trả chưa xứng đáng cũng không đủ sức thu hút người học. Bản thân các trường phải tự tạo sức hút, đào tạo có chất lượng, không cố ôm số lượng bằng mọi giá, tự khẳng định thương hiệu của mình. Khi đó chính thí sinh sẽ tìm đến để học” - ông Tùng Lâm nêu ý kiến.

Ông nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT cần lấy thực tế tuyển sinh ngành sư phạm năm nay để tính toán, cân nhắc về sự thay đổi. “Bộ cần có những kiến nghị xác đáng, cần thiết có thể đưa ra Quốc hội để bàn thảo”- ông nói.

Cô Dương Huệ, nguyên giáo viên THPT Quốc học Huế, hi vọng, các trường sư phạm đừng quá chạy theo tuyển sinh mà đánh đổi chất lượng đào tạo.

“Một thế hệ giáo viên tương lai nhưng lại yếu kém, thiếu năng lực sẽ dẫn dắt học trò thế nào là điều mà tôi chưa dám nghĩ đến. Mấy chục năm gắn bó với nghề giáo viên, tôi hiểu không chỉ là năng lực chuyên môn, mà để gắn với nghề còn cần tình yêu, lòng nhiệt huyết, nỗ lực đổi mới từng ngày. Nếu thiếu những nền tảng đó, không thể dẫn dắt học trò thành người” - nữ giáo viên chia sẻ.

Điều mà cô Huệ và rất nhiều giáo viên khác mong mỏi là nhà nước sớm có thay đổi mang tính đột phá về cơ hội công việc, chính sách đãi ngộ, tiền lương của giáo viên. Làm sao để giáo viên đủ cảm thấy gắn bó với nghề và khuyến khích được người giỏi phát triển, mắt xích này thậm chí sẽ là chủ lực để thu hút ngay từ bước tuyển sinh đầu vào.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn