Nghiên cứu đã chỉ ra một số biến đổi gene ở các thế hệ chuột con thứ nhất và thứ ba của những con chuột được ăn theo chế độ giàu chất béo trong thời gian mang thai; trong đó có một số gene liên quan sự gia tăng nguy cơ bị ung thư vú ở phụ nữ, gia tăng tình trạng kháng phương pháp điều trị ung thư, giảm mức độ chính xác trong chẩn đoán bệnh ung thư và làm tổn hại hệ miễn dịch chống ung thư.
Trong nghiên cứu trên, những con chuột thí nghiệm được cho ăn lượng chất béo tương đương khẩu phần chất béo một người có thể tiêu thụ hàng ngày. Nhóm chuột này và nhóm chuột đối chiếu để so sánh kết quả được cho ăn lượng calo bằng nhau và có cân nặng bằng nhau.Nhiều nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng, phụ nữ mang thai có xu hướng tiêu thụ nhiều chất béo hơn phụ nữ không mang thai, nhất là vào 3 tháng đầu và ba tháng giữa thai kỳ.
Năm 2012, trên thế giới có 1,7 triệu ca bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú trong đó 90% không xác định được nguyên nhân, do đó các nhà khoa học cho rằng kết quả nghiên cứu mới nói trên có thể là bằng chứng cho thấy chế độ ăn có thể là một nguyên nhân.