Ráy tai là một lớp chất tiết mỏng tích tụ trên da ống tai ngoài và đóng vai trò quan trọng trong việc làm sạch và bảo vệ tai. Đôi khi chúng ta cảm thấy phiền toái khi phải lấy ráy tai thường xuyên, nhưng ráy tai là thứ giúp ngăn chặn các mảnh vụn, bụi bẩn và những vật thể lạ xâm nhập vào ống tai và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Có hai loại ráy tai phổ biến:
- Màu vàng nâu, có xu hướng ẩm ướt
- Màu trắng xám và khô
Tuy nhiên, màu sắc của ráy tai có thể khác nhau tùy thuộc vào sắc tộc và một số yếu tố khác, chẳng hạn như ráy đọng lại trong tai lâu ngày.
- Ráy tai có màu nâu sẫm hoặc đen: tình trạng này xảy ra là do sự tích tụ của bụi bẩn, các hạt hoặc vi khuẩn trong tai. Người lớn có xu hướng có ráy tai sẫm màu hơn và cứng hơn.
- Ráy tai màu nâu sẫm hoặc có màu đỏ: có thể cảnh báo trong tai có vết thương và chảy máu. Nếu thấy tai ướt và chảy nước kèm theo thì có thể là thủng màng nhĩ.
- Ráy tai màu xanh lá và có mùi hôi: do nhiễm trùng nặng
- Ráy tai chảy dịch giống như sữa màu vàng: dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm trùng. Kèm theo đó người bệnh còn cảm thấy đau, ráy tai có mùi hôi.
- Ráy tai khô, dễ bong tróc: đây là loại ráy tai phổ biến và bình thường, nhưng tình trạng ráy tai này cũng có thể do một số tình trạng da nhất định - chẳng hạn như viêm giác mạc, viêm da, chàm và bệnh vẩy nến.
- Ráy tai màu nâu nhạt, cam hoặc vàng là khỏe mạnh và bình thường. Trẻ em thường có ráy tai mềm hơn và có màu nhạt hơn.
Thông thường, bạn chỉ cần rửa bên ngoài tai bằng khăn mềm mà không cần phải lấy ráy tai quá sâu. Vì tai có cơ chế tự làm sạch, dưới tác động của không khí, ráy tai bị khô đi, bong ra khỏi tai và rơi ra ngoài mà không cần chúng ta tác động đến.
Chúng ta nên lấy ráy tai khi thính lực bị giảm do ráy tai tiết quá nhiều và tồn đọng bên trong. Đối với trường hợp này, mọi người nên chú ý và lấy ráy tai đúng cách, tránh đẩy ráy tai vào bên trọng và gây nhiễm nấm, vi khuẩn.
- Trước khi vệ sinh tai, bạn hãy nhỏ một vài giọt dầu em bé hoặc thuốc nhỏ tai vào tai để làm mềm ráy tai và dễ dàng lấy ra. Lúc này bạn nên nằm ngửa, đầu nghiêng và tai hướng lên trên sao cho thuốc duy trì ở trong tai.
- Một ngày sau khi nhỏ thuốc, hãy dùng ống tiêm có bầu cao su để phun nước ấm vào tai. Lúc này bạn nên nghiêng đầu và kéo tai ngoài lên và ra sau. Điều này giúp làm thẳng ống tai và giúp ráy tai di chuyển ra ngoài. Đặc biệt lưu ý, khi bơm nước vào tai sử dụng lực nhẹ, tránh để áp lực quá mức vì có thể làm tổn thương màng nhĩ.
- Khi đã phun nước ấm vào tai bạn lại nghiêng đầu sang một bên và để nước chảy ra ngoài. Điều này có thể cần thực hiện lặp lại trong vài ngày, tùy thuộc vào mức độ tích tụ ráy trong tai.
Khi phun nước vào tai, cần nghiêng tai cho đến khi dung dịch chảy ra hết, tránh để tồn đọng trong tai vì có thể gây viêm, nhiễm trùng. Sau khi hoàn tất nên lau khô tai ngoài bằng khăn và theo dõi các triệu chứng ở tai.
Nếu áp dụng các biện pháp trên mà không cải thiện, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn hoặc giúp bạn làm sạch tai.
Nhiều người cho rằng xông tai có thể lấy ráy tai dễ dàng, nhưng kỹ thuật này không được khuyến khích vì chưa được chứng minh là phương pháp hiệu quả và an toàn. Xông tai thực sự có thể gây bỏng hoặc gây ra các thương tích nghiêm trọng, chẳng hạn như thủng màng nhĩ, chảy máu tai, mất thính lực tạm thời, nhiễm trùng tai, tổn thương tai giữa,...
Tưởng chừng vệ sinh tai và lấy ráy tai là việc làm đơn giản nhưng nếu thực hiện không đúng cách có thể gây tổn thương tai, tăng nguy cơ nhiễm nấm, vi khuẩn và ảnh hưởng đến thính lực. Do vậy, khi vệ sinh tai mọi người nên lưu ý:
- Không sử dụng tăm bông, kẹp tóc hoặc bất kỳ vật sắc nhọn nào để lấy ráy tai. Vì những thói quen này có thể đẩy ráy tai sâu hơn vào ống tai hoặc thậm chí chọc thủng màng nhĩ.
- Không cần phải lấy ráy tai quá thường xuyên. Vì khi bạn lấy ráy tai quá nhiều thì cơ thể bạn sẽ tạo ra nhiều ráy tai hơn, tạo ra lượng ráy tai dư thừa có thể cản trở thính giác, khiến bạn có nguy cơ cao bị nhiễm trùng tai và các biến chứng khác.
- Đối với những người bị thủng màng nhĩ hoặc bị tiểu đường nên đến bệnh viện để được làm sạch đúng cách.
Độ pH của ráy tai ở những người mắc bệnh tiểu đường có xu hướng ít axit hơn. Do đó, tai của người bệnh tiểu đường ít có khả năng bảo vệ chống lại vi trùng hơn và có nguy cơ bị nhiễm trùng tai cao hơn.
- Khi thấy các triệu chứng bất thường sau khi vệ sinh tai, nên đến bệnh viện thăm khám vì có thể màng nhĩ bị chấn thương. Một số triệu chứng đáng lo ngại bao gồm đau dữ dội, chóng mặt, ù tai, thay đổi thính lực đột ngột hoặc giảm thính lực, hoặc chảy máu phía sau ráy tai.
Có thể nói, ráy tai có tác dụng bảo vệ tai cũng như tiết lộ các vấn đề ở tai thông qua màu sắc. Lấy ráy tai cũng có thể ảnh hưởng đến tai nếu như làm sạch không đúng cách. Do đó, mọi người nên thận trọng khi vệ sinh tai và thăm khám tai định kỳ 6 tháng/lần.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn