Mất người, mang nợ vì xuất khẩu lao động 'chui' ở Trung Quốc

09:00 | 25/08/2019;
Tìm đường sang Trung Quốc lao động “chui” nhằm giảm thiểu chi phí, hàng trăm người dân ở các miền quê Nghệ An đang phải đối mặt với những hệ lụy khôn lường vì không những chẳng kiếm được tiền mà có khi còn bị mất mạng hoặc bị bán, bị bắt cóc tống tiền người thân...
Vừa sang được 1 tháng đã bị bắt cóc đòi tiền chuộc
 
Đã hơn 3 tháng nay, anh Nguyễn Công Lợi (SN 1994, trú tại xóm 5, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An) vẫn chưa thể liên lạc được với vợ mình là chị Nguyễn Thị Hoài (SN 1998, quê quán: thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) hiện đang bị bắt cóc ở Trung Quốc, dù gia đình đã xin nộp tiền chuộc nhiều lần.
 
Trước đó, đầu tháng 4/2019, vì kinh tế gia đình khó khăn, hai vợ chồng mới sinh em bé nhưng không may lại không giữ được con, thấy một số người trong địa phương đã và đang làm việc bằng con đường tiểu ngạch tại Trung Quốc, nên Lợi bàn với vợ và quyết định “liều” một chuyến.
 
v-chng-anh-li-hnh-phc-trong-ngy-ci-cch-y-hn-1-nm-nh-nvcc.jpg
Vợ chồng anh Lợi - chị Hoài hạnh phúc trong ngày cưới cách đây hơn 1 năm. Ảnh: Người thân cung cấp. 
 
ch-nguyn-th-hoi-nh-ngi-nh-cung-cp.jpg
Chị Nguyễn Thị Hoài hiện đang mất tích tại Trung Quốc. Ảnh: Người thân cung cấp.
Theo chân những kẻ mối lái, ngày 6/4/2019, vợ chồng Lợi - Hoài có mặt tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đến ngày 10/4/2019, hai vợ chồng xin vào làm việc tại một xưởng may giày da. Tối 2/5/2019, sau khi ăn cơm xong, chị Hoài ra ngoài mua sắm cùng một người phụ nữ Việt. Trong đêm hôm đó và nhiều ngày sau nữa, chị Hoài không trở về phòng trọ. Chị đã bị một số đối tượng bắt lên xe ô tô chở đi. Quá lo lắng, anh Lợi liên hệ mọi đầu mối để xin giúp đỡ, được một số người nhận giúp “chuộc vợ” với giá 3-5 vạn nhân dân tệ.
 
Anh Lợi một mặt điện về gia đình xoay sở tiền bạc, một mặt chạy vạy khắp nơi để nghe ngóng tin tức vợ nhưng không được. Đến khi gia đình ở Việt Nam chuyển tiền sang cho một người quen để xin chuộc chị Hoài thì những người nhận lời giúp không cho chuộc nữa. Không còn cách nào khác, anh Lợi đã trình báo cơ quan công an địa phương ở Trung Quốc rồi làm thủ tục trở về nhà, trình báo lên cơ quan công an của Việt Nam.
 
 
anh-li-bn-thn-k-li-s-vic.jpg
Anh Lợi bần thần kể lại sự việc.
“Đã mấy tháng không có tin tức của vợ, tôi chỉ mong cơ quan công an nhanh chóng giúp đỡ, giải cứu vợ tôi. Biết thế này thà cứ ở Việt Nam có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo chứ giờ không biết cô ấy đang sống thế nào”, anh Lợi nuốt nước mắt nói.
 
Đã nhiều tháng nay kể từ khi nhận được tin con dấu mất tích bên Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Lành (mẹ ruột anh Lợi) chưa có một bữa cơm ngon. Vốn bị bệnh tim từ nhiều năm nay, từ ngày nghe tin con dâu gặp nạn, bà như người mất hồn, hễ cứ nhắc đến con dâu là bà lại xót xa. Gia đình nhà chị Hoài ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, cũng đứng ngồi không yên, khi không biết con gái bây giờ ra sao nơi đất khách quê người?
 
 
b-nguyn-th-lnh-m-anh-li-bun-b-mong-ch-tin-tc-ca-con-du.jpg
Bà Nguyễn Thị Lành (mẹ anh Lợi) buồn bã mong chờ tin tức của con dâu. Ảnh: K.Hoan

 

Hiểm họa rình rập
 
Theo số liệu thống kê tại Hội thảo “Văn phòng thông tin di cư: Các thực tiễn tốt và xu hướng di cư mới” được tổ chức tại Nghệ An vào tháng 5/2019: hiện vẫn còn 12.435 lao động Nghệ An đang làm việc ở vùng biên giới không có hợp đồng lao động, tập trung chủ yếu ở các nước Lào, Trung Quốc, Thái Lan.
 
Nghệ An có hơn 3.000 phụ nữ đi XKLĐ bất hợp pháp sang Trung Quốc, trong đó có hơn 400 trường hợp kết hôn bất hợp pháp với người bản địa tại quốc gia này, con số đó tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi. Tính riêng năm 2018 và quý I năm 2019, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, tuyên truyền và yêu cầu 165 công dân Nghệ An có ý định xuất cảnh trái phép quay lại. Đồng thời, cơ quan này cũng tiếp nhận 30 công dân Nghệ An nhập cảnh trái phép qua Trung Quốc do Công an Trung Quốc trao trả.
 
 
laodongchui-a5.jpg
Lao động người Việt chờ tại cửa khẩu ở Lạng Sơn để vượt biên sang Trung Quốc. Ảnh: Báo Nghệ An

 

Người Việt Nam sau khi theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc trái phép thường làm các công việc nặng nhọc, phải làm ca đêm và thường xuyên bị bớt xén tiền lương, bị ngược đãi. Đối với lao động nữ, do công việc nặng nhọc, nhiều trường phải bỏ trốn ra ngoài nhưng lại bất đồng ngôn ngữ, không thông thạo địa hình nên dễ bị lừa bán vào các động mại dâm hoặc làm vợ đàn ông Trung Quốc. Những lao động đi XKLĐ “chui” này không được pháp luật nước sở tại bảo hộ, nên khi bị đánh đập, trấn cướp và thậm chí có trường hợp mất tích, bỏ mạng nơi xứ người cũng rất khó để khai báo, xử lý hay đòi quyền lợi. Nguy hiểm là thế nhưng không khó để tìm ra lý do những người lao động nghèo ở Nghệ An lại lựa chọn con đường “xuất ngoại” trái phép này.
 
Giải pháp cho thực trạng này, ngoài những vấn đề mang tính vĩ mô, lâu dài như tạo công ăn việc làm tại địa phương thì có lẽ cấp thiết bây giờ vẫn là công tác tuyên truyền, vận động người dân không đi XKLĐ bất hợp pháp ở nước ngoài. Cùng với đó, thực hiện rà soát, thống kê số công dân đang đi XKLĐ bất hợp pháp tại nước ngoài để kịp thời thông báo thủ đoạn của tội phạm cho thân nhân, gia đình biết để phối hợp đấu tranh, phòng ngừa.
 
Ông Nguyễn Cảnh Lộc, Chủ tịch UBND xã Nam Lộc, cho biết, địa phương có nhiều trường hợp đi lao động bất hợp pháp theo đường tiểu ngạch, riêng ở Trung Quốc có khoảng 40 trường hợp. Vì các trường hợp này chủ yếu là rủ nhau đi theo người quen nên khi xảy ra những sự việc như của gia đình bà Lành, anh Lợi là rất khó để giải quyết. Hàng năm, chính quyền xã đã tuyên truyền vận động bà con, các cuộc tiếp xúc cử tri xã cũng lồng ghép tuyên tuyền nhưng vẫn rất khó khăn vì nhiều người vẫn quyết chí ra đi làm giàu.
 
Theo Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Đơn vị đã có công văn chỉ đạo Công an các địa phương tổ chức quán triệt thông báo, tuyên truyền rộng rãi về thủ đoạn phạm tội bắt cóc, chiếm đoạt tài sản cũng như các hoạt động phạm tội khác để nhân dân nâng cao ý thức phòng ngừa, phối hợp điều tra xử lý tội phạm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn