Mafia - "thần may mắn" của huyền thoại âm nhạc Frank Sinatra

13:28 | 09/10/2017;
Francis Albert Frank Sinatra là một ca sĩ, diễn viên huyền thoại Hoa Kỳ. Ông sống trong ánh hào quang sự nghiệp và lòng tôn thờ của hàng triệu phụ nữ. Trên bước đường thành công đó có một "thần may mắn" hậu thuẫn, đó là thế lực Mafia mạnh nhất nước Mỹ.
Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Bố già” của Mario Buzzo, có một nhân vật được cho là mô phỏng Sinatra: Johny Fontane - một ca sĩ nổi tiếng đồng thời là con nuôi của bố già quyền lực Coleone.

Mọi thứ cản trở trên con đường danh vọng của Johny đều được bố nuôi giải quyết bằng cách đưa ra “những lời đề nghị không thể từ chối”, như việc dí súng vào đầu một nhà sản xuất nhạc hay giết chết con ngựa quý hiếm hàng triệu đô của một vị đạo diễn nọ vốn ác cảm với Johny.
1.jpg
Frank Sinatra

Danh sách bằng hữu của Sinatra bao gồm toàn những tên tuổi chóp bu trong giới Mafia Mỹ những năm 1940, 1950 của thế kỷ trước. Đó là một kiểu quan hệ đôi bên cùng có lợi và vô cùng nguy hiểm. Toàn nước Mỹ biết đến điều này và họ vẫn không thể ngừng say mê Frank Sinatra.

Francis Sinatra sinh ra trong một gia đình Mỹ gốc Ý trung lưu tại New Jersy. Anh sớm bộc lộ năng khiếu và đam mê âm nhạc. Bắt đầu từ một nhóm nhạc địa phương năm 20 tuổi sau đó tách ra hát riêng và nhanh chóng nổi tiếng.

Ở độ tuổi 30, Sinatra trở thành nghệ sĩ solo thành công nhất thời của mình với 11 giải Grammy và lượng tiêu thụ đĩa nhạc luôn ở mức kỷ lục.

Ngoài âm nhạc, Sinatra còn gặt hái thành tựu đáng kể trong vai trò diễn viên với hai tượng vàng Oscar cho một vai chính và một vai phụ. Có thể nói, Sinatra chính là hiện thân của "giấc mơ Hoa Kỳ" trong mắt thế hệ người nhập cư thời kỳ đó.

Thành viên “gia đình Mafia” Ý tại Mỹ

Một trong những người chú của Frank là Babe Gavarante - thành viên của băng nhóm tội phạm Bergen County vốn có liên hệ với tổ chức của ông trùm khét tiếng Willie Moretti. Sinatra cũng được cho là có quan hệ cá nhân với Moretti vì thực tế người vợ đầu của Sinatra - Nancy Barbato - chính là em họ một thân cận của ông trùm này và Sinatra đã đến hát góp vui trong đám cưới của con gái Moretti.
3.JPG
Frank Sinatra (ngồi, bìa phải) và những ông trùm thế lực nhất nước Mỹ đương thời

Theo lời làm chứng của Moretti, ông trùm này đã mang về cho Sinatra các hợp đồng biểu diễn béo bở. Và đổi lại, Sinatra cùng những người bạn chính trị gia của mình sẽ tạo thuận lợi cho việc làm ăn của Moretti.

Ngoài Moretti, báo cáo điều tra của FBI cho biết, Sinara đã hợp tác với Charles Fishetti, một tay găng tơ thuộc hàng "có máu mặt" của thành phố Chicago vào hồi năm 1945. Sinatra cũng là bằng hữu của anh trai Charles – Joseph, ông chủ của hệ thống khách sạn Fontainebleau tại Miami, người dàn xếp công việc và giới thiệu Sinatra với ông trùm ma túy Charles Luciano ở Havana.

Sau khi Luciano bị trục xuất về Ý, Frank Sinatra đã đến tư dinh thăm ông trùm này 2 lần, hát trong bữa tiệc Giáng sinh gia đình ông vào năm 1946. Năm sau, vào dịp lễ Giáng sinh khi không đến được, Frank đã gửi món quà tặng là một hộp đựng xì gà bằng vàng có khắc dòng chữ “Tặng bạn Charlie thân mến của tôi, từ bạn anh – Frank”.

Ông chủ nghiệp đoàn cờ bạc Joseph Stacher đã từng nói: “Những vị người Ý ở đây rất tự hào về Frank. Họ luôn nói với tôi rằng, họ đã chi rất nhiều tiền để lót đường cho sự nghiệp của anh ta kể từ hồi còn ở trong ban nhạc của Tommy Dorsey.

Ông bạn Luciano may mắn của chúng ta rất mê giọng ca của Frank. Frank bay đến Havana cùng Fischetti, tất nhiên không phải đến để hát trong cuộc họp của chúng ta. Mọi người đều mang phong bì tiền tới cho Luciano. Nhưng quan trọng hơn, họ đến để bày tỏ lòng trung thành với ông trùm”.

Mối quan hệ thân thiết với Tổng thống John Kennedy

John Kennedy và Richard Nixon là 2 ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Tổng thống trong cuộc tranh cử năm 1960. Richard Nixon đã nhờ vài người bạn trong thế giới ngầm nên giữ được thế thượng phong trong cuộc chạy đua.
2.jpg
Frank Sinatra (bìa trái) và Tổng thống John Kennedy

Khi ấy, ông Josheph Kennedy, cựu đại sứ Mỹ tại Anh, cha đẻ đồng thời là người dẫn dắt và vận động hành lang cho John Kennedy, đã nhờ Frank Sinatra bằng mối thâm tình lâu năm với bố già Chicago Giancana, liên hệ với Pasquale Marcy - trưởng quận chính ở Chicago để giúp tăng số phiếu bầu cho Kennedy.

Giancana đồng ý với điều kiện là sau khi nhà Kennedy lên nắm quyền, Chính phủ phải chống lưng cho hoạt động của tổ chức.


John Kennedy chính thức là vị Tổng thống thứ 35 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Sinatra trở nên nổi tiếng hơn bao giờ. Hàng loạt các cuộc gặp gỡ với các chính trị gia và người nổi tiếng được tổ chức với Sinatra là một trong các vị khách mời đặc biệt. Ông là một nhân vật giải trí hiếm hoi có mối quan hệ thân thiết với chủ Nhà trắng.

Vậy nhưng sau khi lên nắm quyền, gia đình Kennedy đã không giữ lời hứa của mình với Giancana. John Kennedy bổ nhiệm em trai mình là Robert Kennedy làm Bộ trưởng tư pháp và thay vì nới lỏng vòng kiểm soát với hoạt động của giới Mafia, Robert lại tiến hành hàng loạt cuộc thanh trừng hợp pháp và không hề nương tay đối với thế giới ngầm.

Giancana đã vô cùng tức giận, ông trùm đổ hết tội lỗi lên Sinatra vì đã không thể hoặc không chịu “nhắc nhở” nhà Kennedy về ơn huệ mà họ đã nhận. Trong một lần nói chuyện với thuộc hạ, Giancana đã lớn tiếng: “Ta sẽ khiến chúng phải đau đầu. Nếu có dần cho thằng đó (Sinatra) một trận, hãy đấm vỡ hàm nó ra cho khỏi hát hò gì nữa”.
sinatra_2.jpg
Mối quan hệ sóng gió với minh tinh Ava Gardner khiến Frank Sinatra nhiều lần định tự sát

Nhưng hành động trả thù đã không xảy ra hoặc không được ai biết tới bởi Sinatra chưa từng xuất hiện trước công chúng với một cái hàm bị vỡ.

Gông cùm vô hình bủa vây

Mối thâm giao của Sinatra và thế giới ngầm không chỉ dừng lại ở lĩnh vực giải trí, chính trị mà cả trong kinh doanh.

Sau nhiều năm giao du với các ông chủ nghiệp đoàn Mafia làm ăn tại Las Vegas - thiên đường ăn chơi với hàng trăm casino, các khách sạn, sân khấu, câu lạc bộ lớn nhỏ - Sinatra đã bước chân tham gia ngành kinh doanh bạc tỉ này và trở thành một trong các ông chủ của khách sạn Sands Hotel.
55317311-1281066573-marilyn_monroe_bi_giet_3.jpg
Marilyn Monroe và Frank Sinatra (bìa phải) tại một sòng bạc ở Las Vegas, Nevada

Theo Clayton Taylor, một cựu nhân viên FBI, người từng theo dõi Sinatra trong một thời gian dài thì về bản chất, Sinatra không phải là một thành viên của các băng nhóm tội phạm Ý tại Mỹ. Tuy nhiên, là một nhân vật giải trí, một doanh nhân thì việc Sinatra dính líu tới thế lực này là không thể tránh khỏi.

Sinatra đã phải là một người rất thông minh, khéo léo để có thể hợp tác được với các ông trùm, hơn nữa lại rất được lòng họ. Ông đã có được rất nhiều lợi ích từ các mối quan hệ ngầm này nhưng sau cùng, ông cũng thổ lộ niềm ân hận khi tự buộc tay mình vào những gông cùm vô hình đó. Theo ông, “một khi đã bắt tay với họ, họ sẽ không bao giờ ra khỏi cuộc đời anh”.

Bức ảnh nổi tiếng mà Sinatra chụp với những ông trùm thế lực nhất nước Mỹ bấy giờ được coi là một "bằng chứng có tội" liên quan đến các mối quan hệ phức tạp của ông.

Không kể đến việc thành công đến là nhờ đâu, những người yêu nghệ thuật thuần túy hẳn chỉ lấy làm cảm kích vì thế giới đã từng có một tài năng kiệt xuất như Frank Sinatra với giọng ca đầy mê hoặc mà cho tới hàng nửa thế kỷ sau, và có thể lâu hơn nữa, còn làm lòng người nghe say đắm không biết đến bao giờ.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn