Dưới những tán dừa nước xanh mướt ở huyện Cần Giờ (TPHCM), những người nông dân khéo léo dùng dụng cụ để gõ vào từng cuống dừa, đây là công đoạn massage để những cây dừa nước cho mật. Những dòng mật ngọt ngào đã giúp nâng cao giá trị cho cây dừa nước cũng như thu nhập của người nông dân nơi đây.
Ông Phan Minh Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Dừa nước Việt Nam (Vietnipa), cho biết, trước đây, cây dừa nước chỉ để lấy cơm và lá. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến cho cây dừa nước khai thác chưa hiệu quả, diện tích dừa nước tại huyện Cần Giờ ngày càng bị thu hẹp. Trước thực trạng này, đơn vị đã tìm tòi, nghiên cứu để cây dừa nước cho mật, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Tiến, dừa nước trồng 3-5 năm có thể khai thác được mật trong thời gian kéo dài đến 50 năm. Hiện công ty đang liên kết với hơn 10 hộ nông dân trên địa bàn với tổng diện tích dừa nước hơn 10ha, đạt chuẩn hữu cơ. "Nhờ khai thác lấy mật dừa mà thu nhập của người nông dân tăng lên gấp 10-12 lần so với trước, trung bình 10 triệu đồng/người/tháng", ông Tiến nói và cho biết việc duy trì diện tích trồng dừa nước còn tạo nên một hệ sinh thái đa dạng dưới tán cây; đồng thời tạo nên "cỗ máy" hấp thụ C02 tự nhiên, góp phần giúp bảo vệ môi trường.
Bên cạnh cây dừa nước, nhắc đến Cần Giờ cũng không thể nào không nhắc đến yến sào. Với diện tích rừng ngập mặn ven biển rộng lớn, môi trường trong lành và khí hậu ôn hoà, Cần Giờ cung cấp nguồn thức ăn dồi dào và chất lượng cho chim yến, là nơi thuận tiện cho chim yến xây tổ. Hiện nay, Cần Giờ đang có có hơn 500 nhà nuôi yến, với sản lượng bình quân 11-12 tấn/năm.
Bà Phan Ngọc Diệu - Giám đốc Quản lý nhà máy Công ty Yến Đảo Cần Giờ cho biết, hiện nay, công ty thu mua yến của người dân để sản xuất, kinh doanh. "Nguồn yến của Cần Giờ là nguồn yến xanh, yến sạch từ rừng sinh quyển nên chất lượng được đảm bảo, được nghiên cứu và kiểm định từ các chuyên gia Trường Đại học Công Thương TPHCM", bà Diệu nói và cho hay đơn vị cũng kết hợp với du lịch xanh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ (TPHCM) cho biết, hiện nay, Cần Giờ có 18 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP 4 sao. Du khách đến với huyện Cần Giờ, bên cạnh việc tham quan, trải nghiệm du lịch thì cũng sẽ được tiếp cận với nhiều sản phẩm OCOP. Đây chắc chắn là những món quà tặng ý nghĩa đối với du khách trong nước cũng như quốc tế.
Chia sẻ trong khuôn khổ tour "Trải nghiệm xanh" vừa được Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tổ chức, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, ngoài những yếu tố về giá cả, chất lượng, hiện nay người tiêu dùng trẻ cũng quan tâm đến việc sản phẩm có tốt cho môi trường không. Đây có thể là những yếu tố không nằm trong những tiêu chuẩn quen thuộc của sản phẩm trước đây.
Theo bà Kim Hạnh, bên cạnh việc hiểu và thực hiện những tiêu chuẩn mới cuả nền kinh tế chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn thì các doanh nghiệp cũng đang đầu tư làm truyền thông rất nhiều cho kinh tế xanh. "Nếu không tô đậm, làm đậm yếu tố xanh thì doanh nghiệp sẽ không cân bằng được giá thành của sản phẩm tiêu chuẩn xanh khi giá sản phẩm tăng do nguyên liệu được sử dụng gần thiên nhiên, nguyên liệu tái chế, yếu tố bảo vệ môi trường", Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nói và cho rằng để kinh doanh hiệu quả thì doanh nghiệp cần phải siết chặt quản lý chi phí, chỉ nên tập trung vào một số sản phẩm thiết yếu, quan trọng theo hướng tiêu chuẩn xanh.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh, bền vững đang là xu thế phát triển của thời đại và đang trở thành vấn đề cấp bách. Trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam phải hành động nhanh, nếu không sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn