Ngày 12/11, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 có chủ đề "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái".
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đề nghị các cấp, các ngành, địa phương chú trọng công tác truyền thông để nâng cao nhận thức các cơ quan, tổ chức, người dân về bình đẳng giới; chủ động cam kết và có những hành động cụ thể, thiết thực để xây dựng một xã hội bình đẳng, không có bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đến nay, các hoạt động văn hóa, kinh tế - xã hội ở Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới đã hoạt động, mở cửa trở lại. Tuy nhiên những tác động tiêu cực của đại dịch đến mọi mặt của đời sống xã hội nói chung lĩnh vực bình đẳng giới nói riêng vẫn chưa kết thúc. Báo cáo về khoảng cách giới năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, các nước sẽ mất 136 năm thay vì 100 năm để thu hẹp khoảng cách giới do dịch Covid-19. Điều này đòi hỏi Chính phủ các quốc gia phải nỗ lực nhiều hơn nhằm đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới thực chất.
Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc, bà Elisa Fernandez, Trưởng Đại diện UN Women cho rằng, cần phát triển văn hóa tôn trọng và bình đẳng giữa mọi giới trong mọi bối cảnh: tại nhà, trường học, nơi làm việc, các địa điểm công cộng bao gồm cả không gian mạng.
"Những nỗ lực này cần được đi kèm với ý chí chính trị mạnh mẽ được thể hiện qua Luật pháp và chính sách toàn diện; các sáng kiến thay đổi chuẩn mực xã hội dựa trên bằng chứng dài hạn; cung cấp dữ liệu đáng tin cậy về các hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới và bạo lực đối với các nhóm khác nhau. Quan trọng nhất là sự sẵn có của các dịch vụ thiết yếu về giới nhạy cảm với giá cả phải chăng, đáng tin cậy cho những người sống sót sau bạo lực trên cơ sở giới", bà Elisa Fernandez nhấn mạnh.
Thay mặt các tổ chức Liên Hợp quốc tại Việt Nam, bà Elisa Fernandez khẳng định Liên Hợp quốc cam sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực giới, hướng tới việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Lễ phát động Tháng hành động là hoạt động khởi đầu cho chiến dịch truyền thông cao điểm về bình đẳng giới trong năm 2022. Tiếp đó, sẽ có hàng ngàn hoạt động hưởng ứng Tháng hành động được tổ chức trực tiếp và trực tuyến trên cả nước với các quy mô khác nhau thu hút sự tham gia của hàng triệu người dân trên khắp cả nước.
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hằng năm.
Qua 6 năm triển khai (2016-2021), đã có hơn 10 triệu lượt người được truyền thông, tiếp cận với các thông điệp của Tháng hành động, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ và người dân đối với công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn