'Mang thai hộ phải là ngành kinh doanh có điều kiện'

14:27 | 18/11/2016;
Các đại biểu không đồng tình việc bãi bỏ ngành nghề kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
dai-bieu-vu-thi-nguyet.jpg
 Đại biểu Vũ Thị Nguyệt, đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 17/11, các đại biểu thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt, đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, thể hiện quan điểm không đồng tình với việc bãi bỏ 2 ngành nghề Kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô và Kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Ban soạn thảo đưa ra lý do bãi bỏ là “các hoạt động này không nhằm mục đích kinh doanh”; như vậy là “không thuyết phục” và “không phù hợp với thực tế”, đại biểu Nguyệt nói.

Về Kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, theo đại biểu Nguyệt, luật này cần quy định cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Điều này đã được quy định rõ và chặt chẽ trong Luật Hôn nhân và Gia đình. Việc mang thai hộ phải sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ và đương nhiên phải trả chi phí. Đại biểu Nguyệt kiến nghị: “Nên giữ lại ngành này là ngành kinh doanh có điều kiện để các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ này hoàn thiện, nâng cao điều kiện trang thiết bị, trình độ, nhân lực để phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân”.

tre-dau-tien-tu-mang-thai-ho.jpg
1 đứa trẻ ra đời từ mang thai hộ tại Việt Nam (nguồn: Internet)

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thị Yến, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, cho rằng: Trong Luật Hôn nhân và Gia đình tại Điểm g, Khoản 2, Điều 5 chỉ quy định cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại, và dành một số điều quy định về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Như vậy, các cơ sở y tế cả công và tư vẫn được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và có thu phí dịch vụ.

Bên cạnh đó, các kỹ thuật này ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mạng, sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Theo đại biểu Yến, việc kinh doanh dịch vụ kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không phải là ngành, nghề kinh doanh bị cấm, nhưng cần quy định điều kiện rất chặt chẽ. Đối chiếu với quy định tại Khoản 1, Điều 7 Luật Đầu tư quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đại biểu Lê Thị Yến đề nghị “giữ lại ngành kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện”.

Giải trình nội dung này trước Quốc hội, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Nhiều đại biểu không đồng ý bãi bỏ 2 ngành nghề Kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô và Kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Ban soạn thảo đã hội ý và xin ý kiến thống nhất của các Bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý tiếp thu ý kiến của đại biểu. “Chúng tôi xin không bỏ 2 lĩnh vực này”, ông Dũng khẳng định.

Về ngành kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô, đại biểu Vũ Thị Nguyệt cho rằng, y học tái tạo đang phát triển và sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Việc lưu trữ mô của cơ thể, có lưu trữ tế bào gốc sẽ là lựa chọn tin cậy cho nhiều gia đình muốn lưu trữ tế bào gốc cho con như một loại bảo hiểm sinh học cho tương lai con em mình.

Theo Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác thì có nêu nguyên tắc việc hiến, lấy những bộ phận này “không nhằm mục đích thương mại” mà cũng “không cấm kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô”. Đại biểu Vũ Thị Nguyệt cho rằng, luật chỉ cấm coi các mô, bộ phận cơ thể người là đối tượng kinh doanh, mua bán, trao đổi từ người này sang người khác. Còn luật không nên cấm kinh doanh dịch vụ được sử dụng để thu thập, xử lý và lưu trữ mô phục vụ nhu cầu sử dụng sau này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn