Ma trận nguồn gốc bếp hồng ngoại

01:23 | 20/09/2015;
Nhiều người chọn mua bếp hồng ngoại vì sự tiện dụng, an toàn và tiết giảm được nhiều chi phí. Thế nhưng, chỉ sử dụng một thời gian ngắn thì rất nhiều chiếc bếp đã gặp sự cố.

Một dạo, nhiều người đổ xô đi mua bếp hồng ngoại. Người giàu thì mua những loại được quảng cáo là của Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha... có giá từ 16 đến 24 triệu đồng. Người ít tiền hơn thì mua các loại được rao là của Thái Lan, Malaysia hay Việt Nam liên doanh... giá chỉ từ vài trăm ngàn đến trên 1 triệu đồng.

Ban đầu, ai cũng hào hứng với chiếc bếp mới, tiện dụng, an toàn và tiết giảm được nhiều chi phí. Song, chỉ một thời gian ngắn sau đó, rất nhiều chiếc bếp đã gặp sự cố. Theo cam kết hậu mãi, nhiều hãng cung cấp hoặc nơi bán cũng nhận bảo hành. Tuy nhiên, bảo hành năm lần bảy lượt mà những sự cố vẫn tái phát, khiến nhiều người... phát bực, đem những chiếc bếp “tội nghiệp” ấy quẳng vào xó. Rồi họ quay trở lại dùng bếp gas.

Atx---Mapmo1.jpg

Dù được bảo hành năm lần bảy lượt nhưng những sự cố vẫn tái phát, khiến nhiều người phát bực đem những chiếc bếp hồng ngoại quẳng vào một xó. Ảnh minh họa: internet


Từ đó, trên các diễn đàn xuất hiện ngày càng nhiều thông tin chỉ trích bếp hồng ngoại. Những chiếc bếp này đâu có tội tình gì. Chẳng qua là nhiều nhà cung cấp, phân phối đã cố tình “đánh lận con đen”, đưa thông tin không chính xác về nguồn gốc, xuất xứ của mặt hàng này. Cụ thể, phần lớn các loại được “rao” làm tại châu Âu, kỳ thực đều gia công tại... Trung Quốc. Hoặc nếu thực sự làm ở châu Âu thì khi về Việt Nam cũng đã bị “luộc” và thay thế bằng một số linh kiện Trung Quốc để giảm giá thành; nhiều loại mang nhãn hiệu nghe có vẻ “giống Nhật Bản” hay “nhân danh” hàng Thái Lan, Malaysia, song lại là hàng Trung Quốc. Còn một số hàng được cho là “liên doanh” thì hầu hết linh kiện đều là của Trung Quốc... Đó là lý do khiến phần lớn loại bếp này chóng bị hư hỏng. Chỉ có một số rất ít được mua trực tiếp tại châu Âu thì mới “bền vững cùng thời gian”.

Ở đây, trách nhiệm phần lớn thuộc về các nhà cung cấp và sản xuất, khi đưa thông tin về xuất xứ của sản phẩm một cách mập mờ, đánh lừa người tiêu dùng. Song, các cửa hàng bán những loại sản phẩm này cũng không thể nói là không có trách nhiệm. Bởi trước khi nhập hàng để bán cho người tiêu dùng, họ hoàn toàn có quyền yêu cầu nhà cung cấp phải chứng minh đầy đủ, xác thực về nguồn gốc xuất xứ. Vậy mà họ đã không làm như vậy. Để cuối cùng, người tiêu dùng phải “lãnh đủ”!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn