Mập mờ khái niệm “trường quốc tế”?
Ngay sau vụ việc bé trai lớp 1 trường Gateway tử vong trên xe đưa đón của trường gây rúng động dư luận, phụ huynh Hà Nội đặt nỗi hoang mang và nghi ngờ về một trường học có chất lượng quốc tế nhưng quản lý quá tắc trách. Sự nghi ngờ của họ đúng là không đặt sai chỗ. Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, ông Phạm Ngọc Anh, thừa nhận Hà Nội không có khái niệm trường “tiểu học quốc tế”, đó là các trường tự phong để thu hút phụ huynh học sinh. Không chỉ trường Gateway, Hà Nội hiện có rất nhiều trường “quốc tế” tự phong. Cả quận Cầu Giấy - “thủ phủ” của hàng loạt cơ sở giáo dục được phụ huynh đánh giá cao - chỉ có 2 trường có yếu tố nước ngoài, theo ông Ngọc Anh.
Thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, hiện tại, ở Hà Nội chỉ có 7 trường quốc tế đang hoạt động. Còn hầu hết những trường có gắn thêm chữ “quốc tế” nhưng thực tế không được công nhận. Như vậy, không ít trường quốc tế ở Hà Nội hiện nay do các trường tự phong. Lợi dụng tâm lý “sính ngoại” của không ít phụ huynh, nhiều trường ở Hà Nội vẫn tự ý dán mác “quốc tế” để hút nguồn tuyển và có lý do chính đáng để đưa mức học phí lên “trên trời”. Có nhiều trường, mức học phí lên đến gần nửa tỷ đồng mỗi năm
Thực trạng này không chỉ diễn ra ở Hà Nội. Tại TP.HCM, một lãnh đạo sở G&ĐT thành phố từng thừa nhận rằng, đang có sự nhầm lẫn rất lớn giữa “trường tư thục” và “trường có yếu tố nước ngoài” hay còn gọi là trường quốc tế ở TP.HCM. Theo vị này, những trường tư thục đã được phép giảng dạy các chương trình quốc tế hoặc chương trình tích hợp tự gắn mác trường quốc tế. Cách thức mập mờ này khiến phụ huynh nghĩ rằng đó là trường quốc tế. Trong khi đó, hồ sơ của một trường quốc tế đúng nghĩa đòi hòi sự chặt chẽ như phải do tổ chức nước ngoài thành lập, có vốn đầu tư nước ngoài, dạy chương trình do nước ngoài biên soạn. Mặc dù vốn đầu tư nước ngoài, dạy theo chương trình nước ngoài nhưng các trường này vẫn chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân các cấp, của Sở GD&ĐT.
Theo số liệu công bố trên website của Sở GD&ĐT TPHCM, tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố chỉ có 21 trường phổ thông có yếu tố nước ngoài. Đây là 21 trường đã được cấp phép và công nhận là trường có yếu tố nước ngoài (hay còn gọi là trường quốc tế), những trường không nằm trong danh sách này thì chỉ được gọi là trường tư thục. Tuy nhiên thực tế, con số trường chính thức đăng tải thông tin là “trường quốc tế” trên website nhiều hơn con số 21 này nhiều.
Cần khẩn trương rà soát các trường mang danh quốc tế
Ngày 8/8, trong chương trình thanh, kiểm tra tại Hà Nội, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội sớm tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh, với sự hoang mang, lo lắng sau vụ việc thương tâm ở trường Gateway, cho rằng việc rà soát nói trên cần phải thực hiện khẩn trương khắp cả nước.
Chị Lại Thu Hằng (phố Hoàng Hoa Thám, Q.Ba Đình, Hà Nội) cho biết, sự việc đau lòng ở trường Gateway là bài học đắt giá cho nhiều trường học trong vận hành xe bus tuyến, nhưng cũng là bài học để các cơ quan quản lý chấn chỉnh hoạt động kiểm soát trường có yếu tố quốc tế. “Sau vụ việc, chúng tôi mới tá hỏa khi thấy rằng hóa ra có sự lập lờ đánh lận con đen trong việc quy định trường quốc tế, bởi học phí của những trường này cao gấp 3, thậm chí nhiều hơn rất nhiều so với các trường tư thục khác. Hóa ra họ cũng chỉ là những trường tư thục có chương trình giảng dạy quốc tế mà thôi! Việc thanh tra vì thế phải làm khẩn trương để giải tỏa lo lắng cho phụ huynh, tránh đặt nhầm niềm tin!”, chị Hằng bức xúc.
Trong khi chờ đợi những bước đi tiếp theo của cơ quan quản lý, hiện nhiều phụ huynh chia sẻ với nhau thông tin khi muốn nhập học cho con ở trường có yếu tố quốc tế. Theo đó, trước hết cần yêu cầu nhà trường cung cấp Giấy phép thành lập trường. Nhiều chuyên gia pháp lý cũng khuyến nghị, các bậc phụ huynh khi chọn trường cho con cần tìm hiểu kỹ về môi trường học tập, tránh lựa chọn theo tên. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cũng cần có những văn bản quy định chặt chẽ về các loại, tên trường, các loại hình trường học trong đó có cần phân loại để làm rõ thế nào là trường quốc tế, trường tư thục trong nước. Tránh trường hợp một số cơ sở lợi dụng sơ hở, nhập nhèm, dùng mác “quốc tế” để lừa dối phụ huynh, học sinh.
Không tồn tại khái niệm “quốc tế” khi đặt tên trường - Ngoài những trường quốc tế do các cơ quan ngoại giao thành lập là trường Liên Hiệp Quốc UNIS, trường trung học Alexandre Yersin của Đại sứ quán Pháp, trường của Đại sứ quán Nhật, Hàn Quốc, Nga… , còn đối với trường có vốn đầu tư nước ngoài, khái niệm trường quốc tế không được định nghĩa theo pháp luật. Cụ thể, Điều 29 Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ quy định đối với Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài: Đối với trường, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng. Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư… - Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) quy định, Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau đây: Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên. Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động. Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước. Như vậy, tại Việt Nam chưa có quy định về trường quốc tế và cũng không có văn bản hay tiêu chuẩn cụ thể nào cho những ngôi trường này. |