Malaysia tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ trong chính trị và kinh tế

10:13 | 29/12/2018;
Chương trình nghị sự về phụ nữ tiếp tục là một trọng tâm chính trong Kế hoạch Malaysia lần thứ 11 (2016-2020), đặc biệt là việc tăng số lượng phụ nữ trong những vị trí quan trọng gắn với việc ra quyết định. Mặt khác, chính phủ nước này chú trọng đến sự phát triển kinh tế của phụ nữ và tăng sự tham gia của lao động nữ từ 54,3% (2016) lên 59% vào năm 2020.
Tăng tỷ lệ phụ nữ tham chính
 
Tại Malaysia, phụ nữ chiếm 48% dân số (15,5 triệu). Trao quyền cho phụ nữ là một chương trình nghị sự quan trọng của Chính phủ. Trao quyền cho phụ nữ ngay từ đầu thập kỷ 1980 đã được đưa vào trong các kế hoạch 5 năm của Malaysia. Một lĩnh vực trọng yếu là Malaysia tập trung tăng số lượng phụ nữ trong những vị trí quan trọng gắn với việc ra quyết định bằng mục tiêu có ít nhất 30% phụ nữ đảm nhiệm vai trò quan trọng nhằm có thể ra quyết sách, vận động sự thay đổi trong xã hội và làm cho chính phủ có trách nhiệm giải trình hơn. Hiện có nhiều gương mặt nữ sáng giá trong nội các chính phủ Malaysia: Nữ phó thủ tướng đầu tiên của Maylaysia kiêm Bộ trưởng Phụ nữ, Gia đình và Phát triển cộng đồng Wan Azizah Wan Ismail; Bộ trưởng Nhà ở và chính quyền địa phương Zuraida Kamaruddin; Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Rina Harun; Bộ trưởng Công nghiệp và Bộ Đổi mới Teresa Kok và Bộ trưởng Công nghệ và Khoa học Yeo Bee Yin.
 
wan-azizah-wan-ismail.jpg
Nữ Phó Thủ tướng đầu tiên của Malaysia kiêm Bộ trưởng Phụ nữ, Gia đình và Phát triển cộng đồng Wan Azizah Wan Ismail

  

Chính phủ Malaysia tiếp tục hình thành các chính sách và kế hoạch hành động cũng như các chương trình để trao quyền cho phụ nữ. Điều này cũng đảm bảo trẻ em gái và phụ nữ Malaysia có cơ hội bình đẳng trong các chính sách kinh tế xã hội và chính trị, trong việc tìm kiếm công lý khi họ là nạn nhân. Chính sách quốc gia về phụ nữ được đưa ra năm 1989 và sau đó được rà soát năm 2009.  Malaysia cũng đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ (NPAAW) làm định hướng chung cho sự phát triển của phụ nữ trên khắp 13 lĩnh vực.
 
Thông qua Bộ Phụ nữ, Gia đình và Phát triển cộng đồng (MWFCD) và 5 đơn vị của Bộ gồm Cục An sinh Xã hội, Cục Phát triển phụ nữ (JPW), Ban phát triển gia đình và dân số quốc gia (LPPKN), Viện xã hội Malaysia (ISM) và Quỹ Phúc lợi quốc gia (YKN), Chính phủ đã nhiều chương trình cung cấp dịch vụ có chất lượng cho các nhóm đối tượng liên quan đến phụ nữ. Một số chương trình có sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, các quỹ từ thiện, các tổ chức xã hội và các cá nhân tự khởi nghiệp và các doanh nghiệp xã hội bền vững trong số các nhóm phụ nữ.
 
Tạo cơ hội việc làm cho mọi phụ nữ
 
Chương trình nghị sự về phụ nữ tiếp tục là một trọng tâm chính trong Kế hoạch Malaysia lần thứ 11 (2016-2020), đặc biệt là sự phát triển kinh tế của phụ nữ và tăng sự tham gia của lao động nữ từ 54,3% (2016) lên 59% vào năm 2020. Số lượng phụ nữ có việc làm đã tăng từ 3,3 triệu năm 2010 lên 5,55 triệu năm 2017. Kể từ năm 2017, tỷ lệ lao động nữ đã đạt con số 54,7%.
 
phu-nu-malaysia-2.jpg
Doanh nhân nữ Malaysia tự tin trên thương trường

  

Chính phủ đã có nhiều sáng kiến để hỗ trợ phụ nữ trong lực lượng lao động trên toàn quốc như cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ tốt hơn, dịch vụ chăm sóc ban ngày cho người cao tuổi, người khuyết tật và ban hành chính sách tiền lương tối thiểu từ năm 2012. Ngoài ra, chính phủ ban hành quy chế về việc làm bán thời gian để khuyến khích phụ nữ, đặc biệt là người nội trợ, tham gia lực lượng lao động.
 
Sự thành lập Chương trình chăm sóc sau sinh cho bà mẹ từ năm 2012 nhằm giúp đỡ các bà mẹ đơn thân, bà mẹ có tuổi và các phụ nữ từ các gia đình có thu nhập thấp trở thành người thực hiện chương trình Mamacare nhằm giúp họ tăng thu nhập hàng tháng thông qua làm doanh nghiệp xã hội. Những sáng kiến khác như bồi dưỡng kỹ năng cho bà mẹ đơn thân và bồi dưỡng kỹ năng làm chủ doanh nghiệp cho phụ nữ đã giúp giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người phụ nữ dễ tổn thương. Các nhóm đối tượng được đào tạo về nhiều lĩnh vực như may, chăm sóc sắc đẹp, sản xuất thủ công mỹ nghệ, chăm sóc trẻ, du lịch và chế biến thức ăn. Thông qua những khóa đào tạo này, các học viên có thể khởi nghiệp và trở thành những doanh nhân thành đạt.
 
phu-nu-malaysia-1.jpg
Mọi phụ nữ đều được tạo cơ hội việc làm

 

Bên cạnh đó, Chính phủ Malaysia giới thiệu Chương trình hỗ trợ việc làm cho các sinh viên nữ tốt nghiệp đại học nhằm xây dựng một lực lượng lao động có kỹ năng, tay nghề cao, nắm vững các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho quốc gia. Còn Chương trình Trở lại với sự nghiệp nhằm mục đích làm tăng sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động bằng cách khuyến khích chủ sử dụng lao động tuyển dụng và giữ lại những phụ nữ có công việc đã từng bị gián đoạn. Qua đó, tạo điều kiện cho họ có thể phát triển tài năng sẵn có và quay lại công việc họ đã từng gắn bó.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn