Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ mất tiền tỷ trình báo cơ quan chức năng mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những động thái siết chặt công tác bảo mật nhằm đảm bảo an toàn cho tài sản của người dân. Theo đó, những tài khoản ngân hàng thực hiện giao dịch trực tuyến có giá trị trên 10 triệu/lần hoặc 20 triệu/ ngày; Chuyển tiền ra nước ngoài; Thanh toán hóa đơn hàng hóa dịch vụ với tổng giá trị trên 100 triệu đồng/ngày; Kích hoạt lần đầu ngân hàng số; Thay đổi thiết bị sử dụng ngân hàng số; và một số loại giao dịch khác, sẽ phải đáp ứng yêu cầu về xác thực sinh trắc học đối chiếu với kho dữ liệu quốc gia về dân cư.
Các biện pháp của ngân hàng bước đầu đã ngăn chặn được rất nhiều chiêu trò lừa đảo online trên các nền tảng mạng xã hội. Thế nhưng mới đây, một nạn nhân đã đến Cơ quan Công an trình báo về việc bị chiếm đoạt tài sản liên quan đến các chiều trò lừa đảo tinh vi trên nền tảng ứng dụng Telegram.
Cụ thể, Ngày 18/9/2024, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận đơn tố giác của chị Đ.T.P. (Sinh năm 1984, trú tại phường Ka Long, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) về việc bị lừa đảo mất 2 tỷ đồng bằng phương thức chiếm quyền điều khiển tài khoản Telegram.
Khoảng giữa tháng 8/2024, chị P. đã nhận được tin nhắn qua mạng xã hội Telegram với nội dung: "Hệ thống sẽ phát hiện xem tài khoản của bạn có đăng nhập từ xa hay không. Vui lòng nhấp vào trang web chính chức để liên kết lại điện thoại di động của bạn với đường link http://bright888.net". Do thiếu cảnh giác nên chị P. đã truy cập vào đường link trên.
Vài ngày sau, chị P. được anh bạn ở Hải Phòng tên là D. thông báo trả 2 tỷ đồng đã mượn trước đó, chị P. đã cung cấp số tài khoản thuộc ngân hàng ACB qua tin nhắn Telegram cho anh D. Sau khi anh D. chuyển tiền và gửi ảnh chụp màn hình kết quả, chị P. phát hiện ra tài khoản nhận tiền lại là một tài khoản khác thuộc Ngân hàng Eximbank, nên đã cùng anh D. kiểm tra lại tin nhắn thì phát hiện tin nhắn mà anh D. nhận được ở Telegram không phải số tài khoản mà chị đã gửi, thay vào đó là một số tài khoản khác.
Lúc này chị P. mới biết mình bị các đối tượng xấu chiếm quyền điều khiển tài khoản Telegram và theo dõi các cuộc nói chuyện. Sau đó, chúng can thiệp, thay đổi số tài khoản nhận tiền mà chị P. gửi cho anh D. thành số tài khoản của đối tượng để chiếm đoạt số tiền 2 tỷ đồng.
Ông Trần Uy Phương, Chuyên gia về IT ở Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ: “Hiện nay tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội khá phổ biến và có kỹ thuật công nghệ rất cao. Chúng liên tục tạo ra các đường link chứa mã độc để đánh cắp thông tin của người dân. Trường hợp nạn nhân bị mất tiền như trên là một ví dụ điển hình. Nếu sơ xuất mất cảnh giác sẽ bị chiếm thông tin, và bị theo dõi các hoạt động trên điện thoại, mà người bị theo dõi sẽ không thể biết.
Đặc biệt là hiện nay công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) đang rất phổ biến, có khả năng đánh lừa các ứng dụng bảo mật không quá khó khăn. Do vậy, cách bảo vệ tài sản của mình chắc chắn nhất là người dân tự nâng cao cảnh giác, không bấm vào những đường link lạ khi có ai đó gửi tới. Trong giao dịch chuyển khoản thì nhất thiết phải kiểm tra kỹ các thông tin, gọi điện thoại xác thực trực tiếp trước khi giao dịch, để đảm bảo rằng thông tin là đúng, là chuẩn”.
Đối với phương pháp sinh trắc học, phương pháp này chỉ có tác dụng kiểm soát người thực hiện giao dịch chuyển tiền, khi nhận diện chính chủ thì nó sẽ cho thực hiện giao dịch. Còn chiêu lừa đảo qua Telegram như ở trên, là do số tài khoản nhận tiền bị thay đổi, nên sinh trắc học cũng không thể kiểm soát được, ông Phương cho biết.
Telegram là công cụ được tội phạm trên không gian mạng lợi dụng triệt để
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam – NCS, cho biết: Thời gian qua, nhiều nạn nhân đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua nền tảng Telegram như “việc nhẹ lương cao”, lừa đảo tuyển dụng, làm nhiệm vụ nhận tiền, kêu gọi đầu tư…với thủ đoạn quen thuộc: Đối tượng gọi điện mời gọi, sau đó hướng nạn nhân tham gia vào các group Telegram để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Telegram đang dần trở thành công cụ đắc lực đối với tội phạm mạng.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, tội phạm lừa đảo diễn ra một cách công khai và thu hút nhiều người tham gia là do nền tảng này cho phép tạo các hội nhóm số lượng lớn thành viên hoàn toàn miễn phí; nội dung trên Telegram không bị kiểm duyệt; tin nhắn mã hoá đầu cuối; người gửi có thể xoá lịch sử trò chuyện 2 chiều. Đồng thời, với mã nguồn mở, các đối tượng lừa đảo có thể tạo nhiều tài khoản ảo, cò mồi, tham gia tung hứng, đưa thông tin giả, khiến cho người tham gia cảm giác luôn sôi động, có nhiều người kiếm được tiền hoặc giải thưởng.
Các chuyên gia an ninh mạng cho biết, sự xuất hiện của tiền mã hoá cũng là một trong những lý do để các tội phạm mạng chọn Telegram để hoạt động. Đối tượng chỉ cần viết ra một con bot để bán hàng, mọi thứ đều được thực hiện tự động. Người dùng muốn mua các dữ liệu cá nhân hay các phần mềm phát tán mã độc, chỉ cần gõ các dòng lệnh là hoạt động mua bán sẽ diễn ra. Bên cạnh đó, các giao dịch này được trả bằng tiền mã hoá như Bitcoin hay USDT, nên việc để tìm ra các đối tượng này đối với các cơ quan chức năng là một điều vô cùng khó.
Trước những vấn nạn lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội nói chung và Telegram nói riêng, người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng với các lời mời tuyển dụng, trúng thưởng, kêu gọi đầu tư…qua ứng dụng Telegram và các ứng dụng khác.
Tuyệt đối không truy cập, cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân, thông tin về số điện thoại, căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội cũng như tên đăng nhập, mật khẩu của tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức lạ khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng.
Tuyệt đối không truy cập các đường link, ứng dụng không rõ nguồn gốc và đặc biệt không đóng các khoản phí không rõ ràng, minh bạch theo yêu cầu của đối tượng đưa ra.
Trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần khẩn trương liên hệ cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ giải quyết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn