Chị Hải Phạm 27 tuổi (ở Hà Nội), mang song thai và kiên quyết đòi đẻ mổ. Vào thời điểm chuyển dạ, thai đầu tiên nằm ở vị trí ngôi thuận nên đi ra ngoài cơ thể mẹ dễ dàng. Nhưng điều khó khăn đã xảy đến ở thai thứ 2, bé ngôi ngược - đầu của bé hướng lên phía trên ngực, còn mông của bé hướng về đáy khung chậu của mẹ.
Chị Hải ở Hà Nội may mắn mang bầu đôi tự nhiên.
Tình huống này khiến các bác sĩ đỡ đẻ cho sản phụ phải toát mồ hôi. Thật may nhờ có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, bác sĩ đã hướng dẫn sản phụ phối hợp dùng lực lộn bé thứ hai quay đầu và vượt cạn suôn sẻ ngay sau đó.
Được nhiều mẹ nhắn tin xin bí quyết bầu đôi
Chị Hải Phạm lập gia đình năm 2017, ngay sau ngày cưới một thời gian ngắn, chị hay tin mình có bầu. Thế nhưng, niềm vui đó chẳng thể ở lại với đôi vợ chồng trẻ do chị bị sảy thai ngay ở giai đoạn đầu. Mãi đến một năm sau, chị mới lại vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi cấn bầu trở lại. Niềm vui ấy nhân lên gấp đôi khi siêu âm, chị biết mình mang thai đôi. “Biết tin mang thai, lại 2 em bé cùng xuất hiện nên vợ chồng mình vui lắm, anh xã càng vui hơn khi biết đó là một bé trai, một bé gái” - chị nói.
Theo lời chị Hải, ngày biết mang bầu đôi, chị lên mạng tham gia vào các hội mẹ bầu để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc thai kỳ. Ba tháng đầu, chị nghén nặng, ăn gì nôn đó, ngửi mùi dầu mỡ cũng thấy sợ. Thế nhưng, may mắn qua 3 tháng, người mẹ ấy hết nghén, ăn uống bình thường trở lại. Được mẹ chồng yêu quý, mua đủ thứ cho con dâu tẩm bổ, chị không nhớ nổi đã ăn bao nhiêu quả trứng ngỗng, vì mọi người nói ăn trứng ngỗng tốt nên mẹ thì cứ mua, còn con dâu thì rất tích cực ăn, nhờ vậy mà cả thai kỳ chị tăng 21kg.
Hạnh phúc hơn khi đó lại là một bé trai và một bé gái.
Vẫn trong câu chuyện về ăn uống trước và trong thời kỳ mang thai, mẹ Hà Nội nhớ lại: “Hồi còn nhỏ khi nghe mẹ trêu nếu ăn quả sinh đôi mai sau kiểu gì cũng mang bầu đôi, mình vẫn còn ngây thơ nên tin là thật, vì thế ngày xưa rất chăm ăn đồ đôi. Mãi đến khi trưởng thành, mình mới hiểu rằng đó chỉ là đùa vui chứ không phải thật”.
Chia sẻ về bức ảnh vô cùng dễ thương của hai em bé lên mạng xã hội, hình ảnh song sinh một bé trai và một bé gái đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người. Phần lớn đều bày tỏ cảm xúc thích thú khi chứng kiến mẹ một lần sinh là có đủ nếp lẫn tẻ.
Cũng có không ít mẹ đã nhắn tin cho chị Hải để xin bí quyết mang bầu đôi. Đáp lại hầu hết thắc mắc này, chị cho rằng: “Việc mang bầu đôi có thể do gen di truyền hoặc cơ địa mỗi người. Và hơn hết là duyên số nữa, thực tế không có mẹo hoặc đồ ăn nào có thể giúp chị em mang thai đôi như ý muốn”.
Sinh bé đầu thuận lợi nhưng bé thứ 2 khiến bác sĩ phải “ra tay”
Theo thời gian chị Hải trải qua hai tam cá nguyệt đầu thuận lợi. Chỉ đến khi bước vào những tháng cuối cơ thể trở nên nặng nề, không thể ngồi, nằm lại rất khó thở. Dù di chuyển khó khăn nhưng chị vẫn duy trì đi khám định kỳ đều đặn, vì thai đôi lại lần đầu sinh nên chị được bác sĩ cảnh báo khả năng sinh trước dự kiến là khá cao.
Nói về hành trình thai kỳ có lẽ thời khắc vượt cạn là câu chuyện đáng nhớ nhất của chị. Dù đã được nhắc có thể các bé sẽ ra sớm hơn so với dự kiến nhưng vợ chồng chị khá chủ quan. Khi mới bước vào những ngày đầu của tuần 35, chị bất ngờ thấy các dấu hiệu chuyển dạ sinh con liên tiếp ập tới khiến mẹ bầu không kịp xoay sở.
Hai em bé chào đời khi mới 35 tuần tuổi.
Chị cho biết, thời điểm đó hai vợ chồng vẫn ung dung vì nghĩ phải 2 tuần nữa các con mới chào đời. Vậy mà đêm 14/3/2019 khi đang ngủ chị bỗng giật mình bởi âm thanh "bụp" khá lớn, từ đó nước ối chảy ra không ngừng. Quá hoảng sợ, chị cùng chồng tá hoả chạy ngay đến bệnh viện và được bác sĩ dẫn lên phòng đẻ do cổ tử cung đã mở 3cm.
Kết quả siêu âm lần gần sinh nhất cho thấy tình trạng thai đôi của chị một bé đã quay đầu, bé còn lại ngôi ngược nên chị Hải nghĩ nghĩ mình sẽ phải đẻ mổ và cũng muốn như vậy để an toàn cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên đến 6 giờ sáng, cổ tử cung người mẹ đã mở hoàn toàn, bác sĩ chỉ định đẻ thường bé đầu, bé thứ 2 có thể chuyển sang mổ. Lúc này chị Hải xác định sẽ vừa phải hứng trọn cảm giác đau đớn do rạch tầng sinh môn lẫn cảm giác mổ bụng bắt nốt em bé còn lại ra ngoài.
Dù sinh non nhưng 2 em bé song sinh rất khỏe mạnh.
“Sau vài cơn gò thấu trời xanh thì anh lớn Vũ Viết Khôi chào đời nặng 2kg, đang nghĩ chuẩn bị “ăn dao”, vậy mà bác sĩ lộn bụng mình như nào giúp em bé đang ngôi ngược con bỗng quay đầu, rồi y tá hướng dẫn mẹ rặn thêm vài hơi, chưa đầy 5 phút sau bé gái Vũ Tường Vy cũng chui ra nốt. Vậy là 3 mẹ con mình đã cán đích thành công nhanh như cơn gió. Khi con chào đời mình hạnh phúc lắm, cảm giác khó thể tả bằng lời, lúc ấy thấy tình mẫu tử thật thiêng liêng. Bố cháu là người đón tay 2 bé, khi bác sĩ đưa con ra bố cháu còn lóng ngóng chưa biết phải bế bé như nào” - chị kể.
Thương vợ sinh con nhiều vất vả, sau sinh, chồng chị luôn ở bên giúp vợ trông con để chị có thời gian nghỉ ngơi, anh cũng đỡ đần chị việc tắm cho hai bé mỗi ngày. Chính vì vậy sau sinh một thời gian ngắn, chị đã lấy lại được sức khỏe, ngay cả vóc dáng thuở con gái nhờ chế độ dinh dưỡng hợp lý, chăm chỉ cho con bú và kích sữa bằng máy.
Đến nay các con của chị Hải đã gần 14 tháng, dù chăm 2 bé sinh đôi vất vả nhưng chị vẫn cảm thấy nhàn tênh vì luôn có sự chăm sóc, hỗ trợ của chồng bên cạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn