Mất mạng vì tự điều trị bỏng

15:43 | 27/06/2016;
Khi người thân bị bỏng, nhiều gia đình không đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế uy tín để được cấp cứu hay tự điều trị tại nhà… đã để lại hậu quả đáng tiếc.
Bé T.T.K, ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, nhập viện trong tình trạng tổn thương 10% diện tích cơ thể, trong đó 8% bỏng sâu, vết thương hoại tử tiết dịch mủ vừa, mùi hôi, nguy cơ gây biến dạng khớp gối, ảnh hưởng đến vận động.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, nghỉ hè, K. ở nhà không có việc gì làm đã lấy cồn ra đốt nghịch. Không may cồn cháy gây bỏng nặng. K. được cấp cứu và được điều trị tại một cơ sở y tế tư nhân ở TP Vĩnh Yên. Do không phân biệt được bỏng nông và sâu, K. vẫn được giữ lại điều trị tại cơ sở này, 4 ngày K. được thay băng một lần, vết thương tiết dịch nhiều, mùi rất hôi. Sau khi bị bỏng 15 ngày, gia đình K. kiên quyết chuyển tới Viện Bỏng Quốc gia.

Bệnh nhân K. sau khi nhập viện đã được điều trị tích cực, ghép da. Kết quả da ghép bám tốt, vết bỏng dần phục hồi.
bong1.jpg
Chân bé K. trước khi phẫu thuật
Bé T.N.H. 2 tuổi, ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, bị bỏng nước sôi vùng thân và chi. Sau bỏng, bé được gia đình tự điều trị tại nhà bằng thuốc uống và thuốc bôi không rõ nguồn gốc. Sau 8 ngày tự điều trị, bé H. sốt cao, mệt nhiều, thở ậm ạch, vùng bỏng thấm dịch nhiều, gia đình mới đưa cháu đến cấp cứu tại BV đa khoa tỉnh Nam Định, nhưng do tình trạng bệnh nhân quá nặng, diễn biến xấu dần, bệnh nhân được chuyển lên Viện Bỏng Quốc gia.

Tại đây, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Mặc dù đã được điều trị tích cực như thở máy, thuốc vận mạch, trợ tim, truyền dịch, kháng sinh mạnh, truyền khối hồng cầu… nhưng do bệnh tình quá nặng, bệnh nhi đã không qua khỏi.

TS.Chu Anh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Bỏng Quốc gia cho biết, trẻ em chiếm khoảng 50% tổng số nạn nhân bỏng, trong đó lứa tuổi 1-5 tuổi chiếm khoảng 50 – 60%. Đây là lứa tuổi trẻ rất hiếu động, thích khám phá tìm hiểu xung quanh nhưng lại chưa ý thức và chưa có khả năng phòng tránh các mối nguy hiểm. Trẻ em khi bị bỏng dù diện tích nhỏ cũng có thể gây rối loạn toàn thân, diễn biến bệnh bỏng thường phức tạp hơn, quá trình điều trị cũng gặp khó khăn hơn người lớn do các cơ quan chưa hoàn thiện. Ở trẻ nhỏ, bỏng từ 10% diện tích cơ thể là bỏng nặng, cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị đúng cách.
bong2.jpg
Và sau khi phẫu thuật ghép da
Bỏng có thể phòng tránh

“Nhiều người thay vì đến cơ sở y tế điều trị đã tự bôi lên vết bỏng nhựa chuối, nước mắm, kem đánh răng, khoai tây, thuốc tạo màng không đúng chỉ định… làm tăng ô nhiễm tại vết bỏng, tăng mức độ bệnh, nhiều trường hợp để lại hậu quả đánh tiếc về tính mạng, về chức năng và thẩm mỹ”, TS.Chu Anh Tuấn khuyến cáo.

Các bác sĩ đưa ra lời khuyên, bỏng là tai nạn có thể phòng tránh. Hầu hết nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn.
 
Khi bị bỏng, cần sơ cứu bỏng đúng cách (ngâm vùng bị bỏng vào nước mát (16 - 20 độ C), sạch hoặc dội nước mát lên vết bỏng... Sau đó đưa nạn nhân đi khám tại các cơ sở y tế uy tín; không nên tự điều trị hoặc đến các thày lang để chữa bỏng, tránh tiền mất tật mang.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn