Nhà em Ly Mí Sình ở thôn Há Pia, xã Sủng Trái (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) may mắn không quá xa nguồn nước. Nhưng mỗi lần lấy nước, em và mẹ cũng mất một tiếng rưỡi mới cõng được can nước về. Nhà Sình cũng như biết bao gia đình khác tại huyện Đồng Văn - vùng lõi của Cao nguyên đá cứ vào mùa khô là trở thành "vùng đất khát''. Thời gian thiếu nước sinh hoạt thường kéo dài từ tháng 9 năm trước đến hết tháng 4 năm sau.
Để có nước sinh hoạt, người dân phải đi bộ hàng chục km và hứng nước nửa ngày mới đủ nước sinh hoạt dùng trong 4-5 ngày cho gia đình. Nước chủ yếu chỉ được dùng để uống và nấu ăn. Nước ăn dùng còn hạn chế, vì vậy nước sinh hoạt cho tắm giặt trong mùa khô càng thiếu thốn hơn. Nước dùng trong sinh hoạt, người dân luôn tận dụng tối đa; một gáo nước sau khi vo gạo còn phải được tận dụng để rửa rau sau đó hứng cho gia súc uống hoặc tưới rau, rửa chân…
Việc cõng nước cũng rất vất vả, đặc biệt là đối với phụ nữ và các em gái. Nếu đến Hà Giang, mọi người sẽ thấy được phụ nữ vùng cao ngoài 40 tuổi lưng đã còng, đi đã bắt đầu cúi khom… Tất cả gánh nặng chủ yếu trên đôi vai, lại là đôi vai phụ nữ. Thiếu nước, nên việc vệ sinh của bà con càng hạn chế hơn. Cũng vì thiếu nước, công việc chăn nuôi, trồng trọt nơi đây cũng rất vất vả.
Có nước về, cuộc sống đổi thay
Hiểu được giá trị của nước lớn lao như thế nào đối với đồng bào trên Cao nguyên đá, dự án Tặng bồn nước cho đồng bào trên cao nguyên đá đã được một nhóm bạn trẻ, là con em đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang thực hiện. Với sự giúp đỡ tài chính của các mạnh thường quân, những chiếc bồn nước 1200 lít được trao tặng, giúp bà con có thể hứng nước mưa, tích trữ nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày và phục vụ lao động sản xuất.
Những chiếc bồn giúp bà con tích trữ nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày và yên tâm lao động sản xuất.
"Tính đến thời điểm hiện tại Dự án đã trao tặng được 801 bồn nước loại 1200 lít (loại bồn đứng trị giá mỗi bồn 1.790.000 đồng/bồn) và 04 bồn 2000 lít (loại bồn nằm trị giá: 3.600.000 đồng/bồn) cho bà con tại 14 xã trên địa bàn 3 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh. Cùng với việc trao bồn nước, các thành viên tham gia dự án còn đi khảo sát từng nơi, hướng dẫn lắp đặt, sử dụng. Việc này đòi hỏi phải dành nhiều thời gian, tâm huyết, vì địa bàn sinh sống của bà con rộng, xa, dân cư bố trí rải rác trên núi cao, nói nhiều ngôn ngữ dân tộc khác nhau, cần phải hướng dẫn cặn kẽ, cụ thể.
Niềm vui của bà con khi được tặng bồn nước
Nhờ được tặng bồn nước, chị Ly Mí Pà, thôn Sủng Khúa A, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn đã có chỗ để hứng nước mưa. Chị không phải mất nửa ngày để đi lấy nước, có nhiều thời gian để dọn dẹp, chăm sóc gia đình. Váy áo cũng được giặt sạch sẽ. Không chỉ có nước để sinh hoạt, chị còn chăn nuôi thêm phát triển kinh tế. Trước đây, vì thiếu nước, nên trên Cao Nguyên Đá rất hiếm ngan, vịt. Giờ, chị đã mạnh dạn nuôi được vài con ngan.
Dự án Tặng bồn nước cho đồng bào trên cao nguyên đá rất mong nhận được nhiều hơn nữa sự chung tay của tất cả mọi người để cùng mang nước về với bà con vùng cao Hà Giang.
Nếu quan tâm đến dự án này, bạn có thể liên hệ: Văn phòng Hà Giang Trẻ, Số 15C, đường Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang, ĐT: 0889.73.73.79
Có nước về, cuộc sống của bà con nơi cao nguyên đá dần đổi thay, ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, ý thức bảo vệ môi trường cũng được nâng cao. "Nhìn những đôi vai gầy, những bàn tay nút nẻ, đen sạm, khuôn mặt khắc khổ, nhưng đôi mắt sáng, đẩy ánh nhìn về phía chúng tôi nói "So Sanh" (Tiếng Mông - Cảm ơn) khi nhận buồn nước là chúng tôi thấy hạnh phúc rồi". Anh Giàng A Phớn, công ty Hà Giang Trẻ, đại diện Dự án chia sẻ.
Dù tặng bồn nước mới chỉ là giải pháp tạm thời. Bà con còn cần rất nhiều chính sách hỗ trợ bền vững để phát triển sản xuất, nhưng những chiếc bồn nước này đã góp phần không nhỏ thay đổi cuộc sống, sinh hoạt nơi vùng cao, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới nơi cao nguyên đá.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn