Màu đỏ: Trong ý thức của con người, màu sắc tác động lớn đến cảm giác, bất cứ điều gì hưng phấn đều có màu đỏ. Vì vậy, ở Ấn Độ người ta có quan niệm "sơn đỏ thành phố" hay các vị thần thường có màu đỏ, màu của sự sung túc, màu mang ý nghĩa hướng ngoại và được đại đa số đàn ông ưa thích. Tuy nhiên, ở chiều kia, màu đỏ mang ý nghĩa nóng nảy và giận dữ, đôi khi nguy hiểm. Màu đỏ tượng trưng cho máu, biểu trưng cho sức sống và là màu sắc của tình yêu, nhục dục. Nếu ưa màu đỏ, chứng tỏ bạn là tuýp người nhiệt tình, tràn đầy năng lượng, và tự tin.
Màu xanh: Gồm xanh lá cây, xanh nước biển, xanh dương... nhóm màu tượng trưng cho hào quang, năng động, cân bằng; cho sự học hỏi, phát triển và hòa hợp. Những người chuộng gam màu xanh là nhóm ôn hòa, ưa sáng tạo, thích tự do phóng khoáng. Người Ai Cập cổ dùng ngọc lưu ly để đại diện cho thiên đường. Màu xanh dương cũng là biểu trưng cho đức mẹ Mary. Đây là gam màu nguyên chất, màu của cảm hứng, của tinh thần và sự chân thành. Vì vậy nên nó thường được sử dụng trong trang trí nhà cửa, đặc biệt là cho nhóm người trẻ tuổi. Riêng màu xanh nước biển tượng trưng cho sự đề cao lý tưởng, ưa cuộc sống vui vẻ lãng mạn nghệ thuật, ưa giao tiếp và mang tính ôn hòa, hòa bình.
Màu cam: Màu cam là màu hữu cơ tự nhiên, gợi lên rất nhiều điều và là màu của sự may mắn. Những người theo Phật ở Ấn Độ cho rằng, màu cam là gam màu của sự giác ngộ, kích thích nhận thức hay còn được ví như “con mắt thứ ba”. Màu da cam còn là biểu tượng khi mặt trời mới mọc vào buổi sáng, ánh sáng đang được dẫn vào cuộc sống, tạo năng lượng, sinh lực cho vạn vật. Trong y học hiện đại, màu cam còn là màu của sức mạnh, gam màu chữa bệnh, giúp tăng cường sinh lực, nhanh chóng hồi bệnh. Người ưa thích màu cam là nhóm chân thành, chu đáo, dễ hòa nhập và nhanh chóng thoát hiểm.
Màu trắng: Theo người Ấn Độ, màu trắng có nghĩa là màu thứ tám. Có bảy màu nhưng màu trắng là màu thứ tám, màu vượt ra ngoài giới hạn cuộc sống, đơn giản nó không phải là màu thực sự. Khi không có màu sắc, có nghĩa chỉ có màu trắng mà thôi, như ánh sáng trắng là một ví dụ. Trong nhiều nền văn hóa, màu trắng đại diện cho sự thật và sự rộng mở, có tác dụng rất tích cực đến sức khỏe con người, nhất là vùng nhiệt đới.
Theo quan niệm truyền thống, một người mặc trang phục da cam tự tách khỏi gia đình và xã hội, còn người chọn trắng lại là nhóm duy trì song hành cả tâm linh lẫn gia đình và xã hội cũng như các khía cạnh khác của cuộc sống, vì lẽ đó, họ là nhóm người có niềm vui nhẹ nhàng. Đối với nhiều người, màu trắng là màu của sự thuần khiết, vì vậy, cô dâu ở nhiều nước thường vận đồ trắng. Trắng còn thể hiện sự thân thiện, cho sự khởi đầu. Những người ưa màu trắng là nhóm muốn phá bỏ khuôn mẫu, mong muốn starrt-up (khởi nghiệp), minh mẫn và ưa hành động.
Màu đen: Từ xa xưa, con người thường cho rằng màu đen là gam màu chứa đựng nhiều bí ẩn, thiên về tiêu cực, song nhờ khoa học phát triển, màu đen dần được minh oan. Theo Sadhguru, màu đen không nói lên bất cứ thứ gì cụ thể, nó hấp thụ mọi thứ. Ví dụ, mang trang phục đen ở trong một không gian tốt, đồng nghĩa với tốt đẹp. Ngược lại, nếu mặc màu đen trong ngữ cảnh xấu, nó mang lại điều bất an. Ví dụ, một buổi ăn tối với chiếc cà vạt đen là cực kỳ sang trọng và lịch lãm hoặc trong quan niệm của người thổ dân châu Mỹ, màu đen là màu tốt lành vì nó là màu của đất.
Cũng giống như màu trắng, màu đen không phải là một màu, nó là sự biến mất của các màu. Khi nói đến hai vấn đề trái ngược nhau, người ta thường dùng trắng và đen, do đó trắng và đen đại diện cho 2 thái cực. Nếu ai đó ủng hộ màu này, có nghĩa, người đó muốn ẩn mình, muốn tạo ra cho mình một thế giới mang tính riêng tư và huyền bí.