Mẹ bỉm sữa chia sẻ kinh nghiệm luyện EASY cho con

09:06 | 17/01/2023;
Từ khi chị Kim Qui luyện nếp sinh hoạt EASY cho con, bé ăn ngủ có giờ giấc, mẹ và gia đình nhàn hơn nhiều. Trước kia mẹ phải bế rong, cả nhà "đánh vật" con mới chịu ngủ.

Lúc mang bầu em bé Sushi, chị Kim Qui (TP.HCM) chưa biết gì về nuôi dạy con theo phương pháp EASY. Sau đó, mẹ trẻ được tiếp cận phương pháp này nhờ chị của mình. Con của chị đó từ bé đã được mẹ rèn nếp sinh hoạt EASY nên bé rất ngoan, sinh hoạt có giờ giấc, tự lập... Chính vì vậy chị Kim Qui muốn học tập người mẹ đó.

Chị Kim Qui chia sẻ: "Chị giới thiệu cho mình bộ sách "Nuôi con không phải là cuộc chiến" rồi "Đọc vị mọi vấn đề của trẻ", "Để con được ốm",... Sau khi đọc và nghiên cứu, thấy được những lợi ích khi cho bé theo EASY nên mình quyết định sẽ thiết lập nếp sinh hoạt này cho con ngay từ khi mới chào đời. Sau đó mình lại tiếp tục mò mẫm vào hội nhóm nuôi con EASY trên mạng xã hội để học hỏi thêm kinh nghiệm của các mẹ bỉm "cùng chung chí hướng"".

Mẹ bỉm sữa chia sẻ kinh nghiệm luyện EASY cho con - Ảnh 1.

Chị Kim Qui và con gái.

Kinh nghiệm rèn luyện con theo phương pháp EASY của mẹ trẻ

Theo chị Kim Qui, quá trình nuôi dạy con theo EASY nói dễ thì cũng không dễ, mà khó thì cũng không khó. Cách chị rèn nếp sinh hoạt cho con như sau:

- Đầu tiên chị xác định tập cho con phân biệt ngày đêm ngay từ trong bệnh viện. Ban ngày ngủ thì sẽ ồn ào hơn, có một ít ánh sáng, đêm ngủ thì tắt đèn tối hoàn toàn, yên tĩnh. Ban ngày con ti xong thì trò chuyện cùng con, còn tối sau khi ti xong thì cho con ngủ lại luôn. Em bé của chị Kim Qui rất ngoan. Con chưa ngủ ngày cày đêm bao giờ cả.

- Trong tháng đầu tiên con vẫn ăn ngủ là chủ yếu, nhưng ngay từ những ngày đầu chị Kim Qui xác định được con mình thuốc tuýp em bé cáu kỉnh (con hay gắt ngủ, xấu tính khi đói, gào khóc thì khó để vỗ con nín). Để bé theo EASY tốt hơn thì chị cố gắng cho con làm quen luôn từ khi từ viện về nhà. Ban đầu theo EASY 3, cứ ăn xong mẹ trẻ sẽ nói chuyện cùng con, cho con xem thẻ kích thích thị giác.

- Ngoài ra, chị sử dụng công cụ hỗ trợ từ khi mới sinh bé luôn. Quấn chũn và tiếng ồn trắng khi ngủ là không thể thiếu vì một chiếc lá rơi cũng đủ làm con giật mình, thêm vào đó là phản xạ moro của Sushi dữ dội lắm. Lúc đầu mình cũng phân vân rất nhiều về cái lợi và hại của dùng ti giả. Nhưng rồi mới 3 ngày tuổi mà bé khóc gắt quá, chồng chị mua ti giả cho bé dùng thử và không ngờ là con hợp tác ngay lần đầu tiên, đỡ gắt hẳn luôn.

- Bé ra tháng chị "siết" lịch sát hơn, và cứ duy trì cho con. Đêm thì con ngủ, dậy ti xong ngủ lại không cần ru. Đêm con dậy 3 lần, sau đó còn 2 lần. Mẹ trẻ dùng ti giả để giãn cữ và cai ti đêm dần cho con luôn. Hiện con được 4 tháng rưỡi và đã cai ti đêm hoàn toàn, ngủ thẳng giấc từ 7h30 -7h sáng. Các giấc ngủ ngày thỉnh thoảng con chuyển giấc chưa hiệu quả, mẹ hỗ trợ thì con vẫn ngủ lại được. Nhờ Easy mà mẹ hiểu con hơn, hiểu được tiếng khóc của con, hiểu được nhu cầu của con.

- Con sinh hoạt có giờ giấc mẹ cũng có thời gian làm việc hơn, thậm chí con vào giấc đêm mẹ biết con sẽ ngủ thẳng đến sáng nên nhờ ông bà trông cháu ngủ bố mẹ đi xem phim, dạo phố.

Mẹ bỉm sữa chia sẻ kinh nghiệm luyện EASY cho con - Ảnh 2.

Khi con có nếp sinh hoạt EASY, gia đình chị Kim Qui cảm thấy nhàn hơn nhiều.

Kinh nghiệm luyện ngủ cho bé

Lúc đầu chị Kim Qui không luyện con tự ngủ vì cảm thấy thương con khi bé khóc. Thực ra có phương pháp rèn con tự ngủ không cần để bé khóc nhưng thời điểm đó mẹ trẻ áp dụng không thành công. Thêm vào đó, ông bà thường có thói quen bế ru cháu ngủ nên con quen. Cả nhà cứ phải bồng bế, ầu ơ thì con mới ngủ được.

"Và thế là bế ru ròng rã 3 tháng trời, con catnap, con ngủ trên tay, thậm chí con còn gắt ngủ hơn, khóc nửa tiếng mệt quá rồi ngủ. Mặc dù khi đó mình biết dấu hiệu của còn buồn ngủ nhưng chưa biết cách hỗ trợ con vào giấc được. Mình bất lực ôm con.

Và thế là mình lại lọ mọ nghiên cứu kỹ hơn và quyết tâm luyện tự ngủ cho con. Mình quyết định theo phương pháp CIO with check (để cho bé tự ngủ và bé khóc có kiểm soát trước khi vào giấc ngủ) và làm theo. 

Kết quả ngoài mong đợi, chỉ với 2 nút chờ, mỗi nút 5 phút là con ngủ luôn. Tính ra con chỉ khóc đâu đó khoảng tầm 5-7 phút rồi chìm dần vào giấc ngủ. Sau 1 tháng thì giờ chỉ cần đúng quy trình tự ngủ, công cụ hỗ trợ, bỏ qua bước wind-down luôn, đặt xuống 2 phút là con ngủ. Đôi khi bé có khóc nhưng mình biết đó là tiếng khóc mantra con tự trấn an nên cứ để vậy, 2-5 phút là ngủ ngay thôi. So với việc bế con trên tay mà con vẫn khóc hàng giờ đồng hồ thì để con tự trấn an và chỉ 5 phút là vào giấc thì mình thấy việc luyện ngủ cho con là quyết định đúng đắn. 

Để luyện tự ngủ thì các mẹ nên chuẩn bị một số công cụ hỗ trợ như ti giả, nhộng chũn, tiếng ồn trắng. Ngoài ra còn cần một môi trường ngủ hợp lý (yên tĩnh, phòng tối, nhiệt độ phù hợp). Thêm vào đó là một tinh thần sắt đá, vì việc này sẽ bị người nhà tác động rất nhiều" - chị Kim Qui cho hay.

Sự ủng hộ của gia đình là yếu tố quan trọng quyết định việc rèn nếp sinh hoạt EASY thành công hay không?

Mẹ trẻ tâm sự: "Mẹ nào theo Easy chắc đều nghe những câu như: "Nó đói rồi cho nó ti đi; giờ này mà ngủ gì để nó thức tối nó mới ngủ; bày đặt giờ giấc chi cho cực, để vô võng đưa ngủ cho nhanh...". Mình cũng không ngoại lệ, nhưng mình nghĩ điều gì tốt cho con thì mình làm thôi. Đến khi con phát triển tốt, vào nề nếp được, mẹ có thời gian làm việc thì ông bà cũng không còn nói nữa. Thay vì kêu "cho nó ti đi" thì bà sẽ hỏi là "Đến giờ ti chưa".

Khi mình luyện tự ngủ lúc bé 3 tháng tuổi thì ông bà cũng xót cháu nhưng không can thiệp. Bởi ông bà cũng chứng kiến cảnh bế ru ròng rã của mình, ông bà bế ru cũng cực nốt. Khi con hợp tác thì ông bà khen tấm tắc.

Còn chồng mình thì ủng hộ. Anh là người đứng giữa giải thích cho ông bà nội hiểu, phụ mình chăm con, tắm con, chơi với con mỗi khi rảnh. Và làm máy rửa bình đều đặn mỗi ngày. Đến giờ giao con cho chồng thì chồng tự lo được cho con từ giờ giấc đến tự ngủ luôn. Bây giờ cả nhà mình đều biết được dấu hiệu buồn ngủ của bé. Mỗi khi con đến giờ đi ngủ thì ông bà lại hỏi: "Cái nhộng đâu? Mở cái máy tiếng ồn trắng lên, ti giả còn cái nào trong máy tiệt trùng không?" rồi tắt điện cho cháu đi ngủ. Mình cũng cảm thấy hạnh phúc và may mắn khi có gia đình hiểu được cho mình".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn