Malala Yousafzai: Nhà đấu tranh vì quyền giáo dục của phụ nữ ở Pakistan

08:00 | 12/07/2022;
Malala Yousafzai sinh ngày 12/7/1997, thường được gọi là Malala, là một nhà hoạt động người Pakistan vì giáo dục nữ giới. Sinh ra trong một gia đình có tư tưởng tiến bộ, từ nhỏ Malala đã có những quan điểm rõ ràng về việc xúc tiến giáo dục cho nữ giới ở Pakistan.

Ở tuổi 11, Malala bắt đầu chiến dịch của mình bằng cách viết blog ẩn danh cho BBC, miêu tả cuộc sống dưới thời Taliban ở Thung lũng Swat của Pakistan. Được truyền cảm hứng từ cha mình, Malala sớm bắt đầu ủng hộ công khai việc giáo dục trẻ em gái, thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế.

Malala Yousafzai: Nhà đấu tranh vì quyền giáo dục của phụ nữ ở Pakistan - Ảnh 1.

Malala Yousafzai bên gia đình

Cha của cô, ông Ziauddin Yousafzai, đã chia sẻ trong một buổi hội nghị 2014 của TED: "Mọi người hỏi tôi có gì đặc biệt trong cách tôi dạy con mà khiến Malala trở nên mạnh dạn và can đảm, mạnh mẽ và đĩnh đạc? Tôi nói với họ "Đừng hỏi tôi đã làm gì. Hãy hỏi tôi đã không làm gì. Tôi đã không cắt bỏ đôi cánh của con bé, và chỉ có vậy thôi".

Malala Yousafzai: Nhà đấu tranh vì quyền giáo dục của phụ nữ ở Pakistan - Ảnh 2.

Malala cùng cha (trái) tại buổi trao Giải thưởng Tự do Tư tưởng Sakharov, còn gọi là Giải thưởng Nhân quyền của Liên minh Châu Âu, năm 2013

Năm 15 tuổi, cô bị quân Taliban bắn vì tội dám lên tiếng. Việc này đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới và rất nhiều người đã lên tiếng ủng hộ Malala, đồng thời lên án hành động của quân Taliban.

Malala Yousafzai: Nhà đấu tranh vì quyền giáo dục của phụ nữ ở Pakistan - Ảnh 3.

Malala trong quá trình phục hồi sau vụ ám sát

Năm 2013, Malala đồng sáng lập Quỹ Malala, một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận nhằm ủng hộ giáo dục cho trẻ em gái. Nữ diễn viên Angela Jolie là một trong những người đầu tiên quyên góp cho quỹ với số tiền 200.000 USD. Cô đạt giải Nobel Hòa bình năm 2014 và là người trẻ tuổi nhất thế giới được trao giải Nobel.

Malala Yousafzai: Nhà đấu tranh vì quyền giáo dục của phụ nữ ở Pakistan - Ảnh 4.

Malala phát biểu tại một diễn đàn

Năm 2015, cô mở một trường học ở Lebanon cung cấp giáo dục cấp tiểu học và trung học cho các bé gái tị nạn ở Syria . Cô tốt nghiệp Đại học Oxford khoá Triết học, Chính trị học và Kinh tế học vào năm 2020. Malala từng nói: "Tôi chia sẻ câu chuyện của mình không phải vì nó là độc nhất, mà vì đó là câu chuyện của rất nhiều cô gái". Nhà vận động nữ quyền trẻ tuổi này đã trở thành nguồn cảm hứng cho giới trẻ trên toàn thế giới - sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của mình vì phúc lợi và tương lai của những phụ nữ và trẻ em gái khác.

"Khi cả thế giới im lặng, dù chỉ một tiếng nói cũng trở nên mạnh mẽ", Malala Yousafzai.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn