Mắc kẹt ở Làng Thanh niên lập nghiệp

16:24 | 06/12/2024;
Thiếu sinh kế, thiếu nước sinh hoạt cho người dân là những bất cập hiện nay ở Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Thụy Hùng (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn).
Đi không được, ở cũng không xong

Chị Bế Thị Lệ (36 tuổi) là một trong những người dân đầu tiên đến định cư tại Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) biên giới Thụy Hùng. Chị Lệ lấy chồng ở thôn Bản Tả (xã Thụy Hùng). Do gia đình chồng đông con, thiếu đất ở nên vào tháng 10/2008, khi biết thông tin về Làng TNLN biên giới Thụy Hùng, vợ chồng chị Lệ nhanh chóng đăng ký. 

Cùng với nguồn hỗ trợ ban đầu dành cho cư dân, vợ chồng chị vay mượn thêm người thân để xây dựng 1 căn nhà nhỏ trên diện tích đất được cấp. 

"Mới đầu, vợ chồng tôi phấn khởi lắm vì có đất, lại xây được nhà mới. Chúng tôi dự định về vùng đất mới sẽ cố gắng làm ăn, nuôi các con ăn học. Tuy nhiên, trải qua 5 năm đầu, vợ chồng tôi "vỡ mộng" khi đất đai tại làng mới khô cằn, lại không có nguồn nước tưới nên với 2 sào ruộng được cấp, dù đã làm việc chăm chỉ, gia đình tôi vẫn không đủ ăn", chị Lệ chia sẻ.

Đã có lúc vợ chồng chị Lệ tính đến chuyện trở về nơi ở cũ nhưng nghĩ lại tiếc số tiền đã vay mượn để xây nhà. Hơn nữa, về nơi cũ cũng chẳng có chỗ ở nên vợ chồng chị Lệ đành cố gắng bám trụ tại làng mới.

Thiếu nước sinh hoạt cũng là một trong những bất cập của Làng TNLN biên giới Thụy Hùng. Trước đây, khi dự án được khởi công, giếng nước bên rìa làng là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân đang sinh sống tại đây. 

Thế nhưng, chỉ sau thời gian ngắn, cái giếng này rơi vào tình trạng khô hạn. Để có nước sinh hoạt, những hộ dân tại đây đã phải bỏ tiền túi ra đào một giếng mới nhưng lượng nước có được chẳng là bao. Một số hộ dân như gia đình chị Lệ phải mua đường ống, kéo nước suối về để sử dụng cho cuộc sống thường ngày.

Mắc kẹt ở Làng Thanh niên lập nghiệp - Ảnh 1.

Ông Luân Văn Tần, Chủ tịch UBND xã Thụy Hùng (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn)

Nhiều căn nhà cửa đóng, then cài

Ngoài việc không có sinh kế bền vững, thiếu nước sinh hoạt, việc học hành của các con cũng nhiều phen khiến vợ chồng chị Lệ "đau đầu". Nguyên nhân là làng mới không có điểm trường. 

Mỗi ngày, vợ chồng chị Lệ phải thay phiên nhau chở các con vượt quãng đường hơn 7km đến trường học. "ngày 4 lượt cả đi và về như thế đã ngốn của vợ chồng tôi bao nhiêu thời gian", chị Lệ nói.

Ở Làng TNLN biên giới Thụy Hùng có nhiều căn nhà trong tình trạng cửa đóng, then cài. Theo chị Lệ, đó là những hộ gia đình do không thể chịu nổi cuộc sống khắc nghiệt ở làng nên đã bỏ đi. Theo thời gian, những mảng tường của các căn nhà này lên rêu xanh, cỏ dại mọc um tùm.

Cách căn nhà của gia đình chị Lệ chừng vài chục mét là nơi cư trú của 4 thành viên trong gia đình chị Lục Thị Phin (43 tuổi). Cũng giống như nhiều người dân khác đang sinh sống tại Làng TNLN biên giới Thụy Hùng, mặc dù điều kiện sống không được như mong đợi nhưng gia đình chị vẫn cố gắng bám trụ vì không có nơi để về. 

Ngoài diện tích đất được cấp để dựng nhà, gia đình chị Phin không được cấp đất canh tác. Để có lương thực, đều đặn mỗi ngày, vợ chồng chị Phin phải trở lại nơi ở cũ để canh tác.

Cũng theo chị Phin, dù đã thành lập được nhiều năm nhưng làng không có trưởng thôn, trưởng làng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của các hộ dân khi những tâm tư, nguyện vọng của họ không được nắm bắt, giải quyết kịp thời.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Ông Luân Văn Tần, Chủ tịch UBND xã Thụy Hùng cho biết, chính quyền xã đang loay hoay trong việc ổn định cuộc sống của người dân Làng TNLN biên giới Thụy Hùng. Theo ông Tần, thời điểm mới phát động làng thanh niên lập nghiệp, mỗi hộ dân khi lên đây được cấp đất cùng tiền hỗ trợ để xây nhà. 

Mắc kẹt ở Làng Thanh niên lập nghiệp - Ảnh 2.

Gia đình chị Lục Thị Phin cố gắng bám trụ tại Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Thụy Hùng

Ngoài ra, mỗi hộ còn được cấp 2 sào ruộng và 2ha đất đồi để trồng cây lâm nghiệp. Tuy nhiên, do đất đai cằn cỗi, nguồn nước không đảm bảo nên việc phát triển kinh tế của người dân bị ảnh hưởng. 

Chính vì những khó khăn đó mà nhiều hộ dân trong làng đã bỏ về nơi ở cũ sinh sống. Nhiều hộ khác thi thoảng mới về làng. Về giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, ông Luân Văn Tần đề xuất, Trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư hỗ trợ dạy nghề cho người dân, hỗ trợ vốn, đầu tư cây trồng, con giống… để người dân của Làng bảo đảm có thu nhập tại chỗ.

Còn theo Tỉnh đoàn Lạng Sơn, sau khi thực hiện xong, vào năm 2013, Tỉnh đoàn Lạng Sơn đã bàn giao dự án cho UBND huyện Văn Lãng quản lý. 

Trước những khó khăn của người dân Làng TNLN biên giới Thụy Hùng, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, Tỉnh đoàn Lạng Sơn đã thực hiện chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, tổ chức các hoạt động hướng về vùng biên giới khó khăn. 

Về lâu dài, cơ quan này sẽ kêu gọi các nguồn lực khác để hỗ trợ người dân; đặc biệt là hỗ trợ phát triển kinh tế.

Tạo sinh kế bền vững cũng là một trong những giải pháp được UBND huyện Văn Lãng đưa ra để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của Làng TNLN biên giới Thụy Hùng. Trong đó, có việc kiện toàn Ban Liên lạc tại Làng để thường xuyên nắm bắt tình hình, nguyện vọng và đề xuất của nhân dân. 

Ngoài ra, chính quyền huyện Văn Lãng cũng đang tiến hành các thủ tục để triển khai dự án chăn nuôi gia súc tại Làng TNLN biên giới Thụy Hùng. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo việc làm cho người dân. 

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đang cố gắng sắp xếp, triển khai các dự án khác trong các chương trình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.

Làng TNLN biên giới Thụy Hùng nằm trải dài trên địa giới các thôn: Cò Luồng, Nà Hình (xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng) và thôn Nà Tồng (xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng) với tổng diện tích 1.226 ha. Từ tháng 3/2008 đến năm 2011, dự án được triển khai với tổng kinh phí đầu tư hơn 30 tỷ đồng. Trong đó, có các hạng mục công trình về giao thông, văn hóa, giáo dục, điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt, hệ thống truyền thanh…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn