Bắt đầu bằng “Nỗi đau thầm lặng”
Lần đầu tiên, tôi gặp Mai Thu Huyền là trong quán… thịt cầy tại khu Quảng Bá, Hà Nội. Khi ấy, Huyền đang là sinh viên năm nhất của Học viện Quan hệ Quốc tế nhưng đã nổi như cồn bởi các vai diễn trên phim và nhiều tấm hình thời trang trên bìa tạp chí. 8 năm sau, cơ duyên khiến tôi gặp lại cô để thực hiện các bài phỏng vấn và địa điểm là Sài Gòn, khi cả hai chúng tôi đều Nam tiến. Lần đầu gặp, cảm giác Mai Thu Huyền như tờ giấy trắng, với chiếc quần yếm là mốt ở thời điểm ấy. Cô chưa yêu ai, chỉ biết học hành, rảnh chút thời gian nghỉ Tết và nghỉ hè thì đi phim. Còn lần gặp thứ hai và lần “thứ n” về sau, là hình ảnh của người phụ nữ xinh đẹp và thành đạt trong mắt người đối diện. Cô lấy chồng giàu có, sinh con đủ nếp đủ tẻ, lái xe hơi vèo vèo trên đường.
Nhưng Mai Thu Huyền trước sau đều không chảnh chọe.
Nhưng Mai Thu Huyền không chỉ thành đạt, giàu có và xinh đẹp.
Thực sự, đôi lúc tôi đã quá ngán viết về các nhân vật giải trí, bởi sự khóc cười của mình chưa chắc đã là của họ, và ngược lại. Nhưng với Mai Thu Huyền, thì sự cố gắng và những “góc khuất” của cô khiến tôi thấy hứng thú.
Năm 15 tuổi, Mai Thu Huyền còn đang học lớp 9 trường THPT Hoàn Kiếm, Hà Nội thì được vinh danh trong cuộc thi thanh lịch cấp trường. Từ cấp trường, cô được đi thi cấp quận và cuối cùng là đạt danh hiệu Học sinh thanh lịch của thành phố. Các báo dành cho lứa tuổi học đường và thời trang khi ấy đã “book” lịch chụp hình Huyền rất nhiều. Tình cờ trong một lần làm mẫu thời trang cho một bộ sưu tập nước ngoài, Mai Thu Huyền gặp biên kịch Lê Hoàng Trân. Nhà biên kịch này nói Huyền thích hợp với vai nữ chính trong bộ phim nhựa do Đức Hoàng làm đạo diễn. Vậy là Mai Thu Huyền đi casting và được chọn. Khi ấy, cô vừa bước sang tuổi 16. Bộ phim đó mang tên Nỗi đau thầm lặng.
Khi Huyền chuẩn bị thi đại học, mọi người trong gia đình đều khuyên can cô không nên theo nghề diễn chuyên nghiệp vì cực quá. Cha, cậu và dì ruột của Huyền đều tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, họ đã quá thấm những giọt mồ hôi trên phim trường và nỗi lòng của những người mang kiếp “tằm nhả tơ”. Trong khi Mai Thu Huyền vốn là nữ sinh học giỏi của trường, từ nhỏ tới lớn đều được thầy cô đặt lên vai trọng trách làm lớp trưởng. Cô có thể có ngả rẽ khác, dễ chịu hơn.
Năm ấy, Huyền thi cùng lúc 3 trường đại học, đậu cả 3 và quyết định làm sinh viên của Học viện Quan hệ Quốc tế. Cô giỏi ngoại ngữ, nghĩ rằng làm ngoại giao hẳn sẽ được đi đây đi đó nhiều. Nhưng mọi chuyện không đơn giản vậy. Huyền yêu nghệ thuật và phim ảnh. Khi tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế, Mai Thu Huyền tham gia vai chính trong bộ phim Những ngọn nến trong đêm. Cô phải mất 6 tháng đầu tư cho vai Trúc và khi bộ phim đóng máy, Huyền mệt phờ tới mức chỉ muốn nghỉ ngơi hoàn toàn một thời gian để lấy lại sức khỏe và nhan sắc hao mòn.
Quay về “căn nhà xưa cũ”
Mới nghỉ được ít bữa, Mai Thu Huyền nhận được điện thoại của bộ phận nhân sự tập đoàn FPT. Họ muốn mời Huyền về làm công việc PR và tổ chức sự kiện. Môi trường quá tuyệt vời nơi đây đã tạo điều kiện để Mai Thu Huyền… an phận. Sau khi lấy chồng và sinh con gái đầu lòng, Huyền đã nghĩ việc tạm biệt không hẹn ngày gặp lại nghề diễn. Cô chăm chỉ làm việc, phấn đấu trong môi trường văn phòng, công sở. Và chỉ trong vài năm, cô đã được giao vị trí quan trọng trong tập đoàn.
Khi tôi hỏi Huyền, cuộc sống của cô được trải thảm thẳng băng như thế, có khi nào bị cấn những chiếc gai nhọn giấu mặt không? Huyền chia sẻ: “Tôi không phải là người quen kể lể những khó khăn hay than vãn. Sự may mắn đã nhiều lần tìm đến tôi nhưng nếu tôi không nắm lấy cơ hội thì cũng bị vuột mất rồi. 27 tuổi, tôi được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng của FPT khu vực phía Nam. Nhân viên dưới quyền hầu hết là những người lớn tuổi và có kinh nghiệm. Tôi đã nghe được những lời xì xào to nhỏ ở đâu đó. Những chiếc gai này đã đâm vào tôi, dù cố ý hoặc vô ý nhưng chỉ khiến tôi cố gắng hết sức để khẳng định mình. Từ xưa tới nay, tôi làm việc chưa khi nào đòi hỏi về mức lương và cũng thường được giao các công việc khó hơn người khác. Nhưng chính vì vậy, tôi đã được đánh giá đúng khả năng của mình”.
Trong lúc làm việc say mê, thậm chí rất nhiều ngày liên tục, Mai Thu Huyền chỉ ngủ từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ, thì nhiều bạn bè quanh cô đã khuyên Huyền nên chọn cuộc sống thảnh thơi hơn và đi đóng phim tiếp. Nhưng cô vẫn tiếp tục dấn bước. Mai Thu Huyền đã chuyển động từ “làm việc” sang “chơi việc”, nhằm hàm ý nói về được thỏa thích “bơi lội” trong môi trường làm việc tuyệt vời của mình.
Huyền ở FPT tròn 10 năm. Những đưa đẩy khiến cô làm Giám đốc sản xuất phim và tổ chức sự kiện. Sự quay trở lại showbiz của Mai Thu Huyền như một duyên nghiệp khiến cô không thể chối bỏ. Huyền quyết định mở công ty riêng, đến gần hơn với nghệ thuật trong tâm thức của người đi xa quay về nhà căn nhà xưa cũ.
Nuối tiếc khôn nguôi
Thời gian Mai Thu Huyền đang là sinh viên của Học viện Quan hệ Quốc tế, Viện lưu trữ Quốc gia muốn mời cô tham gia một bộ phim được quay tại Hồng Kông (Trung Quốc). Nhưng nhà trường có quy định nghiêm ngặt, không thể nghỉ học vài tháng để đi phim được, nếu muốn bảo lưu kết quả học tập. Đến giờ, Mai Thu Huyền vẫn tiếc điều này. Cô nói, đây chính là cơ hội lớn trong đời người diễn viên, mà cô đành phải buông tay, không giữ được.
Và sau này, là cú sốc bố mất. Cách nay gần 3 năm, khi bố cô bay vào Sài Gòn để dự sinh nhật cháu ngoại, ông bị đau ruột thừa cấp. Chính Mai Thu Huyền đã đưa bố vào bệnh viện gần nhà. Sự việc diễn tiến sang hướng nghiêm trọng khác, khiến ông mất đột ngột. Nỗi ân hận của Huyền kéo dài dai dẳng, từ ngày này qua ngày khác. Có lẽ cả đời này, cô sẽ ôm nỗi đau đó, khó có thể thanh thản được.
Những ngày này, Mai Thu Huyền đang rất tất bật và nỗ lực thể hiện vai “cô Trúc” trong bộ phim truyền hình dài tập Những ngọn nến trong đêm (phần 2). Hy vọng cô sẽ vượt qua được cái bóng của chính mình khi đã xuất sắc thủ vai “cô Trúc” 13 năm về trước.
Niềm vui của Huyền, hiện nay, ngoài công việc, là trở về căn nhà tập thể cũ ở Giảng Võ, Hà Nội - nơi đã chứng kiến sự lớn lên và trưởng thành của các chị em cô; là trở về căn biệt thự sang trọng ở Phú Mỹ Hưng, Q.7, TPHCM - nơi cô dành nhiều thời gian chăm chút cho tổ ấm. Ở đó có gia đình và tình yêu thương vô bờ bến của người thân.