Một số người sau khi uống rượu thì gặp hiện tượng đỏ bừng mặt, đôi khi họ không hề say. Vậy uống rượu bia đỏ mặt tốt hay xấu? Có cách nào để tránh bị đỏ mặt khi uống bia rượu không?
Đỏ bừng mặt sau khi uống rượu là triệu chứng của tình trạng nhạy cảm với rượu, nghĩa là cơ thể không dung nạp rượu do thiếu hụt enzyme aldehyde dehydrogenase 2.
Tất cả đồ uống có cồn đều chứa ethanol. Sau khi một người uống rượu, cơ thể họ bắt đầu phân hủy ethanol thành các chất khác hoặc chất chuyển hóa để dễ đào thải hơn. Một trong những chất chuyển hóa này là acetaldehyde, chất này có độc đối với cơ thể. Thông thường, acetaldehyde tạo thành được chuyển hóa thành các phân tử không độc hại bởi một enzyme gọi là aldehyde dehydrogenase.
Nếu một người gặp tình trạng không dung nạp rượu do thiếu loại enzyme này hoặc uống nhiều, acetaldehyde sẽ không được chuyển hoá hiệu quả và có thể bắt đầu tích tụ. Sự tích tụ này có thể gây ra phản ứng histamine, dẫn đến một loạt các triệu chứng, bao gồm giãn mạch máu trên mặt, gây ra tình trạng đổi màu da và kèm theo các triệu chứng khác như đỏ ở cổ và ngực, buồn nôn, chóng mặt, nhịp tim nhanh, nổi mề đay, đau đầu, chóng mặt do huyết áp thấp.
Đối với tông màu da sáng hơn thì mặt sẽ đỏ bừng rõ rệt, trong khi ở tông màu da sẫm hơn thì tình trạng này có thể gây đổi màu hoặc sẫm màu vùng bị ảnh hưởng.
Những người dùng một số loại thuốc làm thay đổi quá trình chuyển hóa rượu cũng có thể gặp phải phản ứng đỏ bừng mặt do rượu. Các loại thuốc này bao gồm thuốc dùng để điều trị bệnh tiểu đường, cholesterol cao và nhiễm trùng. Ngoài ra, disulfiram, một loại thuốc dùng để điều trị chứng rối loạn sử dụng rượu, làm thay đổi quá trình chuyển hóa rượu. Điều này gây ra các triệu chứng khó chịu như đỏ bừng mặt và buồn nôn.
Ngoài ra, uống rượu bia đỏ mặt cũng có thể do huyết áp cao hoặc bệnh trứng cá đỏ. Uống rượu có thể làm tăng áp lực lên thành mạch máu và dẫn tới tăng huyết áp.
Uống rượu đỏ mặt nhóm máu gì?
Như đã đề cập, mặt đỏ bừng sau khi uống bia rượu là do cơ thể không dung nạp rượu. Vì vậy, nhóm máu không ảnh hưởng đến việc uống rượu bia có đỏ mặt hay không.
Những người đỏ bừng mặt sau khi uống rượu cho thấy khả năng chuyển hoá rượu của họ kém, có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn do viêm mạch máu. Hơn nữa, những người bị phản ứng đỏ bừng mặt do rượu và uống rượu có nguy cơ mắc ung thư cao hơn, bao gồm ung thư thực quản và ung thư vú. Lý do cho nguy cơ gia tăng này là bản thân acetaldehyde là chất gây ung thư.
Ngoài ra, đỏ bừng mặt sau khi uống rượu cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khoẻ tiềm ẩn như huyết áp cao. Huyết áp cao có thể dẫn tới bệnh tim mạch và đột quỵ, uống rượu thường xuyên cũng làm gia tăng tình trạng này.
Uống rượu ảnh hưởng đến sức khoẻ tổng thể như thế nào?
Không chỉ những người bị đỏ mặt khi uống rượu, bất kể ai uống nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề y tế, bao gồm:
- Bệnh gan
- Một số loại ung thư
- Huyết áp cao
- Bệnh tim hoặc đột quỵ
- Vấn đề về trí nhớ
- Vấn đề tiêu hóa
Đỏ mặt sau khi uống rượu có thể không cần can thiệp và tình trạng này sẽ tự thuyên giảm. Nhưng nếu muốn giảm triệu chứng nhanh chóng một số loại thuốc có thể hữu ích.
Thuốc chẹn histamine-2 (H2) có thể kiểm soát tình trạng đỏ bừng mặt. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách làm chậm quá trình phân hủy rượu thành acetaldehyde trong máu của bạn.
Brimonidine là một phương pháp điều trị phổ biến khác cho tình trạng đỏ bừng mặt. Đây là liệu pháp tại chỗ giúp làm giảm tạm thời tình trạng đỏ bừng mặt. Thuốc hoạt động bằng cách thu nhỏ kích thước của các mạch máu rất nhỏ.
Một loại kem bôi ngoài da khác, oxymetazoline có thể giúp làm giảm tình trạng đỏ bừng mặt bằng cách thu hẹp các mạch máu trên da.
Ngoài việc sử dụng thuốc, sau khi uống rượu bạn nên uống nhiều nước hoặc nước chanh, trà xanh, trà gừng,... để giúp cơ thể thải độc rượu hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Không thể ngăn ngừa tình trạng đỏ mặt khi uống rượu do nguyên nhân liên quan đến viện thiếu hụt một loại enzyme trong cơ thể. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát triệu chứng bằng một số cách:
- Duy trì đủ nước cho cơ thể bằng cách uống nước trước, trong và sau khi uống rượu để làm loãng nồng độ acetaldehyde trong máu.
- Ăn một bữa ăn đầy đủ protein và carbohydrate trước khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thụ rượu. Bạn có thể ăn cơm, bánh mì, trứng,... Bạn cũng có thể áp dụng chế độ ăn uống hỗ trợ sức khỏe gan, ưu tiên những thực phẩm giàu chất chống oxy hoá. Vì gan chịu trách nhiệm chuyển hóa rượu.
- Uống lượng rượu vừa đủ, uống quá nhiều sẽ khiến cơ thể tích tụ nhiều acetaldehyde trong máu hơn.
Uống rượu bia đỏ mặt tốt hay xấu? Nhìn chung, những người uống bia rượu bị đỏ mặt thường gặp nhiều nguy cơ hơn bình thường. Nếu bạn cảm thấy đỏ mặt, khó chịu, buồn nôn nhịp tim nhanh, choáng váng,... không thuyên giảm vào ngày hôm sau, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra sức khoẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn