Vẫn biết thời gian là không quay trở lại và phải khi nếm trải những bài học rồi mới thấy tiếc nuối. Nhưng vẫn có 2 điều quan trọng về tài chính mà Trần Huyền (hiện đang sống tại Hà Nội) muốn thay đổi nếu như được quay lại tuổi 22 - thời điểm mới tốt nghiệp Đại học.
Chắc chắn không chỉ riêng Trần Huyền, mà phần đông mọi người ở những năm tháng tuổi trẻ, đều làm được bao nhiêu là tiêu hết bấy nhiêu. Huyền đã từng đầu tháng ngóng nhận lương để mua sắm quần áo, túi xách, điện thoại xịn sò,... Gần cuối tháng thì lại đi vay nợ để cầm cự tới tháng lương tiếp theo. Tháng tiếp theo nhận lương lại trả nợ đầu tháng, rồi ăn tiêu mua sắm, cuối tháng lại đi vay. Cứ như vậy thành một vòng luẩn quẩn không có điểm dừng.
"Mình đã từng nghĩ “còn đôi bàn tay này thì còn làm ra tiền”, “kiếm tiền là việc cả đời”, “đời người chỉ sống có 1 lần nên phải biết hưởng thụ” để tự thao túng tâm lý chính mình. Khoản tài chính của mình chỉ trông chờ vào tháng lương tiếp theo, không có bất cứ một khoản thu nhập khác, hay có một khoản tiết kiệm để dự phòng. Vì thế mà chỉ cần công ty chậm lương là biết bao vấn đề xảy ra. Tuy nhiên vì khi đó còn độc thân, bố mẹ vẫn nuôi ăn ở, nên có lẽ mình chưa thấy hết được mức độ nghiêm trọng của việc không biết quản lý tài chính cá nhân", Trần Huyền chia sẻ.
Warren Buffett bắt đầu đầu tư khi ông mới 11 tuổi, vậy mà ông vẫn nói rằng ông đã bỏ phí mất 11 năm cuộc đời. Còn Huyền đã phải bỏ phí tới tận 30 năm cuộc đời mới bắt đầu biết cách quản lý tài chính, biết tiết kiệm và đầu tư dài hạn.
Khi hiểu được vai trò quan trọng của thời gian đối với việc tiết kiệm - đầu tư, Huyền ước gì có thể bắt đầu sớm hơn, ít nhất là khi vừa ra trường đi làm, thì chắc chắn cuộc sống hiện tại và cả sau này sẽ nhẹ nhàng hơn rất rất nhiều. Bởi nếu biết về lãi suất kép, sẽ thấy sức mạnh của thời gian lớn như thế nào.
"30 tuổi mình mới bắt đầu biết tiết kiệm, thì ít nhất phải mất 10 - 15 năm mới có một khoản tích lũy tương đối. Còn nếu mình bắt đầu từ năm 22 tuổi, mình đã có thể tiết kiệm được nhiều hơn (do chưa phải lo nhiều khoản dành cho con cái). Tới năm 32 - 33 tuổi là mình an tâm sống và làm việc vì đam mê, bớt áp lực kinh tế, và tuổi già sẽ có cuộc sống an nhàn thực sự", Huyền chia sẻ thêm.
Nếu được quay lại thời điểm bắt đầu ra trường và kiếm được tiền, Trần Huyền sẽ tìm hiểu và tham gia các kênh giúp bảo vệ tài chính như bảo hiểm nhân thọ. Bởi khi đó, tuổi còn trẻ nên phí tham gia các kênh như thế này vẫn còn rẻ và mệnh giá bảo vệ lớn. Ví dụ như bảo hiểm nhân thọ phí tham gia là 10 triệu/năm và mệnh giá bảo vệ lên tới 10 tỷ. Và đương nhiên phạm vi bảo vệ cũng sẽ rộng hơn.
Chưa kể nếu tham gia từ khi đó tới bây giờ, chắc chắn những lần vào viện vì ốm đau, bệnh tật đã có thể sử dụng dịch vụ y tế tốt hơn cũng như không phải tự rút ví ra để trả tiền viện phí. Ngoài ra, Huyền cũng đã có thể tích lũy một khoản không nhỏ trong hợp đồng bảo hiểm.
"Đến năm mình 30 tuổi, nhận thức được vai trò của bản thân đối với gia đình, mình mới tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đầu tiên thì phí không được rẻ như năm 22 tuổi nữa. Tuy nhiên bắt đầu muộn còn hơn không bắt đầu, mình cũng may mắn chưa phải trả giá đắt nào cả. Vì thế, nếu quay lại tuổi 22, mình chắc chắn sẽ tìm hiểu và tham gia bảo hiểm nhân thọ", Huyền cho biết.
Ai cũng sẽ có những sai lầm tài chính, thiếu sót trong chi tiêu ở quãng đời tuổi trẻ. Nhưng với Huyền thì rút ra bài học để một ngày nào đó không phải tiếc nuối, nói "giá như" cũng là một điều hạnh phúc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn