Ngày 7/4, Bộ Y tế cho biết đang làm rõ thông tin Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su chứa chất phụ gia benzoic. Đây là chất bảo quản thực phẩm nhưng bị cấm dùng ở Nhật Bản.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, Bộ chưa chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản. Tuy nhiên, khi có thông tin từ báo chí, Bộ đã chủ động kiểm tra và sẽ có thông tin chính thức trong thời gian tới.
Trước đó, trên trang thông tin của thành phố Osaka (www.city.osaka.lg.jp) ngày 2/4 có đăng tải thông tin thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su của Công ty Masan do chứa phụ gia thực phẩm acid benzoic. Theo đó, Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo đã phân tích và xác định, hàm lượng acid benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật lần lượt 0,41g/kg với các chai có hạn dùng 10/6/2019; 0,44g/kg với chai có hạn dùng 17/6/2019 và 0,45g/kg với chai có hạn dùng 6/7/2019. Điều này đã vi phạm điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản. Vì vậy, giám đốc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka đã thu hồi toàn bộ sản phẩm ớt Chin-su nhập khẩu ngày 7/12/2018 từ Việt Nam, với tổng 18.168 chai.
Theo Bộ Y tế, acid benzoic là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế mà Nhật Bản và Việt Nam đều tham gia. Tuy nhiên, trong số những nước tham gia, có nước cho phép sử dụng nhưng cũng có nước lại tuyệt đối cấm acid benzoic.
Còn theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), lượng acid benzoic được phép tiêu thụ hằng ngày không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người là 5mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày. Tức nếu một người có trọng lượng 50kg thì được phép tiêu thụ 0,25g axit benzoic/ngày.
Trao đổi với PNVN, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết, tại Việt Nam, acid benzoic phép sử dụng với nồng độ tối đa 0,1%.
Theo PGS. Thịnh, acid benzoic có tác dụng ngăn cản sự phân đôi của vi khuẩn, ức chế sự phát triển của nấm men và nấm mốc gây hư hỏng thực phẩm. Tuy nhiên, nếu lạm dụng benzoic có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp, hệ thần kinh TƯ, gây kích ứng vùng mắt.
“Việc Nhật Bản thu hồi tương ớt chứa chất cấm đối với nước này là do quy định của đất nước Nhật Bản. Không thể nói luật pháp Việt Nam cho phép thì các nước khác cũng phải công nhận, chỉ có thể trách người xuất khẩu sang bên Nhật Bản không tìm hiểu kỹ quy định, yêu cầu của nước sở tại”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.