"Người mẹ ấy sinh con trong trời đêm
Đất nước lầm than mà dân còn nô lệ
Mẹ lặng lẽ giữa cuộc đời như thế
Tấm vai gầy gánh nặng đường trơn
Người mẹ ấy sinh con trong trời đêm
Giữa bùn đen mà hoa sen vẫn nở
Chiếc võng gai che nghiêng khung cửa lụa
Mẹ ru con trong tiếng thoi đưa...".
Những câu hát về cụ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh - của nhạc sĩ Hồng Hạnh như lòng thành kính mà những người con đất Việt muốn dâng lên người mẹ Làng Sen.
Bài học đầu tiên trong đời
Quê hương Nam Đàn (Nghệ An) vốn nổi tiếng với điệu hát phường vải, cụ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh - thuộc rất nhiều làn điệu dân ca. Đêm đêm dưới mái nhà tranh, bà đưa võng ru những đứa con của mình vào giấc ngủ: "Ru con, con ngủ đi nào/ Cù lao dưỡng dục biết bao cho cùng/ Làm trai quyết chí anh hùng/ Ra tay đánh giặc, vũng vầy nước non". "Con ơi mẹ dạy câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm/ Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền".
Lời ru giúp con say giấc, có lẽ cũng là những bài học đầu tiên trong đời. Tiếng ru ngọt ngào ấy không chỉ nhen lên tình yêu đất nước mà còn như lời nhắn nhủ, gửi gắm ước mơ của người mẹ mong con lớn khôn, chăm lo đèn sách, thể hiện chí anh hùng của mình góp sức vì nước nhà. Tuổi thơ của Bác đã được tắm mát bởi những lời ru như thế, để rồi sau bao năm bôn ba trong hành trình tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã xuất khẩu thành thơ: "Xa nhà chốc mấy mươi niên/ Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con". Có lẽ chính những làn điệu dân ca, những câu hát ví dặm của mẹ chính là điểm xuất phát cho lòng nhân ái mênh mông và lý tưởng vĩ đại của Bác.
Khi đến Huế với rất nhiều khó khăn, bà quyết định lấy nghề dệt vải truyền thống ở quê nhà để mưu sinh. Và trong suốt 5 năm ở đây cho đến lúc qua đời, khung cửi của bà luôn rộn tiếng thoi đưa. Những tấm vải được dệt đều phải bán đi để trang trải cho cuộc sống hàng ngày của ba mẹ con. Có thể nói, bằng lao động, bằng cả tấm lòng yêu chồng, thương con, bà không chỉ dệt vải mà còn "dệt" nên cuộc đời, sự nghiệp của những đứa con. Sự hi sinh không cần nói thành lời. Hình ảnh người mẹ hiền, ngày ngày ngồi bên khung cửi có sức ảnh hưởng đến các con còn lớn hơn trăm nghìn lời răn dạy khác.
Sự ảnh hưởng của cụ bà Hoàng Thị Loan đến các con còn đến từ nếp sống giản dị, chan hòa, nhân ái với bà con lối xóm. Trong cuốn sách "Những người thân trong gia đình Bác Hồ" còn ghi lại câu chuyện vào kỳ thi Hương năm Giáp Ngọ (1894), khi được tin ông Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đậu cử nhân sắp vinh quy, bà Hoàng Thị Loan vẫn ở ngoài đồng cấy tiếp thửa ruộng vụ mười. Có người chạy ra tận ruộng báo tin mừng và mời bà về nhà chuẩn bị trầu nước đón chồng và bà con làng xóm đến mừng. Sau giây phút xúc động, bà từ tốn, nhẹ nhàng nói: "Đậu thì mừng, ông Nghè, ông Cống cũng sống về ăn" rồi bà rốn lại cấy cho đến quá trưa, xong thửa ruộng mới trở về.
Có thể nói, nếu ảnh hưởng của cụ ông Nguyễn Sinh Sắc đối với các con là nền văn hóa bác học thì ảnh hưởng từ cụ bà Hoàng Thị Loan là nền văn hóa dân gian và những phẩm chất của tầng lớp lao động bình dân qua tình mẫu tử.
Có lẽ khi nhắc đến cụ bà Hoàng Thị Loan, không thể không nhắc đến hành trình cùng chồng và các con từ quê hương Nam Đàn, Nghệ An, vào kinh thành Huế năm 1895. Hình ảnh người phụ nữ chân đi đôi dép mo cau, vai quảy đôi gánh, một bên là con nhỏ, một bên là tất cả gia tài mang theo, vượt qua bao suối bao đèo, giữa những cơn mưa rào, những ngày nắng gắt trên đường vào Kinh đô Huế có lẽ thật khó phai mờ trong tâm trí của ông Nguyễn Sinh Sắc cũng như các con. Phải bằng một tình yêu không điều kiện, một tư tưởng cấp tiến và cả niềm tin, hi vọng vào tương lai, bà Hoàng Thị Loan mới có quyết tâm và sức lực để trải qua hành trình dài ấy.
Chính sự quyết tâm ấy của bà đã giúp chồng, các con của mình, trong đó có Nguyễn Sinh Cung (tên gọi thuở nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) được bước ra khỏi cánh cổng làng quê, đến với mảnh đất kinh kì. Ở đó, họ không chỉ được mở rộng kiến thức, hiểu biết ở trường quốc học Huế mà còn giúp đưa đến một tầm nhìn và những hướng đi mới. Hành trình rời quê hương đến Huế là hành trình mà cậu bé Nguyễn Sinh Cung không được lựa chọn nhưng đây là tiền đề cho hành trình đến những vùng đất, châu lục khác với khát vọng giải phóng dân tộc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn