Máu và nước mắt trẻ em Syria trong nội chiến

09:49 | 07/01/2020;
Cuộc nội chiến kéo dài gần 9 năm ở Syria đã gây ra cái chết của gần 400.000 người, khiến hàng triệu dân phải đi tị nạn từ khi nó bắt đầu năm 2011. Theo báo cáo của Cơ quan Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), có hơn 115.000 dân thường thiệt mạng, bao gồm 22.000 trẻ em và 13.612 phụ nữ. Hàng triệu trẻ em Syria ở độ 8-9 tuổi cả cuộc đời chịu bom rơi đạn lạc, xung đột và lang thang chạy loạn.

Không biết gì khác ngoài bom đạn chiến tranh

Bom đạn và sự đổ nát là những điều đầu tiên khi hình dung về cuộc nội chiến kéo dài ở Syria. Đến nay, khoảng 2,6 triệu người Syria đã rời bỏ đất nước của mình và khoảng 4 triệu người đã phải rời bỏ nơi cư trú của mình. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trong số những người tị nạn có tới 1 triệu trẻ em và còn vô số những đứa trẻ khác bị bỏ lại giữa mảnh đất chỉ có bom rơi lửa đạn.

Chạy loạn

Chạy loạn

Khi những cuộc chiến dai dẳng, kéo dài ngày càng trở nên quyết liệt, Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều tổ chức phi chính phủ không ngừng đưa ra các cảnh báo về nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ tại quốc gia Trung Đông này. Chưa bao giờ người ta lại nhắc nhiều tới số phận của trẻ em, những thế hệ tương lai của Syria như lúc này. Số người thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài suốt gần 9 năm qua tại Syria đã lên tới gần 400.000 người, trong đó có 22.000 trẻ em và 13.612 phụ nữ. Họ không chỉ là những nạn nhân dễ bị tổn thương nhất bởi bom đạn, họ còn dễ dàng bị những phần tử khủng bố bắt cóc để phục vụ nhiều mưu đồ đen tối.

Những ánh mắt ngây thơ vô tội của các em bé Syria khi chạy trốn cuộc chiến

Những ánh mắt ngây thơ vô tội của các em bé Syria khi chạy trốn cuộc chiến

Nhiều tổ chức hoạt động nhân đạo cũng như y tế trên khắp thế giới đã lên tiếng đề nghị LHQ cần phải có giải pháp kịp thời nhằm chấm dứt xung đột tại khu vực Đông Ghouta nói riêng và toàn Syria nói chung, đồng thời tăng cường bảo vệ sự an toàn cho dân thường vô tội, đặc biệt là trẻ em. Hơn ai hết, trẻ em Syria đang thực sự là những nạn nhân trực tiếp của thảm họa nhân đạo được LHQ đánh giá là nghiêm trọng nhất thế kỷ này. UNICEF nhấn mạnh, các bên tham gia xung đột đang coi thường tính mạng của gần 7 triệu trẻ em Syria. Trẻ em không chỉ là mục tiêu tấn công trực tiếp mà còn bị từ chối tiếp cận các dịch vụ cơ bản và rơi vào tình trạng thiếu thốn lương thực, thuốc men, trong khi trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng dân sự bị bom đạn phá hủy. Cuộc sống của trẻ em tại Syria hiện rất bấp bênh, thiếu các dịch vụ y tế và xã hội thiết yếu. Một cuộc điều tra mới đây về dinh dưỡng cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em Syria là rất đáng báo động, đã tăng gấp 3, thậm chí là gấp 4 lần so với trước đây. Phần lớn các em không được đến trường bởi bố mẹ các em lo sợ nguy cơ một cuộc tấn công có thể xảy ra bất cứ lúc nào và thậm chí là ngay khi các em đang trên đường đến trường.

Cuộc đời sau những hàng rào ngăn cách

Cuộc đời sau những hàng rào ngăn cách

Hàng triệu trẻ em Syria ở độ 8-9 tuổi cả cuộc đời không biết gì ngoài chiến tranh, xung đột và lang thang chạy loạn. Tương lai của các em và cả Syria, chưa biết bao giờ mới yên ổn cho một công cuộc tái thiết mà Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) nói sẽ cần tới hàng trăm tỷ USD. Một cuộc khảo sát mới đây do tổ chức cứu trợ World Vision thực hiện tìm thấy hơn 60% trẻ em ở Syria đã nói lên nỗi sợ hãi về hành động bạo lực, chiến tranh và sự mất mát những người thân yêu trong gia đình. Bà Virginia Gamba - Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về vấn đề Trẻ em và xung đột vũ trang cho biết, tình trạng của trẻ em Syria vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối.

Tảo hôn và nghèo đói

Tảo hôn và nghèo đói

Chiến tranh cũng đẩy nhiều trẻ em gái Syria sớm bước vào hôn nhân với những kết cục bẽ bàng. Ngồi trong căn lều tối của trại tị nạn, Aziza vỗ về đứa con nhỏ trong khi đôi bàn tay của người mẹ mới 17 tuổi khẽ chỉnh lại núm vú giả trong miệng bé, buồn tủi nhìn lại những gì còn lại từ hai cuộc hôn nhân đổ vỡ. Dáng vóc có phần nhỏ bé của người mẹ "trẻ con" càng khiến cảnh tượng trông giống như một đứa trẻ đang bế một đứa trẻ. Cha mẹ gả Aziza cho một người anh họ khi cô mới 14 tuổi. Mẹ Aziza nói những cô gái tuổi đó lấy chồng là chuyện bình thường tại bộ lạc của họ ở Syria vì điều đó sẽ bảo vệ nữ giới khỏi bị quấy rối và giảm gánh nặng tiền bạc lên gia đình. Mỗi cuộc hôn nhân của Aziza đều chỉ kéo dài khoảng 1 năm. Không lâu sau khi ly dị người chồng đầu tiên do trục trặc với mẹ chồng, cô gái trẻ "nhắm mắt" đi bước nữa bởi sự xấu hổ vì những đồn thổi trong cộng đồng về cuộc hôn nhân đổ vỡ. Cuộc hôn nhân thứ hai cũng sớm kết thúc khi Aziza bị người chồng hơn em 14 tuổi đánh đập tàn bạo. "Tôi hối tiếc vì đã kết hôn. Ở tuổi tôi, nhiều cô gái đang còn học hành. Họ có ước mơ. Tôi không có gì cả. Tôi đã bị hủy hoại hoàn toàn", Aziza nói với đôi mắt ngấn lệ. "Đừng lấy chồng và phải học cho xong", Aziza muốn gửi thông điệp này tới các cô gái Syria tị nạn. Còn đối với cậu con trai mới 5 tháng tuổi của mình, người mẹ trẻ mong bé sẽ có một cuộc sống khác, được học hành, biết chữ và có một tương lai tươi đẹp hơn.

Hy vọng 2020 sẽ là một năm hòa bình

Trong một tuyên bố nhân dịp năm mới 2020, Giám đốc UNICEF Henrietta Fore kêu gọi ngừng chiến tranh ở phía Tây Bắc và chấm dứt cuộc chiến kéo dài 9 năm qua khiến hàng triệu trẻ em bị mắc kẹt trong cuộc xung đột. Ngay trong ngày đầu năm mới 2020, 6 đứa trẻ đã bị thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng tên lửa vào một trường tiểu học ở Idllib, nằm ở phía Tây Bắc Syria. Ngoài ra, mỗi ngày có gần 4.500 trẻ em buộc phải rời bỏ nhà cửa, thậm chí nhiều đứa trẻ đã phải di dời nhiều lần. Theo bà Force, tình trạng bạo lực nghiêm trọng diễn ra ngay tại Idlib và khu vực xung quanh trong những tuần gần đây đã khiến ít nhất 140.00 đứa trẻ phải di tản một mình.

Mong mỏi hòa bình

Mong mỏi hòa bình

UNICEF và các đối tác đang nỗ lực để cung cấp cho trẻ em Syria quần áo và chăn màn mùa đông, nước uống sạch, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và tâm lý xã hội, cùng nhiều sự hỗ trợ khác. Tuy nhiên, Giám đốc UNICEF cho rằng, mặc dù những nỗ lực này có thể giúp cứu sống người dân, chúng vẫn chưa đủ. "Trẻ em ở Syria đã chứng kiến và trải qua những đau khổ không thể tưởng tượng được trong nhiều năm qua. Chỉ có kết thúc chiến tranh mới có thể mang lại cho trẻ em Syria sự an toàn mà chúng cần và xứng đáng được hưởng", bà Fore nhấn mạnh. Bà bày tỏ hy vọng rằng, năm 2020 sẽ là "một năm hòa bình" cho trẻ em Syria.

Sẽ trở lại những lớp học ấm áp

Sẽ trở lại những lớp học ấm áp

UNICEF cũng kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công vào trẻ em và các dịch vụ liên quan đến trẻ nhỏ, chẳng hạn như các cơ sở y tế và trường học, chấm dứt chiến sự ở tây bắc Syria ngay lập tức, và nối lại các nỗ lực để đạt được thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh. Ngoài ra, lãnh đạo UNICEF kêu gọi cộng đồng quốc tế đổi mới các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về việc cung cấp quyền tiếp cận nhân đạo đến Tây Bắc Syria và trên khắp đất nước, trong đó có việc thông qua các hoạt động xuyên biên giới. Trước đó, ngày 1/7/2019, Cơ quan đại diện của Liên hợp quốc về quyền trẻ em ở các vùng xung đột vũ trang đã ký kết Kế hoạch hành động về bảo vệ trẻ em với lực lượng đối lập của Syria nhằm chấm dứt và ngăn ngừa tuyển quân là trẻ em dưới 18 tuổi. Kế hoạch hành động trên nhằm phối hợp với các bên tham chiến trong cuộc xung đột kéo dài ở Syria đóng vai trò quan trọng nhằm bảo vệ nhiều hơn cho trẻ em ở Syria.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn