Chiều ngày 30/10, bác sĩ Lê Lan Phương, Chủ nhiệm khoa Hồi sức tích cực (BV TƯ Quân đội 108), cho biết, BV đang điều trị cho nữ bệnh nhân Phạm Thị T. (41 tuổi, ở Hà Nội) bị ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat.
Theo hồ sơ bệnh án, ngày 24/10, bệnh nhân được chuyển đến BV trong tình trạng tỉnh táo, đau bụng, buồn nôn, nôn. Người nhà cho biết, trước đó do mâu thuẫn gia đình, bệnh nhân đã uống một thìa thuốc diệt cỏ Paraquat để tự tử. Người nhà phát hiện và nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã thực hiện các biện pháp cấp cứu kịp thời nên hạn chế tối đa biến chứng. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phương, những trường hợp ngộ độc thuốc diệt cỏ sau khi được cứu sống tỉnh táo vẫn có thể xuất hiện suy hô hấp sau 1-2 tuần do tổn thương xơ phổi tiến triển.
Bác sĩ Phương cho biết, ngộ độc thuốc diệt cỏ rất nguy hiểm. Tùy vào nồng độ sử dụng thuốc và thời gian bệnh nhân được cấp cứu mà có những biến chứng khác nhau. Bệnh nhân chỉ cần sử dụng khoảng 5-10ml paraquat 20% đã có nguy cơ tử vong.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai), Paraquat là thuốc trừ cỏ cực độc, tỷ lệ tử vong lên tới 80%. Hiện nay, nhiều biện pháp điều trị đã được nghiên cứu và áp dụng nhưng hiệu quả rất hạn chế trong việc cứu sống bệnh nhân bị ngộ độc Paraquat.
Khi bị nhiễm độc do paraquat, bệnh nhân có biểu hiện bỏng miệng, họng, hoại tử và bong niêm mạc miệng, viêm dạ dày ruột nặng với tổn thương thực quản, dạ dày. Bệnh nhân nôn nhiều, đau bụng, chảy máu đường tiêu hóa cũng như các triệu chứng toàn thân. Các biến chứng của giai đoạn sớm này gồm tràn khí màng tim, tràn khí trung thất và tràn khí màng phổi. Ngoài ra, bệnh nhân khó thở, ho, suy hô hấp,... Khi uống paraquat, chất độc ngấm vào cơ thể, gây tổn thương phổi, xơ phổi, xơ gan. Trường hợp nặng có thể tử vong trong 2-3 ngày, đa phần bệnh nhân tử vong trong vòng 7 ngày, muộn nhất là 3 tháng.