Sáu người đàn ông từ Nepal tin rằng họ được đưa đến Hoa Kỳ để làm việc. Tuy nhiên, họ đã bị lừa đến Malawi (một quốc gia thuộc Đông Nam Phi) sau hành trình dài qua sáu quốc gia. Sau đó, họ bị nhốt trong một ngôi nhà và lấy đi hộ chiếu.
Tương tự, cặp vợ chồng khác được cung cấp công việc làm trên một khu vườn trồng thuốc lá ở Zambia lân cận. Họ bị ngược đãi, thiếu lương thực và không được trả tiền khi kết thúc hợp đồng. Tuy nhiên, công việc đằng sau đó mới chính là những điều khiến họ không ngờ tới - họ bị ép vào con đường mại dâm. Và tất cả những người này đều là nạn nhân của nạn buôn người.
Malawi cũng là một quốc gia quá cảnh cho các nạn nhân của nạn buôn người được đưa đến các quốc gia châu Phi khác, bao gồm Nam Phi, Tanzania và Mozambique đến các vùng của châu Âu. Những nạn nhân bị buôn bán cơ bản phải làm việc như nô lệ. Đó có thể là lao động nặng nhọc hoặc nô lệ tình dục.
Thời gian gần đây liên tiếp có nhiều vụ giải cứu nạn nhân buôn người được thực hiện. Họ đều là nạn nhân của việc khai thác tình dục hoặc liên quan đến lao động cưỡng bức. Họ bị bắt buộc làm việc tại một trang trại nhiều giờ trong ngày và liên tục trong nhiều tháng mà không nhận được bất kỳ khoản tiền lương nào. Họ cơ bản phải làm việc như những nô lệ. Sáu người nữa đã được giải cứu trong lúc quá cảnh tới một điểm đến, nơi họ sẽ bị bóc lột trong ngành công nghiệp tình dục.
Có hai trường hợp liên quan đến buôn bán người với mục đích hôn nhân ép buộc hoặc sắp đặt. Theo đó, một bé gái 13 tuổi được giải cứu và đang mang thai. Bé gái hiện đã được sắp xếp chỗ ở. Những nạn nhân khác cũng đang ở trong khu vực an toàn, trong khi những người khác đã được đưa trở về nhà.
Maxwell Matewere, Đại diện Văn phòng Liên hiệp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho biết: "Chính phủ Malawi cũng thừa nhận rằng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết loại tội phạm này cũng như việc tồn tại nhiều lỗ hổng trong cách tiếp cận hiện tại".
Theo yêu cầu của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ về việc hỗ trợ thực thi Đạo luật chống buôn bán người cấp quốc gia, được phát triển với sự hỗ trợ của UNODC, ông Matewere đã dành ba tuần để làm người cố vấn cho các nhân viên thực thi pháp luật. Việc huấn luyện diễn ra tại Blantyre, Phalombe và Mchinji. Đây là những khu vực của đất nước có tỷ lệ buôn bán cao nhất.
Trong các phiên họp, chuyên gia từ UNODC đã xem xét các trường hợp để xác định liệu các nhân viên thực thi và bảo vệ pháp luật có tuân theo đúng quy trình hay không.
Ông Maxwell Matewere cho biết rằng, trong nhiều trường hợp vẫn chưa có kết quả tích cực, nhưng điều đáng quý là sự nỗ lực và tận tâm của những người tham gia. Tất cả họ đều quyết tâm cải thiện những điều chưa tốt và cố gắng học hỏi thêm.
Nhiều quan chức chịu trách nhiệm triệt phá nạn buôn người, điều tra các vụ án, hỗ trợ nạn nhân và truy tố các thủ phạm cũng đã tham gia.
Điều phối viên của Ủy ban liên ngành của quận Blantyre chống buôn bán người, Caleb Ng'ombo, cho biết rằng, trong quá trình cố vấn ông đã học được rất nhiều bài học, bao gồm tầm quan trọng của việc đặt nhu cầu và quyền của nạn nhân lên hàng đầu.
Trong hai năm qua, UNODC với sự hỗ trợ của Vương quốc Anh thông qua Chương trình toàn cầu chống buôn người, đã hỗ trợ Malawi trong nỗ lực chống nạn buôn người. Các chiến lược quốc gia đã được đẩy mạnh, nhiều khuôn khổ pháp lý phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và hệ thống quốc gia để hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân cũng đã được cải thiện.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn