Mách cha mẹ dấu hiệu nhận biết con có suy nghĩ tiêu cực, muốn tìm đến cái chết

09:41 | 14/04/2018;
Không ít chuyên gia giáo dục cho rằng, học sinh tự tử có phần lỗi không nhỏ từ gia đình, do việc giáo dục con của cha mẹ chưa tốt và nhà trường cần sớm đưa giáo dục giá trị sống vào chương trình học. Bên cạnh đó, cha mẹ cần tinh ý nhận biết các dấu hiệu con chán đời, để kịp thời ngăn chặn hành động dại dột của con.
tu-tu.jpg
Vì danh hiệu học sinh giỏi, không ít gia đình chỉ biết ép con học một cách máy móc. Thế nên hàng năm, vừa thi xong đã có trường hợp học sinh tự tử do áp lực. Ảnh minh họa 

Nhiều gia đình chỉ biết ép con học một cách máy móc

GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, cho rằng, trong xã hội hiện đại, đa số các gia đình Việt Nam thường quá nuông chiều con, nhất là ở các gia đình giàu có. Không phải là phóng đại khi nói các phụ huynh Việt Nam là những người lo cho con cái nhiều nhất thế giới. “Những phụ huynh này dường như không ý thức được rằng cho con một cuộc sống đầy đủ, đáp ứng mọi yêu cầu, đòi hỏi của con đồng nghĩa với việc tạo cho trẻ ý nghĩ cuộc sống luôn bằng phẳng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ niềm tin khi trẻ phải đối mặt với khó khăn, thất bại trong cuộc sống”.

Đồng tình với quan điểm này, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, hiện nay vì áp lực thi cử, vì danh hiệu học sinh giỏi, nhiều gia đình chỉ biết ép con học một cách máy móc. Hàng năm, vừa thi xong đã có học sinh tự tử. Những người tự tử đều trong trạng thái tâm lý không lối thoát. Có những em học lực giỏi nhưng lại càng có nhiều áp lực do bản thân các em kỳ vọng quá cao ở bản thân. Thêm vào đó là do gia đình kỳ vọng quá nhiều, khi không đáp ứng được các em rơi vào trạng thái bế tắc, không biết kìm nén cảm xúc để vượt qua áp lực bản thân.

tu-tu2.jpg
Những đứa trẻ mắc chứng trầm cảm thường có những triệu chứng như lo lắng, bực bội, giận dữ. Trầm cảm là nguyên nhân chính của việc tự tử, gây ra phần lớn các trường hợp tử vong được ghi nhận ở độ tuổi thanh thiếu niên. Ảnh minh họa
 

Đam mê giúp trẻ vượt qua thất bại

“Vì quá yêu thương con trẻ nên cha mẹ làm hết mọi việc của trẻ, lúc nào cũng muốn bù đắp thật đầy đủ cho con; tất cả những quan tâm thái quá đều không giúp cho trẻ cách sống tự lập. Chỉ có sống tự lập trẻ mới sớm hình thành bản lĩnh, sớm khẳng định mình trong cuộc sống. Đấy cũng là điều kiện để trẻ bộc lộ tài năng tiềm ẩn của mình. Việc lđầu tiên các gia đình cần làm là sớm phát hiện những say mê, hoài bão của mỗi đứa trẻ. Đừng sớm bóp chết, thổi tắt đam mê của trẻ khi chúng thể hiện hết năng lực cố gắng của mình. Đam mê khiến trẻ tránh được sự vô cảm và tìm cách vượt khó khăn, thất bại”, TS. Nguyễn Tùng Lâm phân tích.

Những đứa trẻ mắc chứng trầm cảm thường có những triệu chứng như lo lắng, bực bội, giận dữ. Đây là những dấu hiệu quan trọng, giúp phụ huynh, thầy cô và bác sỹ có thể sớm nhận ra chứng trầm cảm ngay từ khi mới chớm. Trầm cảm là nguyên nhân chính của việc tự tử, gây ra phần lớn các trường hợp tử vong được ghi nhận ở độ tuổi thanh thiếu niên.

Theo giảng viên tâm lý học Lê Phạm Phương Lan, khi phát hiện ra con có những biểu hiện này, cha mẹ cần lắng nghe con chia sẻ, không phán xét, cấm đoán. Tránh việc tra hỏi trực tiếp một cách đường đột kiểu tra xét, truy vấn bởi sẽ càng khiến con giấu giếm. Đưa trẻ đến các chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ ngay lập tức. Bằng chuyên môn, nghiệp vụ của mình, các chuyên gia sẽ giúp trẻ lấy lại được sự cân bằng và lòng tự tin, tự trọng cho trẻ.

Vận động những người con tin cậy đến nhà chơi với con, giúp cho tâm trí con thoát khỏi nỗi ám ảnh mà con đang phải chịu đựng. Hãy luôn tạo cho con cảm giác gia đình là chỗ dựa tinh thần gần gũi và đáng tin cậy nhất để trẻ không bị vô vọng, cô đơn, lạc lõng khi sự việc không như ý muốn. Nói với trẻ về những điều đáng quý trong cuộc sống. Trò chuyện để con hiểu, tự tử không giải quyết được vấn đề gì, mọi chuyện khó khăn rồi sẽ đi qua và kết thúc. Quan trọng là con phải vượt lên chính mình.

TS. Nguyễn Tùng Lâm đề xuất, bên cạnh việc giáo dục hành vi ứng xử cho học sinh, Bộ GD&ĐT nên sớm đưa chương trình giáo dục giá trị sống vào chương trình học - một chương trình toàn cầu, được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Chương trình sẽ giúp học sinh tôn vinh các giá trị “bình an”, “tôn trọng”, “trách nhiệm”, “yêu thương”, “đoàn kết”, “hợp tác”... Hiện nay, chúng ta đang nói tới đưa kỹ năng sống vào nhà trường thực ra đó là cách làm ngọn, bởi cái đích đến của kỹ năng chính là giá trị sống. Chương trình học hiện nay cũng cần giảm tải để gắn với thực tế cuộc sống. Các em cần phải được học về cách tư duy chứ không chỉ học vẹt, máy móc.

* Giảng viên tâm lý học Lê Phạm Phương Lan: Nếu nhận thấy có các dấu hiệu sau đây, cha mẹ nên có thời gian bên trẻ liên tục để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa hành vi dại dột của trẻ:

- Trẻ không muốn gặp ai, ngồi một mình trong phòng, ngại đến trường và những nơi đông người.

- Trẻ có thái độ tần ngần, ủ rũ, buồn chán, tức tối… không thích nói chuyện với ai (kể cả người thân). Trẻ sẽ lấy cớ bận rộn việc gì đó để tránh giao tiếp với mọi người.

- Có thể trẻ tỏ ra rất vâng lời một cách bất thường, người lớn bảo sao làm vậy mà không phản ứng gì hoặc dễ dàng cho đi những món quà, những tài sản riêng quý giá của mình.

- Có thể trẻ bị rối loạn giấc ngủ, ăn uống không ngon miệng, bỏ qua các thói quen luyện tập thể dục thể thao trước đây.

- Trẻ nói những chuyện xa xăm mang tính tiêu cực kiểu như sau này không có con thì cha mẹ sẽ thế nào hoặc nếu con phải đi xa đâu đó một thời gian thì… Nếu để ý có thể trẻ sẽ nói cả về vấn đề tự tử và những câu nhắn nhủ cuối cùng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn