Trong chương trình hội chợ dành cho phụ nữ khởi nghiệp tại tỉnh Hòa Bình, PNVN đặc biệt ấn tượng với người phụ nữ dân tộc Mường có nụ cười đôn hậu này. Chị là Hoàng Thị Thức, giám đốc HTX nông sản hữu cơ Đồng Sương, huyện Lương Sơn. Luôn tay giới thiệu từng món hàng HTX với niềm tự hào lấp lánh trên ánh mắt, chị Thức chia sẻ, để đi được đến ngày hôm nay, với chị, đó là một chặng đường khá dài và không ít chông gai.
Bỏ việc kế toán đi làm rau sạch
Chị Hoàng Thị Thức nhớ lại, cách đây đúng 10 năm, được một tổ chức của Đan Mạch tài trợ, có một nhóm nhỏ nhen nhóm ý tưởng làm nông nghiệp hữu cơ. Lúc đó, trong thôn chưa ai biết cũng như chưa được tiếp cận với hình thái sản xuất canh tác nông nghiệp hữu cơ tạo ra sản phẩm nông sản an toàn và nguồn thu giá trị. Cho đến khi huyện định hướng và lựa chọn thôn Đồng Sương làm điểm sản xuất mô hình canh tác nông nghiệp hữu cơ, tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo hội viên thực hành sản xuất theo phương pháp mới, nhận thức, tư duy và hành động của bà con đã thay đổi tích cực.
Ban đầu từ 8 thành viên phụ nữ, họ được hội LHPN xã và huyện Lượng Sơn cho học các lớp tập huấn sản xuất rau an toàn, để vận dụng vào quy trình sản xuất của gia đình.
Bắt tay vào trồng rau không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng hay bất kì một loại hóa chất nào trong quy trình sản xuất, chị Thức đã bắt đầu nhận thấy ý nghĩa và hiệu quả của phương pháp canh tác này đối với sức khỏe của chính bản thân mình, gia đình mình, môi trường và cộng đồng. Niềm đam mê lớn dần trong chị cùng với những khát khao được phát triển thành ý tưởng kinh doanh để làm giàu cho gia đình, tạo thêm nhiều công việc cho lao động địa phương, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Chính vì vậy, khi chương trình tài trợ của Đan Mạch kết thúc, chị vẫn cùng các chị em trong xã tiếp tục con đường sản xuất hữu cơ đang bắt đầu nhen nhóm. Đó cũng là thời gian, chị Thức đưa ra quyết định gây bất ngờ đối với không ít người: từ bỏ công việc ổn định đang làm - là một kế toán doanh nghiệp lâu năm, để đi theo tiếng gọi của rau, của quả. Với những người nông dân đang tìm mọi cách để đi thoát ly, khỏi phải chân lấm tay bùn ngoài ruộng đồng, đó là một quyết định "sai lầm".
Nhưng trong suy nghĩ của chị Hoàng Thị Thức, đây là một quyết định đúng đắn và phải bằng mọi cách chứng minh cho mọi người thấy, đó là quyết định sáng suốt của mình.
Những ngày tháng sau đó, chị dành nhiều thời gian để tìm hiểu về nông nghiệp hữu cơ, để đi tìm hiểu thị trường, phát triển sản phẩm. Từ những kiến thức học được từ các lớp tập huấn làm rau an toàn, chị vận dụng vào sản xuất và vận động chị em làm theo quy trình được học. Ban đầu, chị em cũng rất khó khăn, vì diện tích đất trồng chưa được quy hoạch. Sau nhiều thời gian thuyết phục, chị đã nhận được sự hợp tác của bà con, để thành lập một khu sản xuất hữu cơ.
Mạnh dạn thay đổi, biến ước mơ thành hiện thực
Ngày 18/9/2017, HTX nông sản hữu cơ Đồng Sương được thành lập với 33 thành viên. Sản phẩm họ làm ra là rau xanh, là đậu đỗ, là các loại nông sản của địa phương theo quy trình sạch và an toàn. Những hộ thành viên trong hợp tác xã không ngừng chăm chút cho sản phẩm của mình. Ban ngày trồng cấy, thu hái, tối đến cần mẫn phân loại đóng gói, sáng sớm tập hợp để xếp hàng ra xe, giao đến cho các đại lý. Để đưa được sản phẩm tốt nhất ra thị trường, tất cả các thành viên đều phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cung cấp cho người tiêu dùng những mặt hàng nông sản an toàn, chất lượng bảo đảm.
Nhưng để tiếp cận được với thị trường là cả những chuỗi ngày dài nỗ lực không ngừng. Rau làm ra dù đạt tiêu chuẩn, nhưng chưa có thương hiệu. Ở huyện, ở tỉnh, chỗ nào có các hội nghị, hội thảo giới thiệu sản phẩm, hội chợ kết nối cung cầu chị Thức và các thành viên trong hợp tác xã đều cố gắng tham gia, để giới thiệu sản phẩm của mình đến các đơn vị kinh doanh, tìm đầu ra cho sản phẩm. Mỗi người nông dân trở thành một đại sứ giới thiệu các sản phẩm hữu cơ của mình đến với cộng đồng, vừa để lan tỏa sản phẩm, vừa để tất cả mọi người đều biết đến và dùng sản phẩm sạch.
Từng bước giới thiệu và phát triển sản phẩm, bây giờ, khách hàng đã tự tìm đến HTX, đầu ra ổn định và họ đang tiếp tục mở rộng, phát triển. Để tạo thương hiệu riêng cho mình, họ đã quyết định đầu tư vào bao bì sản phẩm, dán tem truy xuất nguồn gốc để khách hàng dễ dàng tìm kiếm thông tin, minh bạch quá trình sản xuất…
Đến nay, vùng sản xuất rau hữu cơ đã mở rộng đạt hơn 3 ha, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 70 tấn rau, củ, quả các loại. Chị Hoàng Thị Thức cho biết, thu nhập của các hộ thành viên HTX trực tiếp tham gia sản xuất đã cải thiện rõ rệt, bình quân đạt được 5 triệu/người/tháng, có nhiều người đạt từ 8 đến 12 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Ngoài rau, củ quả, đặc sản sạch của địa phương, HTX đang mở rộng chăn nuôi gà sạch và được Hiệp hội hữu cơ VN phê duyệt dự án cây lúa nuôi gà trong mô hình khép kín. Bên cạnh đó, chị Hoàng Thị Thức cũng đap ấp ủ ý tưởng xây dựng một khu du lịch sinh thái, có nhà, có vườn, có hồ, có suối để du khách vừa thăm quan sản phẩm hữu cơ, vừa tận hưởng không gian trong lành, mát mẻ, thơ mộng.
Mạnh dạn thay đổi, biến những ước mơ của mình thành hiện thực, chị Hoàng Thị Thức đã tiếp thêm động lực cho nhiều phụ nữ vùng cao quyết tâm khởi nghiệp từ những sản vật của vùng đất đồi núi Hòa Bình.