Mất 4 con vì chất độc da cam, vẫn miệt mài sẻ chia với đồng đội

16:46 | 19/05/2019;
Cô bị nhiễm chất độc da cam, sinh 4 con rồi lần lượt cả 4 đều lặng lẽ rời vòng tay mẹ. Rồi người chồng yêu thương cũng vì bệnh tật và những cú sốc, không thể gắng gượng nổi cũng lặng lẽ ra đi... Vậy mà ngày ngày cô vẫn cần mẫn, lặng lẽ kết nối, sẻ chia với những đồng đội kém may mắn.

Cô là Mai Thị Thọ, Trưởng Ban Liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn, Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Hội Chất độc da cam tỉnh Phú Thọ. Giờ cô chỉ còn niềm an ủi, niềm hy vọng và chỗ dựa tinh thần là đứa cháu nội. Thế nhưng, đứa cháu duy nhất của cô cũng mắc bệnh thấp tim. Bản thân cô cũng bị ung thư tuyến giáp.

Nhìn hoàn cảnh của cô, bất cứ ai cũng có thể hiểu được nỗi đau của cô lớn đến nhường nào. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Nỗi đau này chưa kịp nguôi ngoai thì nỗi đau khác ập đến, quật ngã, khiến cô nhiều lúc tưởng chừng không thể gượng dậy được. Cô bảo: Nhiều lúc muốn xin nghỉ để có thời gian chăm sóc cháu, nhưng nghĩ đến chị em đồng đội, cô lại làm tiếp. 

Giọng nghèn nghẹn, cô kể: Năm 1973, khi mới 19 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cô cùng 500 chị em tuổi mười tám đôi mươi của tỉnh Phú Thọ xốc ba lô vào chiến trường miền Nam. Vào đến Quảng Bình, cô được bổ sung vào Đoàn 559, Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, tham gia làm nhiệm vụ san lấp, mở đường, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Gian khổ, hiểm nguy, đối mặt với ốm đau bệnh tật nơi rừng thiêng nước độc, nhưng mọi người đều cảm thấy trong lòng vui phơi phới. Cô cứ nhớ mãi những tình cảm đùm bọc, yêu thương, chở che của các bà, các mẹ, các chị ở Quảng Bình đã dành cho cô và đồng đội khi đóng quân ở đó 2 tháng.

Rồi sau đó, đơn vị của cô được lệnh lên đường tiếp tục tiến sâu vào mặt trận phía Nam. Nhìn các cô đang ở độ thanh xuân tươi rói, các bà, các mẹ, các chị cứ khóc mãi. Buổi chia tay đầy lưu luyến và bịn rịn. Có bao nhiêu thức quà, các bà, các mẹ, các chị đều mang ra tặng các tân binh.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 9/1976, cô được phục viên, trở về quê hương, thị xã Phú Thọ. Một thời gian sau, cô xây dựng gia đình với người chồng là thương binh.

 

mai-thi-tho-copy.jpg
Giờ ước muốn duy nhất của cô là bớt ốm đau, bệnh tật để chăm sóc cho đứa cháu nội duy nhất đang ôn thi vào lớp 10 THPT

 

Nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Cô con gái đầu lòng sinh ra trong niềm vui, háo hức, chờ đợi của cả gia đình, bị di chứng chất độc da cam, phải liên tục truyền máu, được hơn 4 tuổi thì mất. Con trai thứ hai vừa sinh ra đã bị teo chân, mắc chứng động kinh, u não rồi cũng mất. Con trai thứ ba sinh ra lành lặn, nhưng đến năm 31 tuổi bị u trung thất ác tính cũng bỏ cô ra đi. Chưa kịp đến giỗ đầu thì người con dâu vội vã bỏ đi. Cô con gái út mắc bệnh tim, đến năm 2004 vừa tròn 21 tuổi thì mất. Chồng cô vì quá đau buồn và bế tắc cũng bỏ cô đi nốt. Cô chỉ còn lại đứa cháu nội duy nhất là con của người con trai thứ ba. Nhưng số phận cũng chẳng chịu để cô yên. Đứa cháu mà cô nhất mực yêu quý, là chỗ dựa tinh thần duy nhất của cô cũng mắc bệnh thấp tim.

Bao lần ra vào bệnh viện, đưa con đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác khiến cô lâm vào cảnh kiệt quệ, nhà không có phải đi ở nhờ, cuộc sống vô cùng cơ cực. Cô phải bán cả chiếc mũ tai bèo - kỷ vật của chiến trường mà cô nâng niu, gìn giữ hay xẻ chiếc võng Trường Sơn năm nào may thành quần áo mang bán để lấy tiền đưa con đi bệnh viện.

Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của cô, năm 2006, UBND phường Nông Trang, TP Việt Trì đã cấp cho cô mảnh đất để ở. Mãi đến năm 2015, 55 học viên lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Phú Thọ tự nguyện đóng góp được 60 triệu đồng, phối hợp với Hội Cựu chiến binh TP Việt Trì vận động quyên góp anh em, bạn bè, các tổ chức, cá nhân được thêm gần 100 triệu đồng xây cho cô 1 căn nhà tình nghĩa.

Có nhà, cô lại đau đáu nỗi niềm làm sao quy tập được 3 ngôi mộ của các con về một nơi cho tiện bề chăm sóc và sau này không lo bị thất lạc. Giữa lúc đó, Câu lạc bộ gia đình nữ doanh nhân Trường Sơn, Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn lại “xúm” vào hỗ trợ kinh phí chuyển mộ và tặng thêm sổ tiết kiệm. Giờ ước muốn duy nhất của cô là bớt ốm đau, bệnh tật, còn sống ngày nào là chỗ dựa vững chắc cho đứa cháu năm nay đang học cuối cấp, chuẩn bị cho kỳ thi vào THPT.

Cảm nhận tấm lòng, nghĩa cử của các tổ chức, cá nhân, đồng đội đã dành cho mình, cô càng đau đáu với nhiều chị em thiệt thòi. Trong số 500 chị em tham gia chiến trường ngày đó, trừ một số người hy sinh, sau khi chia tách tỉnh còn 320 người. Một số chị em ở thành phố chuyển ngành, sau khi nghỉ chế độ có lương hưu. Khó khăn nhất là số chị em ở nông thôn. Có chị bị thất lạc, mất hết giấy tờ chưa làm được chế độ. Chưa kể một số chị em không lấy được chồng, một số có chồng nhưng không có con, một số không còn cơ hội xây dựng gia đình, phải xin con nuôi. Nhiều chị bị bệnh tật ốm đau, phần lớn do di chứng chất độc da cam, di chứng của những đợt sốt rét ác tính hay gặp tai nạn do bom mìn…

Hoàn cảnh khắc nghiệt là vậy nhưng mỗi khi nghĩ đến chị em, nghĩ đến những số phận còn kém may mắn hơn mình, cô lại gượng dậy, cố gắng làm tất cả những gì có thể để giúp đồng đội như: Vận động quyên góp xây nhà tình nghĩa, tổ chức cho chị em đi giao lưu với các tỉnh bạn, tổ chức gặp mặt nhân ngày truyền thống… 

Cô vẫn ước có một ngày được trở về chiến trường xưa, thăm lại các mẹ, các chị dù bây giờ số người còn sống không còn bao nhiêu để được trân quý, để cảm ơn những nghĩa cử, những tấm lòng đã dành cho cô, cho những người lính cụ Hồ năm xưa, những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Và cô cũng hy vọng, những đồng đội còn gặp nhiều khó khăn được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ, để họ vợi bớt những vất vả, nhọc nhằn trong công cuộc mưu sinh thời hậu chiến.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn