Nếu từng đặt chân đến Cộng hòa Nam Sudan, bạn sẽ bị ám ảnh bởi màu trắng. Màu của những căn lều, những căn nhà tạm bạt ngàn. Đây là nơi hơn 190.000 thường dân của Nam Sudan sống phụ thuộc hoàn toàn vào sự bảo vệ và chu cấp của Liên hợp quốc. Trong đó, phần lớn sống tại khu vực Bentiu, với gần 118.000 người. Bentiu cũng là nơi Bệnh viện Dã chiến cấp 2 của Việt Nam đóng quân làm nhiệm vụ. Màu trắng của lều cũng là nơi cư ngụ của những con người gần như tay trắng, bởi đất nước xung đột và đói nghèo, dù mới qua 8 năm thành lập. 4,3 triệu người mất nhà cửa; 6,2 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói; 2,2 triệu trẻ em không được đến trường...
Nhưng ở đây còn có 1 màu trắng khác. Màu áo blouse. Màu áo của những chiến sĩ quân y mũ nồi xanh đang chung tay góp phần chữa lành những vết thương xung đột của Nam Sudan, màu áo của những người đang nỗ lực để kiến tạo sự bình yên ở nơi này. Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 2 của Việt Nam nằm trong số 14.000 quân nhân, cảnh sát, nhân viên thuộc Phái bộ Gìn giữ Hòa bình LHQ tại Nam Sudan. Trong số 63 thành viên của Bệnh viện, có 10 đồng chí nữ.
Gian nan thử sức
10 nữ quân nhân của Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 2 chiếm tỷ lệ gần 10% trong tổng số 63 thành viên của Bệnh viện là tỷ lệ cao ngoài sự trông đợi của LHQ. Hình ảnh các nữ quân nhân mũ nồi xanh Việt Nam đã tạo được thiện cảm ở môi trường Gìn giữ Hòa bình vốn nhiều khắc nghiệt.
Là phụ nữ, không ai không quý trọng làn da của mình. Nhưng làn da chắc chắn là điều họ phải chấp nhận hy sinh đầu tiên khi sang làm nhiệm vụ tại quốc gia châu Phi này, bởi vào mùa hè, nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến hơn 50 độ C.
Thực hiện nhiệm vụ trong môi trường khắc nghiệt cả về sinh hoạt lẫn an ninh an toàn, đối với nam quân nhân đã là không hề đơn giản, với các chị em của Bệnh viện Dã chiến còn khó khăn hơn bội phần. Thêm vào đó, trong môi trường đa quốc gia, những áp lực còn đến từ chính sự chuyên nghiệp của đồng nghiệp trong lực lượng Gìn giữ Hòa bình của các nước phát triển.
Đã được trải qua quá trình huấn luyện 2 năm trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên trong những ngày đầu, các nữ y bác sĩ của Bệnh viện đã phải hết sức nỗ lực để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa các nội dung được huấn luyện trong nước với thực tế địa bàn, để nhanh chóng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ.
Vạn sự khởi đầu nan. Nhưng bằng nghị lực, ý chí, tất cả 10 thành viên nữ của Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 2 đã dần vượt qua khó khăn trong những ngày đầu để vừa thích nghi với cuộc sống mới, vừa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Cùng với các đồng nghiệp nam, họ đã và đang phát huy những kết quả xuất sắc mà những đồng đội thuộc Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 1 đã đạt được, để Bệnh viện Dã chiến của Việt Nam tiếp tục là địa chỉ tin cậy của các nhân viên Phái bộ làm nhiệm vụ Gìn giữ Hòa bình tại khu vực Bentiu của Nam Sudan.
Bên cạnh sự chuyên nghiệp và trình độ chuyên môn tốt, thái độ tận tình, đồng cảm và sẻ chia của những "lương y như từ mẫu" từ Việt Nam, sự tinh tế, nhạy cảm của người phụ nữ đã trở thành nguồn động viên tinh thần cần thiết đối với lực lượng mũ nồi xanh ở địa bàn đầy thử thách như Bentiu.
Khi chồng là hậu phương vững chắc
Công việc căng thẳng, mệt mỏi nhưng mỗi khi nghĩ về gia đình, họ lại có thêm động lực để tiếp tục cố gắng, bởi họ có một hậu phương vững chắc, với người chồng hết mực cảm thông và thương yêu.
Tới thăm nhà vợ chồng đại úy, QNCN Tạ Thị Kiều Hoa vào những ngày cuối năm, gian bếp đang đỏ lửa, chồng và con gái chị đang tất bất lo bữa cơm cho con trai chị kịp đi học. Anh Bùi Quang Huy, chồng chị Hoa, chia sẻ: "Trước kia, tôi cũng thỉnh thoảng phải lo chuyện cơm nước. Nhưng bây giờ vắng vợ thì mình sẽ phải cố gắng hơn nhiều, vất vả hơn để lo việc nhà, chuyện học hành cho các con. Nhưng tôi sẽ cố gắng để vợ yên tâm công tác. Cáu cháu đã lớn, đã hiểu chuyện, các cháu cũng tâm sự với bố rằng khi mẹ vắng nhà, các cháu sẽ chăm ngoan học tập để mẹ yên lòng".
Khi những người vợ cùng lên đường vì sứ mệnh Gìn giữ Hòa bình, những người chồng động viên nhau cùng chăm sóc chu toàn cho những đứa con. Sự đồng cảm bởi hoàn cảnh chung đã khiến anh Bùi Quang Huy và anh Nguyễn Ngọc Hưng, chồng của đại úy Cao Thùy Dung, trở nên thân thiết. Không chỉ chia sẻ những lo toan cho gia đình trong thời gian 2 người vợ đi vắng, từ kinh nghiệm chăm sóc con cái, hay thậm chí là cách nấu ăn, họ còn cùng nhau chia sẻ niềm tự hào vì người bạn đời của mình đang thực hiện một sứ mệnh vẻ vang mà ít người được trải qua trong đời quân ngũ.
Về những nữ quân nhân Gìn giữ Hòa bình của Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 2 còn có một câu chuyện đặc biệt khác. Đó là vợ chồng trung úy Lê Hồng Thanh và đại úy Lê Thị Hồng Vân cùng lên đường thực hiện nhiệm vụ. Khó khăn, gian khổ, đối với 2 người lính không phải là điều có thể làm họ chùn bước. Song, những suy tư lớn nhất là về cô con gái mới hơn 30 tháng tuổi sẽ phải xa cả cha lẫn mẹ trong vòng 1 năm. Bên nhà chồng neo người, bố anh Thanh mất sớm, anh lại là con trai duy nhất, nên khi biết con trai và cả con dâu sẽ tới một quốc gia xa xôi, đói nghèo, lại đang có nội chiến, ban đầu bà đã rất sốc. Sau một thời gian tâm sự, chia sẻ với mẹ chồng, chị Vân không những được bà thông cảm mà thậm chí còn nhận lại sự động viên từ mẹ chồng. Bởi bà cũng từng là một người lính. Còn cô con gái 2 tuổi, vợ chồng chị nhờ bố mẹ chị Vân chăm lo.
Vợ chồng chị Vân - anh Thanh không coi đây là khó khăn mà thậm chí còn là điều may mắn, bởi khi những đồng đội khác chỉ có một mình, họ lại được sát cánh cùng nhau trong quá trình thực hiện sứ mệnh Gìn giữ Hòa bình.
Thực hiện nhiệm vụ ở một quốc gia xa xôi, những nữ quân nhân của Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 2 không thể về nhà ngay khi gia đình có việc đột xuất. Thấu hiểu điều đó, để củng cố thêm sự an tâm cho những nữ chiến sĩ mũ nồi xanh, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị luôn quan tâm, động viên và sẵn sàng hỗ trợ gia đình các thành viên của Bệnh viện, như lời khẳng định của thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân y: "Chúng tôi muốn các đồng chí khi lên đường hoàn toàn yên tâm là ở nhà có bất cứ việc gì của gia đình, từ việc các cháu ăn học cho đến việc sức khỏe của bố mẹ... sẽ đều có sự quan tâm thường xuyên, sự giúp đỡ hiệu quả của các đơn vị mà các đồng chí đó từng công tác".
***
Dù có ở nơi đâu trên thế giới này, thì mọi người cũng đều có quyền hy vọng vào những điều tốt đẹp khi năm mới đến. Một mùa xuân nữa lại sắp về. Có lẽ, với mỗi thành viên của Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 2, đây sẽ là cái Tết mà họ không thể quên trong đời quân ngũ của mình.
Tạm gác niềm vui sum vầy bên gia đình khi Tết đến xuân về, họ đang góp sức tạo ra mùa xuân cho nhiều người, để biến những hy vọng, mong mỏi về một tương lai không còn tiếng súng, không còn đói nghèo của người dân Nam Sudan thành hiện thực.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn