Mới đây, Tập đoàn Vingroup cho biết, đã ký kết hợp đồng với hãng Medtronic của Mỹ để được sử dụng thiết kế của họ cho Máy thở Xâm nhập nhãn hiệu PB560. Đồng thời bắt tay vào nghiên cứu Máy thở Không Xâm nhập dựa theo thiết kế do trường Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng.
Vingroup dự kiến sẽ cung cấp các thiết bị này cho Bộ Y tế Việt Nam với đúng giá thành linh kiện và không tính tất cả các chi phí vận chuyển, thuế các loại, chi phí nhân công, sản xuất… vào giá thành. Ngoài ra với công suất của các nhà máy VinFast, VinSmart có thể sản xuất tới 45.000 Máy thở không xâm nhập và 10.000 Máy thở Xâm nhập mỗi tháng.
Tuy nhiên, dư luận cũng thắc mắc về các loại máy thở mà Vingroup vừa nêu, bởi trước đó có một số thông tin cho biết một giáo sư người Việt ở Nhật cũng sẽ hỗ trợ dây chuyền, công nghệ để sản xuất 2.000 máy trợ thở cho Việt Nam. Vậy, máy trợ thở và các máy thở của Tập đoàn Vingroup của giống nhau không?
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) cho biết, trong y khoa không có máy trợ thở mà chỉ có máy thở. Máy thở được phân thành 2 loại là máy thở không xâm nhập (CPAP, BiPAP) và máy thở xâm nhập.
Theo TS. Cấp, máy thở không xâm nhập CPAP bản chất là cái quạt tạo ra một dòng khí có áp lực dương để hỗ trợ động tác hít vào của bệnh nhân đỡ tốn sức. Tuy vậy áp lực dương này sẽ cản trở động tác thở ra. Nó đơn giản nên rẻ tiền. Máy thở BiPAP hiện đại hơn, nó cảm nhận được thì hít vào của bệnh nhân để nâng áp lực hỗ trợ lên cao và cảm nhận thì thở ra của bệnh nhân để hạ áp lực xuống thấp để bệnh nhân thở ra không bị cản trở.
Còn máy thở xâm nhập là những máy được thiết kế để thở cho những bệnh nhân nặng, phải thở qua ống nội khí quản. Khi đó máy sẽ kiểm soát hoạt động hô hấp của bệnh nhân. Do phải đáp ứng với nhiều yêu cầu hô hấp ở bệnh nhân nặng nên máy sẽ có nhiều phương thức thở khác nhau. Thậm chí đa năng thở cả xâm nhập hay không xâm nhập.
Trừ máy thở CPAP đương nhiên rẻ tiền. Các máy thở đắt rẻ khác nhau phụ thuộc vào độ tinh vi của phần mềm điều khiển, độ nhanh nhạy, chính xác của bộ vi xử lý và sensor, độ bền và thương hiệu cùng các thiết kế kèm theo.
TS. Cấp cũng cho biết, một công ty ô tô khi phát triển 1 model có thể sản xuất ra hàng triệu chiếc, nhưng 1 công ty máy thở khi phát triển một model chỉ sản xuất được vài ngàn chiếc. Do vậy giá bán một chiếc ô tô chỉ cao hơn giá thành sản xuất vài chục phần trăm nhưng giá bán một máy thở có thể cao gấp hàng chục lần giá thành sản xuất. Bởi vậy, với một công ty sản xuất một model có sẵn cho một đơn hàng lớn nhiều ngàn chiếc thì đôi khi giá thành có thể giảm đến bất ngờ.
Riêng về dòng máy thở Vingroup sẽ sản xuất, đó là máy thở theo thiết kế của Puritan Bennett 560 là dòng máy xâm nhập, thiết kế chính cho vận chuyển nhưng có thể dùng để thở máy cơ bản. Hơn nữa, Công ty Puritan Bennett là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới trong sản xuất máy thở.
Các chuyên gia cho biết, trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, sự tham gia của Vingroup sẽ giúp Việt Nam trang bị thêm được một lượng máy thở lớn đề đề phòng trường hợp xấu có thể xảy ra. Bởi hiện nay, cả nước chỉ có hơn 4.000 máy thở xâm nhập. Với tiềm lực kinh tế vững vàng, chắc chắn Vingroup sẽ thực hiện thành công giống như xe máy và ô tô mà Tập đoàn đã triển khai.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn