"Mạng lưới Lãnh đạo nữ tự tin hội nhập" góp phần thúc đẩy phụ nữ tham chính

22:06 | 14/11/2022;
UNDP và Trung ương Hội LHPN Việt Nam đề ra phương hướng tiếp tục vận động nguồn lực để đầu tư cho Mạng lưới Lãnh đạo nữ tự tin hội nhập ở Thái Bình, Nghệ An, Kon Tum và nhân rộng sang các địa bàn khác

Ngày 14/11, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức chương trình đánh giá hoạt động thí điểm Mạng lưới Lãnh đạo nữ tự tin hội nhập 3 tỉnh Thái Bình, Nghệ An và Kon Tum bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu.

Tham dự chương trình trực tiếp có bà Diana Torres, Trợ lý Trưởng đại diện thường trú, Trưởng bộ phận Quản trị và Tham gia, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP); bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Uỷ viên Đoàn chủ tịch, Trưởng ban Quốc tế TƯ Hội LHPN Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Trưởng ban Dân tộc Tôn giáo, TƯ Hội LHPN Việt Nam cùng đại diện một số ban, đơn vị TƯ Hội.

Tham dự trực tuyến có ông Lê Văn Thanh, Quản lý Chương trình, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; bà Vũ Thu Hồng, cán bộ Chương trình UN Women Việt Nam; bà Phạm Trang, Trợ lý Trung tâm Hoa kỳ, Đại sứ quán Mỹ cùng Ban Thường vụ Hội LHPN các tỉnh Kon Tum, Thái Bình và Nghệ An.

Bà Diana Torres – Trợ lý Trưởng đại diện thường trú, Trưởng bộ phận Quản trị và Tham gia, UNDP (bìa trái) tham dự chương trình

Bà Diana Torres, Trợ lý Trưởng đại diện thường trú, Trưởng bộ phận Quản trị và Tham gia, UNDP (bìa trái) chúc mừng những thành công bước đầu của mạng lưới

Phát biểu khai mạc Chương trình, bà Trần Thị Anh Thu, Phó Trưởng Ban Quốc tế cho biết, Mạng lưới Lãnh đạo nữ tự tin hội nhập tại 3 tỉnh Thái Bình, Nghệ An và Kon Tum là chương trình phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam và UNDP thí điểm nhằm góp phần gia tăng kết nối và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của đội ngũ lãnh đạo nữ địa phương. Chương trình đánh giá này nhằm tổng kết các hoạt động trong năm, đồng thời đưa ra phương hương hoạt động mới và đón nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu để nâng cao chất lượng Chương trình.

Thay mặt UNDP, bà Diana Torres, Trợ lý Trưởng đại diện thường trú, Trưởng bộ phận Quản trị và Tham gia chúc mừng những thành công bước đầu mà Hội LHPN 3 tỉnh Thái Bình, Nghệ An, Kon Tum đã đạt được khi thành lập và hoạt động mạng lưới lãnh đạo này. "Chúng ta đều biết rằng phụ nữ đóng vai trò không thể thiếu trong sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên các nguồn lực đầu tư cho phụ nữ chưa được đáp ứng đầy đủ, số lượng phụ nữ tham chính còn rất khiêm tốn, đặc biệt là ở cấp thôn, bản. Chính vì vậy, sáng kiến thành lập Mạng lưới Lãnh đạo nữ tự tin hội nhập là một nỗ lực thiết thực để thúc đẩy phụ nữ tham chính, đồng thời khẳng định quan hệ đối tác sâu rộng của UNDP và Hội LHPN Việt Nam trong thời gian qua" - bà Diana Torres nhấn mạnh.

"Mạng lưới Lãnh đạo nữ tự tin hội nhập" góp phần thúc đẩy phụ nữ tham chính - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quốc tế TƯ Hội LHPN Việt Nam báo cáo hoạt động thí điểm của Mạng lưới lãnh đạo nữ tự tin hội nhập năm 2022

Tại Chương trình đánh giá lần này, bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quốc tế TƯ Hội LHPN Việt Nam đã báo cáo hoạt động thí điểm của Mạng lưới lãnh đạo nữ tự tin hội nhập năm 2022. Theo đó, với sự hỗ trợ của UNDP, TƯ Hội đã phối hợp với Hội LHPN 3 tỉnh thành lập được mạng lưới với sự tham gia hưởng ứng đông đảo của nhiều chị em. Một số hoạt động ban đầu đã triển khai được cho các mạng lưới như: Tổ chức các lớp tập huấn về các nội dung liên quan tới vấn đề giới và hội nhập quốc tế, tổ chức Hội thảo "Lãnh đạo nữ truyền cảm hứng" với sự tham gia chia sẻ của bà Lê Thị Thu Hằng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (tại Thái Bình và Nghệ An); bà Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao (tại Kon Tum) và đại diện phụ nữ tiêu biểu tại các địa phương.

Bà Hoài Linh đánh giá cho rằng về cơ bản, hoạt động nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền cũng như đội ngũ lãnh đạo nữ tại địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của UNDP trong quá trình triển khai. Tại các buổi tập huấn, Ban tổ chức thường kết hợp cả trao đổi lý thuyết và thực hành kỹ năng giúp các học viên tiếp cận nhiều kiến thức về giới, lãnh đạo, lễ tân đối ngoại, vấn đề hội nhập, đồng thời có cơ hội được trao đổi, thảo luận, giúp ích cho quá trình hoàn thiện bản thân, phát triển con đường sự nghiệp và tăng cường kết nối. Các hội thảo giúp tạo cảm hứng, động lực để chị em tiếp tục phấn đấu, vượt qua khó khăn đồng thời kết nối, hỗ trợ lẫn nhau.

Các đại biểu tham dự trực tiếp nghe đóng góp ý kiến từ các điểm cầu trực tuyến

Các đại biểu tham dự trực tiếp nghe đóng góp ý kiến từ các điểm cầu trực tuyến

Theo đánh giá của các học viên, nội dung tập huấn rất phù hợp với đội ngũ lãnh đạo hiện nay, giúp các học viên nắm bắt được những kiến thức, thông tin, rèn luyện được những kỹ năng mới và trở nên tự tin hơn trong quá trình hội nhập quốc tế. Đại diện Mạng lưới Lãnh đạo nữ hội nhập của các địa phương đã báo cáo những hoạt động tâm đắc, đồng thời đưa ra những đề xuất, định hướng hoạt động trong thời gian tới

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn thách thức do việc thành lập mạng lưới là tương đối mới với các địa phương nên quá trình triển khai ban đầu còn khá lúng túng và cần thời gian để khởi động. Tuy nhiên, UNDP và Ban Quốc tế TƯ Hội LHPN Việt Nam cũng đề ra phương hướng sẽ tiếp tục vận động nguồn lực để đầu tư cho mạng lưới ở 3 tỉnh nói trên, đồng thời nhân rộng sang các địa bàn khác. Vì thế, sự chủ động của Hội, chị em thành viên cũng như sự ủng hộ, hỗ trợ, phối hợp của cấp ủy, chính quyền, các sở ngành, tổ chức ở địa phương để chương trình có thêm nguồn lực hoạt động là rất quan trọng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn