Mang Giáng sinh đến với trẻ có “H”

12:54 | 24/12/2020;
Chúng tôi đến thăm Phòng Chăm sóc Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thuộc Trung tâm cai nghiện ma tuý số 2 (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội) vào một ngày rét đậm. Các thành viên trong đoàn hy vọng mang không khí ấm áp của Giáng sinh đến với những em nhỏ nhiễm HIV nơi đây.
"Mẹ con mất rồi, còn cha là ai con cũng không biết"

Tú (15 tuổi, quê ở Ninh Bình) cho hay: "Mẹ con mất năm con được 6 hay 7 tuổi gì đó. Còn cha con là ai con cũng không biết. Con ở với ông bà được 1 năm thì bác đưa con vào đây. Bác thương con lắm, năm nào Tết đến, bác cũng lên đón con về ăn Tết với cả nhà". Nhớ lại những ngày đầu vào Trung tâm, Tú chia sẻ: "Hồi đầu vào đây, con nhớ nhà lắm, chỉ muốn về với ông bà và bác thôi. Nhưng bác con bảo, con phải ở đây để chữa bệnh. Bây giờ, con lại thích ở Trung tâm hơn vì mỗi lần về nhà là hay bị mọi người hỏi han và kỳ thị nên con buồn lắm". Sức khoẻ của Tú khi mới vào Trung tâm rất yếu. Em phải nghỉ học 1 năm để các mẹ và y, bác sĩ ở Trung tâm chữa trị, chăm sóc. Khi sức khoẻ đã ổn định, Tú lại đến trường như bao em nhỏ khác ở Trung tâm. Gần đây, thị lực của Tú kém đi, một mắt gần như không nhìn thấy nên con phải nghỉ học.

Buổi sáng, khi các bạn ở Trung tâm đến trường học thì Tú giúp các "bố mẹ" (cách gọi thân mật của các em dành cho cán bộ chăm sóc trẻ của Trung tâm) làm công việc bếp núc. Chiều đến, con cùng các bạn chăm vườn rau, nuôi gà, dọn dẹp nhà cửa... Khi nói về mơ ước của mình trong tương lai, Tú ngậm ngùi bảo: "Con chẳng dám nghĩ xa đâu, con chỉ mong mình khoẻ mạnh thôi".

Ước mơ trở thành cô giáo và kể cho học trò nghe về "con virus HIV"

Duyên (học lớp 11, quê ở Ba Vì), chia sẻ: "Mẹ con mất rồi. Khi mẹ mất, người ta mới phát hiện ra con cũng có "H" giống mẹ. Thế là con được đưa vào đây để có phác đồ điều trị hàng ngày". Duyên bảo, em may mắn là còn bố. Bố của Duyên hiện sinh sống bằng nghề bán hoa quả. Bố của Duyên cũng bị nhiễm HIV. Cứ 2 tháng bố của Duyên lại vào đây thăm con một lần. Lần gần đây nhất vào thăm Duyên, bố khóc và bảo sẽ làm tất cả để lo cho tương lai của con. "Con thương bố lắm, con dặn bố phải dành tiền để chữa bệnh. Con ở đây đã có các bác sĩ lo cho rồi nên bố đừng lo lắng nhiều", Duyên chia sẻ.

Ước mơ của Duyên sau này là trở thành một cô giáo. "Khi ấy, con sẽ giảng cho học trò của mình nghe về con virus mang tên HIV. Nó tồn tại trong cơ thể của nhiều bạn nhỏ như con nhưng không vì thế mà nó có thể giết chết những ước mơ và hoài bão của chúng con", Duyên cho biết.

"Bố mẹ ở đây là người thân của chúng con"

Phòng chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thuộc Trung tâm cai nghiện ma tuý số 2, hiện là nơi sinh sống của gần 70 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Các em đến từ nhiều tỉnh, thành và đều bị nhiễm HIV. Tú và Duyên là hai trong số ít em nhỏ còn có người thân quan tâm, đi lại thăm nuôi. Bà Đào Thị Huyền, Trưởng Phòng chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thuộc Trung tâm cai nghiện ma tuý số 2, cho biết, hầu hết các trường hợp được đưa vào đây đều là trẻ bị bỏ rơi khi còn nhỏ, thậm chí là vừa sinh ra. Vì thế mà những cái tên của các em bây giờ đều là do các "bố mẹ" ở Trung tâm đặt cho.

Những cán bộ chăm sóc trẻ ở đây được các em gọi bằng "bố", "mẹ" bởi hơn ai hết, họ đã thay các đấng sinh thành chăm sóc, nuôi dưỡng các em. Tại đây, các em nhỏ được phân về các nhà. Mỗi nhà gồm 14 em. "Nhà mẹ có 4 mẹ, nhà bố thì có 3 bố. Các mẹ sẽ chăm sóc nhà của các bé gái, các bố sẽ chăm sóc nhà của các bé trai", bà Đào Thị Huyền cho biết. Sau những giờ học trên lớp, những em nhỏ ở đây sẽ cùng các bố, các mẹ của mình trồng rau, nuôi gà, ngan, nuôi dê... và dọn dẹp cho tổ ấm của mình.

Vừa qua, đại diện Báo Phụ nữ Việt Nam đã đến thăm, trao tặng số tiền 10 triệu đồng trích từ Quỹ Mottainai "Trao yêu thương-Nhận hạnh phúc" cùng nhiều phần quà của các nhà hảo tâm, đồng thời mang không khí Giáng sinh đến với các em nhỏ tại Phòng chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thuộc Trung tâm cai nghiện ma tuý số 2.

Ông Phạm Đình Giang, Giám đốc Trung tâm cai nghiện ma tuý số 2, trân trọng cảm ơn những tấm lòng hảo tâm đến từ Báo Phụ nữ Việt Nam và Chương trình Mottainai "Trao yêu thương-Nhận hạnh phúc" do Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức. "Nhận được sự quan tâm của Chương trình Mottainai, với các con ở Trung tâm thực sự rất ý nghĩa, không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần. Các con cảm nhận được sự yêu thương, quan tâm của cộng đồng, xã hội", ông Phạm Đình Giang chia sẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn