Chị My theo dõi một thời gian trên nhóm và thấy có hàng trăm nghìn người tham gia nên có phần tin tưởng. Buổi tối, các thành viên cùng đăng nhập tài khoản để nghe chuyên gia phân tích về tình hình chứng khoán hôm đó và những dự báo về tình hình chứng khoán thời điểm hiện tại. Chị My tham gia được 2 tháng thì được mời mở tài khoản nội bộ và chuyển tiền vào tài khoản để giao dịch trên app (ứng dụng), hưởng lợi nhuận lên đến 500%. Đây là một mức lợi nhuận cao so với thị trường chứng khoán nói chung.
"Vì đã tham gia một thời gian, thấy các chuyên gia và các thành viên trong nhóm hoạt động khá bài bản nên tôi tin tưởng và chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản để thực hiện các lệnh mua bán", chị My kể. Thời gian đầu, mọi lệnh mua bán và giao dịch của chị My đều khá suôn sẻ. Cho đến khi chị My có nhu cầu thực hiện lệnh rút tiền ra để đầu tư vào việc khác thì tài khoản của chị… bỗng dưng bị vô hiệu hóa. Đến lúc này, chị My mới phát hiện mình đã bị lừa.
Công an Hà Nội cho hay, từ tháng 10/2022 tới nay, cơ quan công an đã phát hiện gần 20 ứng dụng và website có dấu hiệu giả mạo để giao dịch chứng khoán. Hầu hết những trường hợp này đều có máy chủ ở nước ngoài do các đối tượng người nước ngoài quản lý. Người dân tới trình báo với cơ quan chức năng về việc bị chiếm đoạt số tiền lớn ngày càng nhiều, thậm chí có những nạn nhân mất cả chục tỉ đồng.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Thúy Anh nhận định, nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán là nguyên tắc trung gian. Các lệnh giao dịch trên thị trường chứng khoán phải được thực hiện qua các công ty chứng khoán, từ các công ty chứng khoán được truyền lệnh về Sở Giao dịch chứng khoán và được khớp lệnh.
Đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều nhà đầu tư mới, các ứng dụng giả mạo luôn hiển thị lợi nhuận gia tăng chóng mặt, biên độ tăng giá cao hơn nhiều so với sàn chứng khoán thật. Khi thấy khoản tiền của mình trong các app đầu tư giả mạo tăng đáng kể, nhiều nhà đầu tư đã nhẹ dạ nộp tiền vào. Và khi nhà đầu tư giao dịch tại các ứng dụng chứng khoán giả mạo, không rõ nguồn gốc, sẽ không được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam ghi nhận. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư hoàn toàn không sở hữu cổ phiếu nào.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến cáo, các nhà đầu tư trước khi tham gia các ứng dụng cần tìm hiểu về tính pháp lý của công ty đó để xem các sản phẩm đầu tư này có được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép hay không. Nhà đầu tư có thể đề nghị Công ty cung cấp các giấy tờ pháp lý như trên để tránh rủi ro có thể xảy ra. Các nhà đầu tư cũng có thể vào trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Tại đây đã công bố danh sách các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép thành lập và hoạt động. Từ đó, nhà đầu tư sẽ có cái nhìn toàn diện và thận trọng trước khi quyết định đầu tư hay ký kết các hợp đồng đầu tư.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng lưu ý, khi muốn mở tài khoản tại các công ty chứng khoán chính thống, nhà đầu tư cần có chứng minh thư, số điện thoại và email. Còn các ứng dụng giả mạo, không rõ nguồn gốc chỉ yêu cầu nhà đầu tư cung cấp số điện thoại. Một điểm nữa đó là số tài khoản chứng khoán hợp pháp theo quy định phải có 10 ký tự, bao gồm cả chữ cái và số. Nhưng các ứng dụng giả mạo thường lấy ngay số điện thoại của nhà đầu tư làm số tài khoản.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn