Theo tờ Wall Street Journal, sự giảm tốc tăng trưởng của Trung Quốc đang khiến nhiều chuyên gia xem xét lại nhận định rằng nền kinh tế này sẽ soán ngôi vị số 1 của Mỹ.
Trước đây, nhiều dự đoán đã được đưa ra về việc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tính theo USD sẽ vượt Mỹ vào cuối thập niên này. Thế nhưng những diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng như rủi ro xì hơi bong bóng bất động sản đang khiến nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều thách thức và buộc các chuyên gia phải xem xét lại các dự báo trước đó.
Sau khi nhìn nhận lại toàn bộ nền kinh tế, những cảnh báo đã được đưa ra khi dân số Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng, gây suy giảm lực lượng lao động cũng như thị trường tiêu dùng, đi kèm với tỷ lệ nợ ngày một cao trên mọi mảng xã hội.
Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) của Anh, vốn dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ soán ngôi vị số 1 của Mỹ vào năm 2024 thì nay đã kéo dài sang năm 2030. Trong khi đó Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) tại Tokyo thì kéo dài dự báo này thêm 4 năm sang năm 2033 so với trước đó.
Thậm chí nhiều tổ chức còn dứt khoát đặt nghi vấn liệu Trung Quốc có thể vượt Mỹ được hay không khi hàng loạt vấn đề cần được giải quyết như hiện nay sẽ ảnh hưởng dài hạn đến nền kinh tế.
Cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Lawrence Summers nhận định tình trạng lão hóa dân số nhanh cùng hàng loạt những biến động về dịch bệnh, bong bóng bất động sản...đã khiến ông phải hạ dự báo tăng trưởng về nền kinh tế Trung Quốc. Thông qua đó, ông Summers nhận định những dự đoán rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ có thể trở thành trò cười như những dự báo Nhật Bản hay Nga sẽ soán ngôi vị số 1 như trước đây.
"Tôi nghĩ nhiều khả năng những dự báo như trước đây, hiện đã trở thành trò cười, sẽ lặp lại với Trung Quốc", ông Summers, hiện đang là giáo sư cho trường đại học Harvard nhận định.
Tờ WSJ nhận định dù nhiều chuyên gia vẫn đang tranh cãi về thứ hạng GDP và những thay đổi nếu Trung Quốc soán ngôi Mỹ, nhưng một sự thật rõ ràng rằng tầm ảnh hưởng của nền kinh tế Mỹ trên thế giới là khó lòng so sánh được. Đồng USD vẫn sẽ là loại tiền được dự trữ chủ chốt của toàn cầu trong tương lai chứ không phải Nhân dân tệ.
Đồng quan điểm, CEO Leland Miller của hãng nghiên cứu China Beige Book nhận định GDP không phản ánh hết được sự tăng trưởng của nền kinh tế. Chất lượng sống thông qua các chỉ số như GDP bình quân đầu người tại Mỹ vẫn cao hơn gấp 5 lần so với Trung Quốc và khoảng cách này khó lòng vượt qua trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, tờ WSJ nhận định một sự soán ngôi về xếp hạng GDP có thể đem lại danh tiếng lớn cho chính quyền Bắc Kinh khi so sánh giữa mô hình thị trường tự do với nền kinh tế lãnh đạo bởi các doanh nghiệp quốc doanh. Sự soán ngôi có thể khiến ngày càng nhiều nền kinh tế phụ thuộc hơn hay thậm chí là bắt chước thị trường Trung Quốc.
Cựu chuyên gia kinh tế Justin Yifu Lin của Ngân hàng thế giới (World Bank) từng nhận định với tổng dân số thuộc hàng lớn nhất nhì thế giới, nền kinh tế Trung Quốc sớm muộn gì cũng sẽ lớn gấp đôi Mỹ. Thậm chí trong cuộc hội thảo vào tháng 5/2022 tại Bắc Kinh, chuyên gia này tiếp tục khẳng định tiến trình soán ngôi này sẽ tiếp tục bất chấp tăng trưởng của Trung Quốc có chậm lại đi chăng nữa.
Thế nhưng theo WSJ, dù nền kinh tế Trung Quốc hồi phục nhanh hơn Mỹ hậu dịch Covid-19 thì đi kèm với đó là vô số những thách thức. Rủi ro xì hơi bong bóng bất động sản vẫn còn đó trong khi chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đang ở mức thấp nhất nhiều thập niên. Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ thành thị thì đang ở mức cao kỷ lục trong khi dân số thì lão hóa nhanh do tỷ lệ sinh giảm.
Viện Lowy, một tổ chức nghiên cứu nổi tiếng tại Australia nhận định rằng tốc độ tăng trưởng bình quân của Trung Quốc trong khoảng 2021-2050 sẽ chỉ đạt 2-3%, thấp hơn so với mức 4-5% mà nhiều dự đoán trước đó đưa ra.
Mặc dù với mức tăng trưởng này, Trung Quốc vẫn sẽ vượt Mỹ về bảng xếp hạng GDP nhưng chúng không thể phản ánh một sự soán ngôi ý nghĩa trên phương diện giàu có hay năng suất bình quân đầu người. Thậm chí sự soán ngôi này còn chẳng đem lại một lợi thế kinh tế rõ ràng nào.
Số liệu của World Bank cho thấy nếu tính theo sức mua (Purchasing Power), nền kinh tế Trung Quốc thực tế đã vượt Mỹ từ năm 2016. Tuy nhiên nếu chỉ tính theo giá trị đồng USD thông thường thì GDP của Trung Quốc mới chỉ bằng 77% so với Mỹ tính đến năm 2021, tương đương mức tăng 13% kể từ năm 2001.
Hãng nghiên cứu Capital Economics nhận định nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ mở rộng bằng 87% so với Mỹ tính đến năm 2030 để rồi thụt lùi trở lại mức 81% vào năm 2050. Nguyên nhân chính là dân số lão hóa nhanh, tăng trưởng sản lượng giảm tốc cùng vô số những thách thức khác.
"Từ lâu, nhiều người đã đánh giá quá cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Trung Quốc để rồi bị bất ngờ trước những thách thức mà quốc gia này phải đối mặt hiện nay. Trên thực tế những rủi ro này đã xuất hiện từ lâu và đã ngày một lớn dần lên cho đến hiện tại", chuyên gia kinh tế trưởng Mark Williams tại Châu Á của Capital Economics nhận định.
Trong khi đó, một số chuyên gia như Bert Hofman của Viện Đông Á thuộc trường đại học quốc gia Singapore, đồng thời là cựu chuyên gia kinh tế của World Bank nhận định Trung Quốc vẫn sẽ vượt Mỹ về GDP trong năm 2035 nếu họ có sự thay đổi về chính sách. Ví dụ như nâng mức tuổi nghỉ hưu, gia tăng số lao động nông thôn đổ về thành phố, tăng đầu tư cho giáo dục, y tế...
Tuy nhiên, chuyên gia Hofman cảnh báo tương lai này sẽ khó xảy ra nếu Trung Quốc không có sự chuyển mình mạnh mẽ hoặc sa lầy trong vũng bùn nợ nần. Thế rồi cuộc xung đột thương mại với Mỹ cũng khiến tình hình tồi tệ hơn bởi chúng làm gián đoạn nguồn tri thức, dòng vốn cùng giao thương với nền kinh tế số 1 thế giới của Trung Quốc.
Kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc đã tăng 600%, còn xuất khẩu của những nước khác vào đây cũng tăng 126%.
*Nguồn: WSJ
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn