Ngôi chùa Pháp Tánh thuộc địa phận xã Tân Kim (Cần Giuộc, Long An) nằm khuất trong con ngõ nhỏ nhưng lại được nhiều người biết đến. Bởi lẽ, hơn 8 năm qua, nơi đây đang nuôi dưỡng gần 50 trẻ em mồ côi, cơ nhỡ.
Kể về hoàn cảnh các em được nhận nuôi, Sư trụ trì Thích Nữ Tắc Bảo cho biết: Em nào vào đây cũng đáng thương. Bởi lẽ, các bé bị cha mẹ bỏ rơi trước cổng chùa từ khi được vài ngày tuổi. Các sư trong chùa không biết cha mẹ của các cháu là ai nhưng khi vào mái ấm đều được nuôi dưỡng, chăm sóc và yêu thương như nhau. Tất cả các bé ở mái ấm đều lấy họ Trần theo họ của Sư trụ trì.
"Ở mái ấm An Lạc hiện nay, em lớn nhất là 8 tuổi. Nhỏ nhất là 6 ngày tuổi. Chùa đã thuê 12 cô bảo mẫu chia làm 2 ca để chăm lo cho các cháu. Nguồn kinh phí đa phần nhờ các mạnh thường quân giúp đỡ. Em nào đến tuổi đi học thì chùa cho đi học như bao đứa trẻ khác. Nhà chùa dự định sẽ chăm cho các em lớn đến năm 18 tuổi. Khi đó, tùy quyết định của mình, các em có thể ở lại chùa để đi theo duyên Phật hoặc ra đời bắt đầu cuộc sống mới", ni sư trụ trì chùa Pháp Tánh, Thích Nữ Tắc Bảo cho biết.
"Các em đã mất đi điều quan trọng nhất của một đứa bé cần và đáng được có, đó là gia đình. Nhưng may mắn rằng các em đã được nuôi dưỡng ở mái ấm An Lạc. Mong rằng với những tình cảm ấm áp của các sư ở đây, các em sẽ được bù đắp yêu thường, phát triển trọn vẹn và có một tương lai tươi sáng.
Bà Hoàng Thị Lan Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ Phòng Tổ chức cán bộ, Công an TPHCM
Khi cùng đoàn cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ Phòng Tổ chức cán bộ, Công an TPHCM đến thăm và tặng quà cho các em nhân mùa Vu lan, chúng tôi được biết hai thành viên mới nhất của mái ấm An Lạc vừa được 6 ngày tuổi. Cả 2 bé đều bị cha mẹ bỏ rơi ngoài cổng chùa. Một bé nặng 1,9kg, sức khỏe yếu nên đang được chữa trị tại bệnh viện. Bé còn lại nặng 2,4 kg, sức khỏe ổn định nên bác sĩ cho về mái ấm chăm sóc. Ngoài trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được nhà chùa nhận nuôi, ở mái ấm An Lạc còn nuôi dưỡng 1 bé bị não úng thủy và một số bé bị bệnh down. Vì vậy, công tác chăm sóc các em này khá vất vả. Thế nhưng bằng tình thương, các sư, các bảo mẫu đã vượt qua và từng ngày xoa dịu những nỗi bất hạnh.
Sự chung tay của xã hội
Cô Nguyễn Thị Mười bảo mẫu tại mái ấm An Lạc chia sẻ: "Tôi làm ở đây được 8 năm rồi. Nhà của tôi không có trẻ nên vào chùa phụ với các sư. Đi riết rồi quen. Ngày nào tôi không vào là chịu không được, nhớ các cháu lắm. Ở đây, câu chuyện của cháu nào cũng thật đáng thương, chúng tôi nuôi các cháu mỗi ngày mỗi lớn thấy bé nào cũng dễ thương. Tôi thương nhất là 2 cháu bị bệnh Down, bởi vì các cháu hay đau ốm, không biết nói nên phải thương hơn, cưng hơn".
Thấu hiểu được cuộc sống vốn đã nhiều khó khăn, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần của các em tại mái ấm An Lạc, Hội Phụ nữ Phòng Tổ chức cán bộ, Công an TPHCM đã chọn mái ấm An Lạc là địa chỉ đến thăm và tặng quà cho các em mùa Vu lan năm nay với số tiền 15 triệu đồng, 300 khẩu trang y tế trẻ em và 40 thùng sữa.
Tại đây, các chiến sĩ công an đã có một buổi trò chuyện, vui chơi cùng với các em, giúp các em cảm nhận thêm sự ấm áp của tình người. Có lẽ, các chiến sĩ công an đến đây đều vui lây niềm vui khi nhìn bọn trẻ chơi đùa hồn nhiên cùng nhau như anh em một nhà. Đây là hoạt động nằm trong chương trình kế hoạch năm 2020 của Hội Phụ nữ Phòng Tổ chức cán bộ, công an TPHCM. Thực hiện hiệu quả phát động của Hội LHPN Việt Nam "90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em", thực hiện chủ đề năm "An toàn cho phụ nữ và trẻ em".
Cũng trong chuyến đi lần này, Hội Phụ nữ Phòng Tổ chức cán bộ còn trồng 200 cây xanh và tặng quà 10 phần quà cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi tại xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, TPHCM).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn