Khi chia tay, chồng để lại hết tài sản cho tôi, còn anh đưa con ra nước ngoài định cư. Con lúc ấy 5 tuổi, đến giai đoạn phải đi học. Tôi đã nghĩ, môi trường ở Canada sẽ giúp con phát triển tốt nên khi chồng cũ đề xuất phương án này, tôi nén mọi đau buồn để đồng ý. Nhưng người thân, bạn bè đều trách tôi ích kỉ, tham lam mới chọn xa con.
Tôi từng tin mình có thể đón nhận mọi điều trong cuộc sống, mạnh mẽ vượt qua nó. Nhưng khi phát hiện chồng thay lòng đổi dạ, không còn muốn chung sống cùng nhau, tôi dường như đánh mất chính mình. Tôi chìm trong đau khổ, hận thù. Sau đó, chồng tôi đề nghị ly hôn và tôi đã đồng ý.
Sau 3 năm, nghĩ về chuyện đó, tôi vẫn không thể thở nổi. Bề ngoài nhìn vào, mọi người nghĩ tôi đã quên được mọi chuyện, tươi cười, vui vẻ. Nhưng thực ra, cảm giác buồn đau như chỉ mới vừa xảy ra hôm qua. Tôi nhớ con tới quặn lòng, nhớ từng giọng nói và cả giọt nước mắt của nó. Tôi không biết tới khi nào vết thương ấy mới dừng rỉ máu. Nhưng tôi biết, một trong những lý do khiến tôi càng đau đớn là sự mỉa mai, giễu cợt của mọi người, trong đó có gia đình.
Đợt vừa rồi tôi về quê ăn Tết, chị gái tôi lại nói những điều khiến tôi đau lòng. Trong lúc tôi đang nấu cơm trong bếp, chị ấy nhỏ to với mẹ: "Chẳng biết dạo này nó có nhắn hỏi thăm cháu ở bên kia sống như thế nào không? Chẳng hiểu nó làm mẹ thế nào mà không biết nhẫn nhịn, ly hôn là ly hôn. Cứ thấy người ta để lại tiền của là việc gì cũng đồng ý!".
Mẹ tôi ậm ờ rồi tỏ ra lo lắng: "Tao cũng nuôi dạy cho nó ăn học đàng hoàng, không hiểu nó nghĩ gì nữa!". Trái tim tôi như bị bóp nghẹn và không thể thở được. Tại sao mọi người không hỏi trực tiếp và tâm sự chân thành, để tôi có thể nói ra nỗi lòng của mình? Có lẽ vì chẳng ai muốn động vào nỗi đau ấy nhưng lại làm một cách khác làm tôi đau đớn.
Chỉ cần tôi bước chân ra khỏi nhà, hàng xóm lại chạy ngay ra hỏi thăm: "Thế dạo này có người yêu mới chưa?", "Bây giờ không nuôi con thì khác gì gái tân. Nhưng yêu cũng phải chú ý, cẩn thận, không yêu phải đứa đểu nó lừa hết nhà với xe mà chồng cũ để lại đấy!".
Bằng cách này hay cách khác, mọi người làm tôi mệt mỏi. Vậy nên rất ít khi tôi muốn về nhà. Chỉ khi nào có việc, hoặc bố mẹ bị ốm, tôi mới về nhà thăm. Có lẽ càng như vậy, những tiếng xấu về đứa con gái này lại càng khiến bố mẹ tôi phải đau lòng.
Hàng vạn lần tôi mong muốn mọi người dừng lại những suy nghĩ, cách soi mói, mặc kệ tôi ra sao, chị ạ.
Minh Hằng (Hà Nội)
Cảm ơn em đã viết thư chia sẻ với Thanh Tâm. Cuộc sống có những điều xảy ra mà chúng ta không thể biết trước được. Thất bại trong hôn nhân là một nỗi đau mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu thấu.
Theo một cách nào đó, những người ngoài lại đem những suy nghĩ của bản thân để đánh giá và nhận xét những đau khổ của người khác. Quan tâm không đúng cách sẽ khiến người khác bị tổn thương, làm cho vết thương chẳng thể nào lành.
Ly dị và không nuôi con, đâu có nghĩa là không suy nghĩ gì cho con cái, ích kỉ chỉ nghĩ tới bản thân mình. Những nỗi đau ấy chỉ Hằng hiểu, người ngoài cảm nhận sẽ khác nhau.
Giống như Hằng mong muốn, người thân hãy hỏi thẳng em, đừng có nói sau lưng mọi việc của em. Nhưng có lẽ, người nhà cũng mong em không ôm nỗi đau của mình quá chặt, chia sẻ những trăn trở của mình cho mẹ hay chị gái hiểu.
Bố mẹ nào cũng mong muốn con cái của mình được chăm sóc, chia sẻ, yêu thương. Em đừng ngại khóc hay đứng dậy bên sự động viên của người thân, em nhé. Vết thương không hết sẹo nhưng nếu được chăm sóc sẽ bớt làm em đau đớn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn