May mặc Việt Nam đối mặt nhiều thách thức (Bài 2): Lao động nữ trước nguy cơ mất việc làm

09:00 | 14/07/2019;
Sau hàng thập niên luôn giữ đà tăng trưởng tốt, ưu thế về chi phí nhân công rẻ trong ngành dệt may của Việt Nam có thể sẽ không còn nữa, nguy cơ hàng triệu lao động nữ ngành này mất việc đang ngày càng hiện hữu.
Nguy cơ thua ngay trên "sân nhà"
 
Tám rưỡi tối, chị Trịnh Thị Tuyền (trú tại xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) mới về nhà và bắt đầu bữa tối của mình. Nhưng đó là những ngày bình thường, còn hôm nào công ty tăng ca, chị về nhà muộn hơn. Mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng khi làm công nhân may mặc, với chị đó là khoản thu nhập nhiều gấp hàng chục lần so với trồng lúa. 5 sào ruộng trồng lúa của gia đình, chị nhường lại cho người em, chỉ mỗi vụ lấy vài tạ thóc để đủ ăn.
 
Chị Tuyền cho biết, công việc trong nhà máy dù cũng vất vả nhưng cũng vẫn hơn nghề nông “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn không đủ ăn. Cũng nhờ có thu nhập từ ngày đi làm công nhân may mặc, mà chị cùng chồng đã dành dụm được tiền để sửa sang lại ngôi nhà 3 gian của mình khang trang hơn.
 
detmay1.jpg
Ảnh minh họa

 

“Công việc vẫn đều đều. Đợt nào đơn hàng xuất khẩu được nhiều thì công ty làm thêm ca, thêm giờ, thu nhập tháng cũng được thêm 1 - 2 triệu đồng nữa. Cũng may là công ty chỉ cách nhà 4 - 5 cây số, nên tôi đi làm cũng thuận tiện”, chị Tuyền nói.
Đi vào hoạt động từ năm 2010, Công ty TNHH May Xuất khẩu Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đến nay có quy mô sản xuất với hàng trăm công nhân, trong đó đa số là các phụ nữ địa phương trước đó làm nghề nông như chị Tuyền. Nhiều người đã bỏ hẳn nghề trồng lúa để chuyển sang làm công nhân may mặc cho công ty. Trong nhiều năm, xuất khẩu của ngành dệt may tăng trưởng tốt, đầu ra cho sản phẩm của công ty được đảm bảo đã giúp thu nhập công nhân ở công ty được ổn định. Nghề may mặc cũng đã ít nhiều giải được phần nào bài toán lao động lúc nông nhàn ở địa phương.
 
Dệt may vốn là một ngành có truyền thống sử dụng lượng lao động cao, với Việt Nam, đây là ngành đóng vai trò xuất khẩu mũi nhọn. Mỗi năm, ngành này mang lại hơn 30 tỉ USD cho Việt Nam về xuất khẩu, đứng thứ 2 sau điện tử. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tính chung trong cả nước, ngành dệt may hiện nay tạo việc làm cho khoảng 2,5 triệu lao động, trong đó 80% là phụ nữ.
 
Hơn một thập niên qua, cơ cấu kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Điều này kéo theo sự dịch chuyển lao động giữa các ngành nghề, và, từng có lúc đã tạo ra tình trạng khan hiếm lao động tại 6.000 công ty dệt may Việt Nam (phần lớn trong số các doanh nghiệp này đang gia công cho các thương hiệu thời trang quốc tế). Bài toán thiếu lao động và nhà xưởng cho ngành dệt may từng khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu.
 
 
detmay2.jpg
 
Nhưng đó là câu chuyện của hiện tại. Trong tương lai gần, có thể câu chuyện sẽ khác, khi nhiều khó khăn, thách thức phía trước, cả trong trung hạn và dài hạn, đang chờ ngành dệt may Việt Nam. Nguy cơ thua ngay trên chính sân nhà của mình đang dần dần hiện hữu, khi mà lao động giá rẻ và gia công giúp giảm bớt các công đoạn phức tạp sẽ không còn là lợi thế của ngành dệt may Việt Nam, thì những lao động như chị Tuyền chắc chắn sẽ không còn việc làm trong các công ty may nữa. Muốn tồn tại, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần thay đổi để thích ứng môi trường mới.
 
Rủi ro kép
 
Có một câu chuyện từng xảy ra cách đây nhiều năm nhưng vẫn được giới doanh nghiệp dệt may ở Hà Nội truyền tai nhau đến tận bây giờ. Một tập đoàn chuyên kinh doanh về bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán khá có tiếng ở Hà Nội may đồng phục cho nhân viên. Sau khi đã hoàn thành mẫu và logo đồng phục (thiết kế từ nước ngoài), công ty này liên hệ đặt hàng với các doanh nghiệp dệt may ở miền Bắc. Các doanh nghiệp lắc đầu. Vào thời điểm ấy, không doanh nghiệp nào có máy hiện đại để may chỉ đôi cho đồng phục như yêu cầu của công ty đặt hàng. Cuối cùng, phải đặt hàng từ đối tác nước ngoài. Giá của mỗi chiếc máy dập kim khâu trong dây chuyền hiện đại lên đến hàng tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi đó đã không dám đầu tư.
 
Câu chuyện trên vẫn được Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhắc lại như một lời cảnh báo cho các doanh nghiệp: hoặc đổi mới, hoặc sẽ thất bại. Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang phải đổi mặt với những rủi ro kép: phía doanh nghiệp và phía người lao động.
 
 
robotdetmay.jpg
Một robot may quần áo tự động của Mỹ. Năng suất sau 8 giờ của robot này gần gấp đôi năng suất của 10 công nhân trong cùng thời gian.

 

Ở phía doanh nghiệp, áp lực về chi phí nguyên liệu đầu vào do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao do phải phụ thuộc từ bên ngoài luôn thường trực với nhiều doanh nghiệp. Đáng chú ý, xu hướng tăng giá nhân công tại Việt Nam do việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu và thay đổi về bảo hiểm xã hội diễn ra theo quy định của luật pháp đã khiến thị trường lao động Việt Nam càng mất dần sức cạnh tranh so với các quốc gia khác.
 
Nhưng phía lao động ngành dệt may cũng đứng trước nhiều rủi ro cao. Để tăng sức cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp ngành dệt may phải tự đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm tăng năng suất, cắt giảm nhân công để giảm chi phí. Điều này cũng đồng nghĩa với việc lực lượng lao động ngành dệt may - chủ yếu là nữ - sẽ giảm mạnh trong những năm tới, hoặc buộc phải dịch chuyển sang khu vực sản xuất khác.
 
Hiện nay, trong ngành dệt may, thời gian sản xuất là một yếu tố quan trọng đánh giá năng lực sản xuất. Trước xu hướng thời trang thay đổi nhanh chóng, việc chủ động quản lý thời gian sản xuất để kịp thời giao các đơn hàng trong khoảng thời gian càng ngắn là một tiêu chí thể hiện năng suất. Thời gian hoàn tất một đơn hàng trung bình tại Việt Nam hiện nay từ 60 đến 90 ngày với sản phẩm quần áo bằng vải dệt thoi và 60 - 70 ngày với vải dệt kim. Khâu may cũng là khâu thường thâm dụng lao động nhiều nhất, nhưng đến nay, nhiều nhà máy đã áp dụng công nghệ tự động hóa một phần, bỏ qua nhân công khâu này.
 
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã ra cảnh báo, 86% người lao động Việt Nam trong hai ngành dệt may và da giày có thể đối mặt với nguy cơ mất việc làm cao do tự động hóa và robot trong các dây chuyền sản xuất. Tại Mỹ và Nhật Bản, đã có những nhà máy may sử dụng robot vận hành. Ông Việt cho biết, có hãng thời trang thể thao của Mỹ đã quay trở lại thị trường tiêu thụ của họ, dùng rô bốt và công nghệ cao để sản xuất nhanh hơn.
 
Cách đây 3 năm, sau nhiều năm nghiên cứu, SoftWear Automation (Mỹ) đã cho ra mắt robot LOWRY, một robot có khả năng tự cắt vải, may quần áo thành phẩm theo thiết kế có từ trước. Ban đầu, robot này chỉ có thể may các sản phẩm đơn giản như khăn tắm, nhưng nay nó đã đủ sức để may được áo thun và quần jeans. LOWRY có thể thay thế hoàn toàn một dây chuyền may có 10 công nhân với công suất lên tới 1.142 chiếc áo thun trong 8 giờ (trong khi cùng thời gian ấy, 10 công nhân chỉ có thể tạo ra 669 cái áo thun) và robot may tự động này chỉ cần một công nhân điều khiển là có thể hoàn toàn thay thế 17 công nhân may.
 
 
dm.jpg
Ảnh minh họa

 

Sau hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) được ký kết, Việt Nam được dự báo sẽ thành một quốc gia có môi trường đầu tư hấp dẫn với hơn 96 triệu dân - một tiềm năng lớn về thị trường tiêu thụ. Thực tế đã chứng minh điều đó. Các báo cáo kinh tế từ cuối năm ngoái đến quý II năm nay đều cho thấy, các dòng vốn FDI đang dịch chuyển mạnh mẽ vào Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may đến từ Mỹ, Hàn Quốc…
 
Ở góc độ kinh tế, đây là điều đang mừng, bởi việc thu hút đầu tư sẽ tạo môi trường cạnh tranh, cũng là cơ hội để doanh nghiệp dệt may trong nước tự hoàn thiện mình, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Nhưng ở góc độ xã hội, điều này cũng tạo ra những xáo trộn đáng kể về lao động và việc làm, khi hàng triệu lao động nữ ngành dệt may chưa biết sẽ đi đâu, làm gì. 
 
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam): "Dệt may là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn chung đời sống của người lao động trong ngành còn nhiều khó khăn, nhiều công nhân may có mức lương chưa đủ sống. Ngoài ra, vấn đề việc làm cho lao động ngành dệt may cũng đang là thách thức lớn trong tương lai gần.
 
Do đó, doanh nghiệp không chỉ cần đổi mới, nâng cao năng suất lao động mà còn phải tiết giảm chi phí khác để quan tâm hơn đến người lao động. Đã đến lúc không thể lấy nhân công giá rẻ, đặc biệt là lao động ngành may để thu hút đầu tư cũng như đàm phán các hợp đồng để trả lương cho người lao động".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn