‘Malala của Thụy Điển’ tích cực bảo vệ môi trường

16:54 | 13/12/2018;
Greta Thunberg (15 tuổi) được mệnh danh là “Malala của Thụy Điển” trong việc truyền cảm hứng cho phong trào bảo vệ môi trường nơi học đường. Tạp chí Time của Mỹ đã bình chọn em là một trong những thanh thiếu niên có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2018.
Cô gái nhỏ mang thông điệp bảo vệ môi trường đến quốc hội
 
greta-thunberg-4.jpg
Greta đi biểu tình vì tin rằng tiếng nói của một học sinh cũng cần được quốc hội lắng nghe

 

Khi năm học mới 2018 bắt đầu, thay vì đi học, Greta Thunberg đã đến ngồi lỳ bên ngoài tòa nhà Quốc hội Thụy Điển từ sáng đến chiều. Em căng biểu ngữ đòi các chính trị gia quan tâm hơn đến việc ban hành những chính sách bảo vệ môi trường. Greta nói: “Em chưa đủ tuổi để đi bầu nhưng tiếng nói của một học sinh cũng cần được quốc hội lắng nghe”.
 
Greta giải thích lý do vì sao em nghỉ học: “Nếu người lớn không làm gương, trẻ con sẽ bắt chước như họ. Em sẽ không làm theo những gì được khuyên bảo nếu như những người lớn thờ ơ với tương lai của chúng em. Em đi học để làm gì khi mà các chính trị gia không lắng nghe các nhà khoa học”.
 
Ban đầu, Greta nghĩ rằng mình sẽ biểu tình một mình. Song sau đó có thêm vài bạn nhỏ tham gia cùng em. Giáo viên và phụ huynh cũng hưởng ứng. Trong đó có cả giáo viên chủ nhiệm của Greta. Nhiều người đi đường còn mang nước và chocolate đến để ủng hộ em.
Greta cho biết, bố mẹ muốn em đi học thay vì đi biểu tình. Song họ thông cảm và tôn trọng quyết định của em bởi vì họ hiểu vì sao em phải làm vậy. Dù đi biểu tình nhưng hành lý đồng hành cùng Greta luôn là cái cặp với rất nhiều sách vở. Đó như lời cam kết rằng em sẽ tự học để theo kịp bạn bè. Bố của Greta cho biết, trong thời gian đi biểu tình, Greta vẫn đọc được 3 quyển sách và làm rất nhiều bài tập trong sách giáo khoa.
 
greta-thunberg-2.jpg
Cuộc đấu tranh không mệt mỏi

  

Một vài chính trị gia trong tòa nhà quốc hội đã đến gặp và trò chuyện với Greta, trong đó có bà Janine Alm Ericson là thành viên Đảng Xanh. Bà Janine cho rằng: bà rất ấn tượng khi thấy sự quyết tâm và lòng can đảm của Greta. Tuy nhiên, bà cũng cảm thấy rất buồn khi người dân đi biểu tình. Điều đó có nghĩa là những chính trị gia như bà chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của họ.
 
Truyền cảm hứng cho phong trào bảo vệ môi trường nơi học đường
 
Các cuộc biểu tình của Greta nhanh chóng được giới truyền thông Thụy Điển và quốc tế chú ý. Đặc biệt, nhiều bài báo ca ngợi Greta là “Malala của Thụy Điển”. Sau đó, cô bé còn được tham gia các chương trình talkshow và phát biểu trước hội nghị, trong đó có cả hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. Ngoài ra, em còn tham gia viết báo cho các hãng truyền thông quốc tế để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
 
greta-thunberg-6.jpg
Greta tham dự và phát biểu trong hội nghị về môi trường của Liên hợp quốc

  

Những kiến thức mà Greta có được về môi trường chính là nhờ được đọc ké sách với bố mẹ. Greta từng chia sẻ: "Càng đọc, bạn sẽ càng thấy lo lắng cho môi trường. Thay vì lo lắng những điều sắp diễn ra, bạn nên làm điều gì đó để thay đổi nó cho dù chỉ có một chút hy vọng thôi”. Sau tiếng vang về cuộc biểu tình của Greta, học sinh ở các trường trên đất nước Thụy Điển cũng đã tổ chức phong trào nâng cao nhận thức về môi trường được tổ chức vào thứ Sáu hàng tuần.
 
Greta nói thêm: “Em đi biểu tình bởi vì trước đến giờ chưa có ai làm việc này. Em biết Thụy Điển làm tốt công tác xử lý và tái chế rác từ nhựa và nilon. Tuy nhiên, cho đến giờ vẫn chưa có một chính sách nào để hạn chế hiệu ứng nhà kính, khí thải và các loại rác thải độc hại cho môi trường. Em muốn các chính trị gia quan tâm đến các vấn đề môi trường như một cuộc khủng hoảng cần xử lý”.
 
Thông điệp của Greta không chỉ truyền cảm hứng cho phong trào bảo vệ môi trường ở Thụy Điển mà còn ở cả các nước trên khắp thế giới, bao gồm cả nước Mỹ. Đó cũng là lý do vì sao tạp chí Time của Mỹ đã bình chọn Greta Thunberg là một trong những thanh thiếu niên có ảnh hưởng nhất thế giới của năm 2018.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn