Mạng xã hội là nguồn cơn của chứng "nghiện điện thoại"

19:35 | 27/11/2020;
Nghiên cứu cho thấy, trò chuyện nhóm trên các mạng xã hội là nguồn cơn dẫn đến chứng nghiện điện thoại. Các ứng dụng này khiến người dùng điện thoại một cách vô thức dù nội dung của chúng không mấy quan trọng.

Kết quả nghiên cứu từ Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn (LSE) của Anh cho thấy, phản ứng với thông báo từ các ứng dụng không phải là nguyên nhân hàng đầu khiến ngày càng có nhiều người nghiện điện thoại thông minh. Nghiên cứu được thực hiện bởi Maxi Heitmayer và Giáo sư Saadi Lahlou tại LSE và được công bố trên trang Science Direct.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành theo dõi dữ liệu sử dụng điện thoại thông minh của 37 người ở độ tuổi trung bình là 25 ở các quốc gia Anh, Đức và Pháp. Kết quả cho thấy, 89% hành vi tương tác với điện thoại là không có lý do. Trong khi đó, chỉ 11% việc sử dụng điện thoại đến từ các thông báo ứng dụng.

Theo nghiên cứu, sự thôi thúc của người dùng tương tác với điện thoại của họ dường như xảy ra theo cách gần như "tự động", giống như một người hút thuốc sẽ có thói quen châm thuốc.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, những cuộc trò chuyện nhóm trên các mạng xã hội là "nguồn cơn" thôi thúc những người tham gia nghiên cứu sử dụng điện thoại thông minh. Ngoài ra, lướt tin mới từ trang chủ của các ứng dụng Facebook và Instagram chiếm phần thời gian lớn nhất.

Bằng việc trang bị camera để quay lại màn hình điện thoại hàng ngày của những người tham gia nghiên cứu, nhóm thực hiện đã ghi nhận được tổng cộng 1.130 lượt tương tác với điện thoại thông minh. Kết quả về tỷ lệ sử dụng các ứng dụng được sắp xếp như sau:

- WhatsApp: 22%

- Kiểm tra màn hình khóa (để xem có thông báo nào không): 17%

- Instagram: 16%

- Facebook: 13%

- Email: 6%

- Cuộc gọi: 1%

Nghiện điện thoại - đâu là nguyên nhân thực sự? - Ảnh 1.

Hình ảnh từ camera ghi lại hoạt động sử dụng điện thoại của những tình nguyện viên. Ảnh: BBC

Mặc đù các cuộc hội thoại nhóm trên các nền tảng mạng xã hội được xem là "nguồn cơn" của việc nghiện điện thoại, nhiều người dùng cho biết, nội dung của chúng thực sự không mấy quan trọng. Trong khi đó, email được xem là thông báo quan trọng nhất đối với những người dùng tham gia nghiên cứu. Ngoài ra, người sử dụng cũng dành ít thời gian cho điện thoại hơn khi ở với người khác và tương tác với điện thoại nhiều hơn khi di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc ở nhà.

Nhiều người tham gia rất bất ngờ khi nhận được dữ liệu về thời gian sử dụng điện tthoại của mình. Một trong số đó chia sẻ, "Tôi từng nghĩ mình không phải một con nghiện điện thoại cho đến khi biết kết quả cuộc khảo sát này. Có những lúc mà khi nhìn lại tôi mới nhận thấy lúc ấy mình đã dành một khoảng thời gian dài để lướt điện thoại".

Giáo sư Saadi Lahlou, đồng tác giả của nghiên cứu và là chủ nhiệm khoa Tâm lý xã hội tại LSE cho biết, hành động kiểm tra điện thoại dường như đã trở thành nhu cầu của nhiều người thay vì sử dụng thiết bị này như một phương tiện để liên lạc.

"Đây là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt đối với trẻ em. Dường như chúng ta đang quá phụ thuộc và mất kiểm soát đối với các thiết bị công nghệ. Chúng ta cần biết cách tránh khỏi cám dỗ từ điện thoại khi cần tập trung vào công việc hoặc dành thời gian cho những mối quan hệ xã hội lành mạnh. Dù sao vài tiếng đồng hồ không lướt điện thoại cũng chẳng có chuyện gì quá nghiêm trọng xảy đến", giáo sư Lahlou nhấn mạnh.

Tiến sĩ Linda Kaye từ Khoa Tâm lý học tại Đại học Edge Hill (Anh) cho biết, cần phải nghiên cứu thêm để hiểu mục đích sử dụng điện thoại thông minh có liên quan đến thực hiện một chức năng cụ thể hoặc chỉ thực hiện một thói quen của người dùng.

Điều này có thể giúp khám phá thêm về việc liệu những hành vi này có được thúc đẩy bởi những nhu cầu cụ thể của con người hay không; nếu có thì giúp đáp ứng những nhu cầu này như thế nào hay chúng chỉ đơn giản là những hành vi vì lợi ích của người sử dụng điện thoại.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn