Mang hơi ấm đất liền tới Trường Sa

20:25 | 22/04/2016;
Sau 10 ngày, vượt qua hàng trăm hải lý, đoàn công tác TƯ Hội LHPNVN do Phó Chủ tịch Trần Thị Hương làm trưởng đoàn đã lần lượt đến thăm cán bộ, chiến sĩ, người dân đang sinh sống tại các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Len Đao, Trường Sa lớn...
4.JPG
  Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương thắp hương tại lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma.

Khi đảo Song Tử Tây còn mờ ảo trước muôn trùng biển khơi, giọng đọc quen thuộc của phát thanh viên, giới thiệu về hòn đảo vừa kết thúc. Lời bài hát Hành khúc chiến sĩ Trường Sa bỗng cất lên: “Ta là chiến sĩ trên đảo Trường Sa, giữa bão tố phong ba đảo vẫn là nhà, theo tiếng gọi của quê hương đất nước, cùng về đây chung lòng bảo vệ đảo Trường Sa. Tổ quốc gọi ta đi, vinh quang người chiến sĩ, ra đi giữ mãi niềm tin, sắc son của người lính. Dòng máu nghìn năm xưa, thiêng liêng hồn sông núi, trong tim ấm mãi tình thương, trong tim biển cả là quê hương…”, khiến hầu hết thành viên trong đoàn đều chung một cảm xúc - háo hức được đặt chân lên đảo. Không ai có thể ngồi yên, từ những phóng viên trẻ như chúng tôi cho tới cán bộ Hội mệt lả vì hành trình dài cũng cố gắng leo lên mũi tàu, hướng nhìn về Song Tử Tây, nơi ngọn hải đăng đang sừng sững trước mênh mông biển cả.

pct-huong1.JPG
Đoàn công tác tại lễ tưởng niệm.

Vừa đặt chân lên đảo, cái nắng khốc liệt của những ngày cao điểm mùa khô khiến không ít thành viên trong đoàn mệt mỏi, nhưng không vì thế mà các hoạt động bớt náo nhiệt. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quôc Doanh, Trưởng đoàn công tác số 5 và Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương đã cùng các cán bộ, chiến sĩ và người dân tham dự lễ chào cờ, duyệt binh; thăm nghĩa trang liệt sĩ; tặng quà và thăm hỏi, động viên các chiến sĩ cùng các hộ dân đang sinh sống trên đảo.

img_9947.jpg
 Phó Chủ tịch Trần Thị Hương tặng quà cán bộ, chiến sĩ, người dân tại đảo Song Tử Tây.

Ngoài những khoản tiền hỗ trợ và các phần quà được đoàn công tác chuẩn bị sẵn như hàng trăm thùng quà bao gồm cà phê, chè, miến, đường… hàng chục thùng rau xanh, củ, trái cây được gửi về từ các tỉnh Hội trên khắp cả nước, đã được đoàn công tác mang theo, vượt qua hàng trăm hải lý, làm quà tặng cho lính đảo.

“Đối với người dân và chiến sĩ nơi đây, chúng tôi vẫn luôn cố gắng để tăng gia sản xuất, trồng rau xanh, nuôi gia súc để cải thiện bữa ăn. Nhưng, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nước sinh hoạt khan hiếm. Những quà tặng của đoàn, rau – củ - trái cây là thứ rất quý đối với đảo”, chị Nhữ Thị Kim Chi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xã đảo Song Tử Tây, chia sẻ.

1.JPG
 Phó Chủ tịch Trần Thị Hương (phải) thăm hỏi, động viên chị em phụ nữ tại đảo Song Tử Tây.

Chiến sĩ Phan Văn Thành (23 tuổi), quê Nam Định, được điều đến công tác tại đảo đá chìm Len Đao từ giữa năm 2015, không giấu được xúc động khi được nhận những phần quà tuy đơn giản nhưng chứa đựng đầy hương vị của đất liền. "Những quả chanh, sợi miến hay trái thanh long đối với đất liền là bình thường, nhưng với những chiến sĩ tại đây, nó quý giá vô cùng. Những sản vật đó không chỉ cần thiết cho mỗi ngày, mà còn làm chúng em vơi đi nỗi nhớ nhà, bởi đó là hơi ấm, là hương vị của đất liền".

Rời Song Tử Tây, đoàn công tác tiếp tục hành trình thăm hỏi, động viên và tặng quà các chiến sĩ, hộ dân sinh sống tại các đảo Đá Nam, Nam Yết, Sinh Tồn, Len Đao. Trước khi rời thuyền xuống thăm đảo chìm Len Đao, trên con tàu 571, đoàn công tác chúng tôi đã tham gia Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa, thắp hương và thả hoa cầu nguyện cho 64 anh linh liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ đảo Gạc Ma vào năm 1988.

Không giấu được xúc động, Phó Chủ tịch Trần Thị Hương tâm sự: “Lần đầu tiên đến với Trường Sa, đứng trước biển, lòng tôi thấy rung cảm vô cùng. Đặc biệt, khi được tham gia Lễ tưởng niệm các liệt sĩ, được tận tay thả vòng hoa của Hội xuống biển, nơi các anh đã ngã xuống và mãi nằm lại, không chỉ riêng tôi mà hầu hết các thành viên trong đoàn đều không kìm được nước mắt. Họ là những người đều trạc tuổi tôi nhưng trong khi tôi được học hành và sống trong hòa bình, các chiến sĩ đã tự nguyện đến nơi đầu sóng, quyết lòng bảo vệ biển đảo và đã hy sinh. Tôi thấy cảm phục, biết ơn và ngưỡng mộ những chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc. Cảm xúc này, chắc chắn sẽ theo mình đến hết cuộc đời”.

Hành trình tiếp tục với 2 đảo còn lại là Đá Tây A, Trường Sa Lớn, đoàn công tác đã tiếp tục với những hoạt động thắp hương nghĩa trang liệt sĩ, chùa, nhà tưởng niệm Bác Hồ và thăm hỏi, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, người dân sinh sống trên đảo. Đặc biệt, tại đảo Trường Sa Lớn, Phó Chủ tịch Trần Thị Hương cùng các thành viên trong đoàn đã có buổi sinh hoạt hội với các hội viên trên đảo, lắng nghe những chia sẻ, kết quả đạt được, khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của từng hội viên.

2.JPG
 Phó Chủ tịch Trần Thị Hương tặng quà quân và dân tại đảo Nam Yết.


“Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng tôi đánh giá cao những hoạt động mà chị em đã đạt được. Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động của Hội vẫn chưa đến được đảo. Khi trở về đất liền, chúng tôi sẽ có những phương thức hoạt động phù hợp với những vùng chuyên biệt như thế này, để làm sao các hoạt động Hội không chỉ dừng ở việc liên kết với nhau chăm sóc gia đình mà còn làm điểm tựa về tinh thần cho gia đình, chiến sĩ trên đảo, phát huy vai trò của người phụ nữ Việt Nam”, Phó Chủ tịch Trần Thị Hương nhấn mạnh.

img_1109.jpg
 Đoàn công tác giao lưu, sinh hoạt cùng hội viên tại đảo Sinh Tồn.

Đoàn công tác tiếp tục hành trình với điểm đến cuối cùng là nhà giàn DK1, các thành viên trong đoàn cùng tham dự buổi tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại thềm lục địa phía Nam. Những vòng hoa, vật phẩm và từng bông cúc, hạc giấy... đã được các thành viên trong đoàn lần lượt thả xuống biển, như một cách để tưởng nhớ và biết ơn về sự hy sinh của các anh. 

 

img_2569.JPG
Phó Chủ tịch Trần Thị Hương thả hoa và hạc giấy xuống biển, tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh tại thềm lục địa phía nam.


Do điều kiện thời tiết không thuận lợi, đoàn không thể thực hiện chuyến thăm các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên Nhà giàn. Tuy nhiên, không vì vậy mà tình cảm bị chia xa. Trong cái nắng, nóng khốc liệt và sự dữ dội của từng đợt sóng làm thuyền chao đảo, hơn 200 thành viên trong đoàn công tác số 5 đã tập trung về buồng lái tàu, giao lưu với các cán bộ, chiến sĩ tại Nhà giàn DK1 bằng bộ đàm.

dsc01864.JPG
 Những nghệ sĩ tại đoàn công tác số 5 hát qua bộ đàm cho các cán bộ, chiến sĩ tại Nhà giàn DK1.
dsc01919.JPG
 Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Giang Dương Ánh Phượng hát gửi tặng cán bộ, chiến sĩ tại Nhà giàn DK1 qua bộ đàm.

Những câu hát, điệu hò, sự động viên, chia sẻ đã được các thành viên trong đoàn và chiến sĩ chuyển tải qua bộ đàm. Từng giọt nước mắt khẽ rơi khi nghe những tiếng nói vọng lại từ hai phía. Giây phút chia tay, các thành viên trong đoàn đồng loạt hô lớn: Tạm biệt Nhà giàn DK1, các anh giữ gìn sức khỏe!

Đáp lại tình cảm đó, những lá cờ được vẫy chào từ phía Nhà giàn như một cách để nói lời cảm ơn, tạm biệt và lời hứa, các anh sẽ vững tay súng nơi đầu sóng, sẵn sàng hy sinh cho sự bình yên của Tổ quốc.

Chia tay chiến sĩ, người dân tại các đảo và Nhà giàn DK1, đoàn công tác đã khép lại hành trình với rất nhiều cảm xúc, không ít thành viên trong đoàn đã kịp xin địa chỉ của gia đình các chiến sĩ tại đất liền, những lá thư, phần quà từ đảo xa cũng được các chiến sĩ trao gửi về cho người thân nơi đất liền, những cái bắt tay hẹn ngày gặp lại, những vòng ôm siết chặt, động viên các anh giữ vững tinh thần, ở lại bảo vệ chủ quyền biển đảo. Rất nhiều giọt nước mắt đã rơi, các thành viên không giấu được sự tiếc nuối bởi thời gian dành cho các cán bộ, chiếc sĩ, người dân đã khép lại. Nhưng, chúng tôi biết, cảm xúc dành cho những nơi chúng tôi đã đặt chân đến, những khuôn mặt chúng tôi đã gặp vẫn sẽ đọng lại, để tiếp tục dõi theo và hướng về, như một nguồn động lực, giúp các anh vững tâm nơi đầu sóng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn