Ngày 1/1/2020, Masan đã chính thức công bố Nghị quyết của Hội đồng quản trị liên quan đến thương vụ giữa Vingroup và Masan.
Hội đồng quản trị Masan quyết định thông qua việc hoán đổi cổ phần giữa tập đoàn này với Vingroup. Theo đó, Masan nhận 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của Công ty cổ phần phát triển thương mại và dịch vụ VCM (viết tắt: VCM), đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ Vinmart, Vinmart+ và công ty nông nghiệp VinEco (thuộc Tập đoàn VinGroup).
Masan phát hành quyền chọn được nhận cổ phần của một công ty hợp nhất là công ty con của công ty và công ty hợp nhất này sẽ sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp và vận hành cả 2 công ty gồm: VCM và Công ty TNHH MasanConsumerHoldings (còn gọi là Giao dịch hợp nhất).
Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc ông Danny Le - Trưởng Bộ phận Chiến lược và Phát triển của công ty - được ủy quyền quyết định các điều khoản và điều kiện cụ thể.
Sau khi Masan nắm quyền điều hành, toàn bộ khách hàng của VinCommerce sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi của Vingroup, đặc biệt là các chính sách đặc quyền thẻ VinID dành cho khách hàng.
Theo thỏa thuận, Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông. Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart+ tại 50 tỉnh/thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.
Sau khi tiếp quản, Masan Consumer Holding vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách đối với nhà cung cấp. Các cán bộ nhân viên của VinMart & VinMart+ sẽ được tiếp tục kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.
Masan hướng tới thương vụ 46 triệu USD khác
Trước đó, ngày 24/12/2019, Masan cũng đã công bố việc thành lập Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (HXN-UPCoM: MCH) - một công ty thành viên thuộc ngành hàng Chăm sóc cá nhân và gia đình. Công ty này đã đưa ra đề nghị chào mua công khai lên đến 60% cổ phần của Công ty cổ phần Bột giặt Net (tức: NetCo) với giá 48.000 đồng/cổ phiếu.
Thương vụ chào mua này tương đương định giá công ty ở mức 46 triệu USD (hơn 1.000 tỉ đồng). Giao dịch này nhất quán với chiến lược 5 năm của Masan nhằm mở rộng danh mục sản phẩm và mang đến lợi ích tốt nhất cho 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam.
Masan xác định, chăm sóc cá nhân và gia đình là một trong những lĩnh vực lớn nhất, hấp dẫn nhất tại Việt Nam với giá trị trường khoảng 3,1 tỷ USD và nhiều cơ hội phát triển nhanh chóng để xây dựng các thương hiệu nội địa vững mạnh.
“Ngành hàng Chăm sóc cá nhân và gia đình tại Việt Nam vẫn còn rất sơ khai khi so sánh với nhiều thị trường phát triển khác”.
Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan
NetCo là điểm khởi đầu chiến lược để Masan xây dựng nền tảng đa dạng hóa các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình. Thị phần hiện nay của NetCo trong ngành bột giặt là 1,5% (dẫn đầu thị trường là Unilever với 54,9% thị phần, Procter & Gamble 16%, Đại Việt Hương 11,6%, Lix 2,7% và Vico 2,4%).
MCH là công ty con của Masan. Đây là công ty thực phẩm và đồ uống lớn nhất Việt Nam, dẫn đầu trong các ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi và đồ uống. Danh mục sản phẩm của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, gồm: Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Kokomi, Vincafe, Wake-up, Wake-up 247, Vĩnh Hảo và Quang Hanh. Như vậy, sau khi hoàn tất "cuộc hôn phối" với Vingroup, Masan đang hướng tới chiến lược chào mua thương hiệu thuộc ngành hàng Chăm sóc cá nhân và gia đình mà cụ thể là mua đa số cổ phần của NetCo. Masan phân tích, nhờ vào tính tương đồng cao với 300.000 điểm bán hàng hiện nay của Masan, sự kết hợp giữa Masan và NetCo sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng mang đến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức 2 chữ số. Masan dự kiến, giao dịch này sẽ hoàn thành trong 2 tháng theo quy định chào mua.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn