Giai đoạn trẻ tăng trưởng nhanh, chiều cao "nhảy vọt" là từ lúc sơ sinh tới năm 16 tuổi. Lúc này, trẻ vẫn đang trong giai đoạn có sự giám sát chặt chẽ của cha mẹ. Vì thế, việc trẻ có cao lớn hay không phụ thuộc vào sự tác động từ cha mẹ như thế nào.
Chiều cao bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như di truyền và chế độ ăn uống hàng ngày. Nếu 2 vợ chồng có chiều cao khiêm tốn cũng đừng quá lo lắng, bạn hoàn toàn có thể cải thiện chiều cao cho con mình nhờ vào chế độ dinh dưỡng phù hợp và tăng cường chơi thể thao.
Tuy nhiên, trong thực tế có một số trường hợp trẻ ăn uống đủ chất nhưng lại không cao lớn, rất có thể cha mẹ đã mắc phải một số sai lầm dưới đây.
1. Cho trẻ ăn càng nhiều càng tốt
Ăn quá nhiều có thể khiến trẻ bị béo phì. Một khi trẻ bị thừa cân sẽ tăng khả năng bị dậy thì sớm, từ đó ảnh hưởng tới chiều cao.
2. Trẻ quá kén ăn
Một số trẻ chỉ thích ăn thịt, lười ăn rau hoặc chỉ thích ăn cơm… dẫn tới tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của cơ thể, bao gồm cả chiều cao.
3. Cho trẻ ăn quá no trước khi ngủ
Một số cha mẹ nghĩ rằng, cho con mình đi ngủ ngay sau khi ăn sẽ có lợi cho sự phát triển của trẻ. Trên thực tế đây là một sai lầm lớn, ngủ ngay sau khi ăn no sẽ khiến insulin trong cơ thể ở mức cao.
Nếu nồng độ insulin quá cao vào buổi tối sẽ ức chế quá trình tiết ra hormone tăng trưởng của trẻ.
Hơn nữa, nếu trẻ ăn quá no trước khi ngủ sẽ khiến cho hệ tiêu hóa hoạt động liên tục, chất lượng ngủ sẽ bị giảm sút. Khi trẻ ngủ không ngon giấc cũng sẽ ảnh hưởng xấu tới quá trình tiết hormone tăng trưởng, không có lợi cho sự phát triển chiều cao.
Ăn quá no trước khi ngủ là "thủ phạm" đánh cắp chiều cao của trẻ mà nhiều cha mẹ không biết. Điều này vô tình cản trở sẽ cao lớn, tuy ăn đầy đủ chất nhưng vẫn không cao được. Đây là điều cha mẹ nào cũng cần phải tránh cho con mình.
Ngoài tránh mắc các sai lầm trên thì cha mẹ cũng nên chú ý một số điều dưới đây:
- Không nên cho trẻ ăn dặm vào buổi tối
Nhiều người lớn tuổi cho rằng, nếu cho cháu mình ăn thức ăn dạng đặc như bột gạo, cháo đặc vào buổi tối, ăn no trẻ sẽ không cần dậy bú sữa lúc nửa đêm.
Trên thực tế, ăn dặm vào tuổi tối sẽ khiến trẻ khó chịu, thậm chí là khó tiêu. Vì vậy, khi trẻ mới bắt đầu ăn dặm, cha mẹ chỉ nên cho ăn vào buổi sáng hoặc buổi trưa.
- Sau 1 tuổi nên cai sữa đêm
Trong trường hợp bình thường, trẻ sẽ ít bú đêm sau 6 tháng, nhưng cũng có một số trẻ thỉnh thoảng vẫn đòi bú sữa đêm theo thói quen.
Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý rằng, trẻ sau 1 tuổi mới nên bắt đầu cai sữa đêm. Điều này có thể khiến trẻ ngủ sâu giấc hơn vào ban đêm, giúp hormone tăng trưởng tiết ra nhiều. Đó cũng là lý do vì sao một số trẻ sau khi cai được bú sữa đêm thường ngủ ngon giấc và chiều cao tăng nhanh sau đó.
- Sau 3 tuổi không được ăn quá no trước khi đi ngủ 2 tiếng
Sau khi được 3 tuổi, khẩu phần ăn của trẻ hàng ngày gần giống người lớn. Mỗi ngày trẻ ăn 3 bữa chính và có thể bổ sung thêm 2 bữa phụ.
Lúc này, trước giờ đi ngủ 2 tiếng, cha mẹ không nên cho trẻ ăn nhiều. Sau khi ăn tối xong, trẻ chơi một lúc rồi mới uống sữa. Việc không ăn trước 2 tiếng sẽ giúp hệ tiêu hóa của trẻ tiêu hóa hết thức ăn và nghỉ ngơi khi trẻ chìm vào giấc ngủ. Trẻ sẽ ngủ ngon giấc, ít trằn trọc hơn.
Khi ở trạng thái ngủ say, lượng insulin sẽ tiết ra ít hơn, nhờ đó hormone tăng trưởng mới tiết ra nhiều, trẻ sẽ cao lớn nhanh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn