Liên quan đến việc hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản do có hàm lượng acid benzoic, phía Công ty Cổ phần hàng tiêu dùng Masan đã có thông tin phản hồi.
Theo Masan, thông tin được đăng tải trên websiter của thành phố Osaka thì sự việc liên quan đến việc ghi nhãn không đầy đủ của Công ty Javis Co.,Ltd. Đây là đơn vị đã nhập khẩu 757 thùng (18.168 chai) tương ớt Chin-su cho 3 lô hàng có hạn sử dụng đến ngày 10/6/2019; ngày 17/6/2019; ngày 6/7/2019 và bán toàn bộ cho Công ty ISC Industrial Co.,Ltd.
Masan cũng cũng cho biết, thông tin được công bố trên cổng thông tin của thành phố Osaka thì nhà nhập khẩu đã thiếu sót trong ghi nhãn. Masan cũng khẳng định chưa từng xuất khẩu gián tiếp hoặc trực tiếp tương ớt Chin-su cho Công ty Javis Co.,Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co.,Ltd. Vì vậy, Macsan lấy làm tiếc về sự cố này và cho rằng, nếu Công ty Javis Co.,Ltd liên hệ với Masan để nhập khẩu chính thức thì sự cố ghi nhãn không xảy ra.
Masan cũng cho biết, hiện không có mẫu sản phẩm nên chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này, nhưng có nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam. Trên đó có ghi rõ “Dành riêng cho thị trường Việt Nam, không dành cho xuất khẩu. Exclusively for sale in Vietnam. Exports are not authorised” hoặc là sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Masan đánh giá, nhà nhập khẩu đã bị thiệt hai “thu hồi hàng” vì đã nhập khẩu nhầm sản phẩm lưu hành nội địa của công ty hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc và do lỗi ghi nhãn phụ không đầy đủ”.
Tuy nhiên, trao đổi với PNVN về vấn đề này, giám đốc một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Nhật Bản, cho biết, để đưa được thực phẩm vào nước này phải trải qua quy trình kiểm tra rất nghiêm ngặt. Ngoài việc các doanh nghiệp phải có giấy tờ đầy đủ của cơ quan chức năng Việt Nam, còn phải đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn của Nhật Bản.
Khi xuất khẩu, doanh nghiệp phải trải qua các thủ tục về hải quan, kiểm tra chất lượng sản phẩm, nhãn hàng hóa, các tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản… Ngoài ra, sản phẩm còn phải qua 3 loại kiểm tra. Thứ nhất là kiểm tra bắt buộc, được áp dụng đối với những thực phẩm có khả năng có vấn đề cao. Khi đó, thực phẩm sẽ thực hiện kiểm tra bắt buộc khi nhập khẩu. Thứ hai là kiểm tra hướng dẫn. Theo đó, cơ sở kiểm dịch sẽ xác nhận đơn vị nhập khẩu có thực hiện tốt trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm không. Thứ ba là kiểm tra giám sát, để nắm rõ tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo tính an toàn.
Hơn nữa, nếu sản phẩm áp dụng cho thị trường trong nước thì doanh nghiệp không phải ghi nhãn bằng tiếng Anh, tiếng Nhật. Nhưng qua thông tin trên website thì nhãn sản phẩm trên chai tương ớt ghi tiếng Nhật, có nghĩa sản phẩm đã được sản xuất để đưa vào Nhật Bản thì đương nhiên phải theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. “Trong vụ việc này, tôi thấy có nhiều vấn đề cần phải làm rõ”, vị giám đốc này nói.
Như PNVN đã phản ánh, trên trang thông tin của thành phố Osaka (www.city.osaka.lg.jp) ngày 2/4 có đăng tải thông tin thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su của Công ty Masan do chứa phụ gia thực phẩm acid benzoic. Điều này đã vi phạm điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản nên chính quyền thành phố Osaka đã thu hồi toàn bộ sản phẩm ớt Chin-su nhập khẩu ngày 7/12/2018 từ Việt Nam, với tổng 18.168 chai.
Hiện nay, Bộ Y tế chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản. Tuy nhiên, khi có thông tin từ báo chí, Bộ đã chủ động kiểm tra và sẽ có thông tin chính thức trong thời gian tới.